Nguồn tin: Báo An Giang, 29/06/2018
Ngày cập nhật:
30/6/2018
Khi tham gia vào chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco, nông dân (ND) có trách nhiệm nuôi cá đạt chất lượng và giao hết cá cho Công ty TNHH SX-TM-DV Thuận An (Công ty Thuận An - Tafishco). Sau khi giao cá, coi như ND đã trả nợ cho ngân hàng (NH) bởi quá trình thanh toán tiếp theo là giữa NH với công ty. Khi lãnh đạo Tafishco “đi nước ngoài rồi biến mất”, NH quay lại đòi nợ ND, chẳng khác nào ND phải trả nợ 2 lần.
“Tôi không tìm thấy lỗi của ND”
Đó là khẳng định của Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Trần Văn Cường tại buổi làm việc của Tổ xử lý khoản cho vay thí điểm đối với dự án chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco (Tổ xử lý 441) với các ND tham gia chuỗi, đại diện Công ty Thuận An và các đơn vị liên quan. “Hợp đồng tín dụng mà ND ký với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh An Giang (Agribank An Giang) gắn với Hợp đồng nguyên tắc 05 của chuỗi liên kết dọc cá tra Tafishco. Sau khi Công ty Thuận An bắt cá của ND, có biên bản xác nhận sản lượng xem như ND đã thanh toán vốn vay NH. Số tiền thanh toán là giá trị số cá bán cho Công ty Thuận An. Theo quy trình chuỗi liên kết, ND đã làm tốt nghĩa vụ và không có lỗi” - ông Cường phân tích. Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh cho rằng, theo Điều 5 của Hợp đồng nguyên tắc 05, nếu các bên tham gia chuỗi liên kết (ND, NH, doanh nghiệp) không tự thỏa thuận được phương án xử lý có thể kiện ra tòa án giải quyết. “Trường hợp đưa ra tòa án, tòa tuyên ai có lỗi thì người đó phải chịu trách nhiệm. Nếu tòa xác định ND không có lỗi thì ND không phải trả nợ cho NH. Số nợ này sẽ được trừ trên số tiền bán cá cho Công ty Thuận An và NH thu nợ ND tại công ty” - ông Cường gợi ý thêm.
Nông dân đề nghị được bảo vệ quyền lợi khi đã làm tốt nghĩa vụ
Tại buổi làm việc, Giám đốc NH Nhà nước (NHNN) chi nhánh An Giang Lê Trọng Nghĩa khẳng định, hợp đồng tín dụng giữa ND với Agribank An Giang là hợp đồng tham gia chuỗi liên kết, chứ không phải hợp đồng tín dụng thông thường. “Nuôi cá tra đòi hỏi vốn nhiều, nếu chỉ thế chấp tài sản thông thường sẽ không đủ vốn nuôi. Việc cho ra đời chuỗi liên kết dọc cá tra nhằm giải quyết bài toán vốn đầu tư nuôi cá, liên kết đầu ra theo quy trình khép kín. Việc lãnh đạo Công ty Thuận An “bỏ đi nước ngoài” khiến chuỗi liên kết bị gián đoạn là sự cố đáng tiếc. ND tham gia chuỗi liên kết đã thực hiện rất tốt trách nhiệm của mình nhưng giờ giá cá tra tăng cao, họ chẳng những không được hưởng lợi mà còn thiệt thòi lớn” - ông Nghĩa nhận xét.
Cần lấy lại niềm tin cho ND
Là ND có nhiều năm kinh nghiệm nuôi cá tra, ông Lê Quang Vinh (thị trấn An Châu, Châu Thành) cho rằng, việc cho ra đời chuỗi liên kết dọc cá tra là chủ trương đúng, là giải pháp căn cơ giải quyết khó khăn tồn tại lâu nay của ngành cá tra Việt Nam. “ND tham gia chuỗi là thực hiện theo chủ trương đúng của Thủ tướng Chính phủ, NHNN và UBND tỉnh. Quy trình vận hành chuỗi rất chặt chẽ khi toàn bộ việc giải ngân vốn mua thức ăn, tiền bán cá, thanh toán nợ đều thông qua chuyển khoản, không dùng tiền mặt. ND đã làm tốt, không hề sai thì sao lại bắt ND chịu trách nhiệm? Bây giờ, NH đưa ND vào danh sách nợ xấu nhóm 5 thì ND còn làm ăn gì được” - ông Vinh trình bày. ND này đề nghị Agribank An Giang thu nợ của ND thông qua Tafishco (trừ trên số tiền cá mà công ty thu mua), giải chấp tài sản cho ND, đồng thời đưa ND ra khỏi danh sách nợ xấu nhóm 5. ND Nguyễn Văn Tấn (xã Vĩnh Thạnh Trung, Châu Phú) cũng đồng tình: “Hợp đồng nguyên tắc của chuỗi ghi rõ, ND được vay tiền mua thức ăn, được hưởng chiết khấu thức ăn, sau khi bán cá cho doanh nghiệp thì được thanh toán trong vòng 5 ngày. Số tiền thanh toán này, Công ty Thuận An thay ND trả tiền vốn vay và lãi mua thức ăn, còn dư thì chuyển vào tài khoản của ND. Tôi được biết sau khi lãnh đạo Công ty Thuận An bỏ trốn, khoản tiền từ nước ngoài chuyển về thanh toán tiền mua cá của công ty đều bị NH giữ lại. Tại sao NH không trừ số tiền này vô khoản nợ vay của ND?”.
Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội ND tỉnh Châu Văn Ly và Giám đốc Sở Công thương Võ Nguyên Nam đều cho rằng, ND đã thực hiện đúng, lỗi sai thuộc về lãnh đạo Công ty Thuận An và công tác quản lý chuỗi. Do vậy, Tổ xử lý 441 sẽ tiếp tục trình UBND tỉnh phương án xử lý để báo cáo Thủ tướng Chính phủ giải quyết theo hướng bảo vệ quyền lợi ND. “Tổ sẽ đề xuất UBND tỉnh đăng ký làm việc với Thủ tướng nhằm thống nhất quan điểm, phương án xử lý còn khác nhau giữa UBND tỉnh và NHNN” - ông Nam nhấn mạnh.
“Đề nghị Agribank An Giang đề xuất cơ quan cấp trên dỡ bỏ danh sách nợ xấu đối với các ND tham gia chuỗi. Đồng thời, giải chấp tài sản cho ND để bổ sung vào phương án xử lý của Tổ 441” - ông Võ Nguyên Nam, Tổ trưởng Tổ xử lý 441 đề nghị.
Bài, ảnh: NGÔ CHUẨN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.