Nguồn tin: Báo Hưng Yên, 30/06/2018
Ngày cập nhật:
3/7/2018
Anh Hoàng Văn Huynh ở thôn 4, xã Hạ Lễ (Ân Thi, tỉnh Hưng Yên) hiện nuôi thả 1,5 ha thủy sản nước ngọt, chủ yếu là các loại cá trắm, chim trắng, trôi, mè, rô phi… Những ngày hè trời nắng nóng như đổ lửa, anh Huynh liên tục bật máy quạt nước để tạo ô xi, giảm nhiệt độ mặt nước.
Mùa hè, người nuôi tăng cường kiểm tra ao nuôi để phòng bệnh cho cá
Anh Huynh cho biết: “Đầu mùa hè, tôi đã đầu tư mua 3 chiếc máy quạt nước tạo ôxi trị giá 30 triệu đồng để lắp cho ao nuôi. Những ngày trời nắng mặt nước rất nóng. Tôi sử dụng máy quạt nước liên tục để luân chuyển dòng nước, điều hòa nhiệt độ ao nuôi, đồng thời thúc đẩy việc lưu thông của dòng nước. Làm vậy cá không bị chết và mới sinh trưởng, phát triển tốt”.
Một ngày giữa tháng 6, đến thăm mô hình nuôi thủy sản tập trung của xã Hạ Lễ, trên con đường bê tông sạch đẹp dẫn thẳng ra khu vực nuôi thủy sản rộng 28ha. Trên những ao cá rộng vài ha vuông vắn như bàn cờ, hệ thống máy quạt nước tạo ô xi phục vụ hoạt động nuôi trồng thủy sản hoạt động liên tục.
Anh Nguyễn Tiến Thịnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản xã Hạ Lễ cho biết: Những ngày qua, trời nắng nóng kéo dài xen lẫn những cơn mưa rào đã gây ảnh hưởng tới ao nuôi, làm các dễ bị sốc do môi trường nước thay đổi và có thể chết hàng loạt nếu không được xử lý kịp thời. Vì vậy, từ đầu mùa hè, đặc biệt là thời điểm giao mùa, Hợp tác xã đã khuyến cáo hội viên liên tục bật quạt nước để tạo ô xi, điều hòa nhiệt độ ao nuôi, mật độ đặt máy quạt nước trung bình 5 tấn cá/máy. Sau những trận mưa, người nuôi cần kiểm tra các yếu tố môi trường ao nuôi để có những biện pháp khắc phục kịp thời. Đồng thời bổ sung khoáng vi lượng, các loại vitamin và khoáng chất vào thức ăn nhằm tăng cường sức đề kháng cho cá...
Hiện tại, anh Thịnh có 10ha nuôi thả cá nước ngọt, chủ yếu là các giống cá trắm đen, trắm cỏ, chim trắng, rô phi, cá chép lai… Hơn chục năm kinh nghiệm nuôi thả cá, anh Thịnh cho biết: Thời tiết mùa hè thay đổi liên tục khiến môi trường ao nuôi biến động nên người nuôi phải có những biện pháp phòng ngựa bệnh, tăng sức đề kháng giúp cá khỏe mạnh, nhất là những ao cá mới xuống giống.
“Đối với những ao vừa tát, tôi khử trùng bằng vôi bột với tỷ lệ 10 – 15kg/sào ao, sau đó phơi ao từ 3 – 4 ngày đối với mùa hè, và 1 tuần trong mùa đông để tiêu diệt các loại mầm bệnh. Sau đó, tôi cấp nước khoảng 70cm tính từ đáy ao lên mặt, bổ sung men vi sinh để tạo các vi khuẩn có lợi. Một tuần sau tôi sẽ thả cá giống. Khi thả, tôi thường xuyên theo dõi thời tiết để điều chỉnh chế độ chăm sóc, phòng trừ bệnh”.
Trong những năm gần đây, các hộ nông dân ở xã Đại Tập (Khoái Châu) đã tập trung vào nuôi trồng thủy sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện toàn xã Đại Tập có trên 10 ha nuôi cá nước ngọt. Hàng năm sản lượng cá nước ngọt luôn giao động từ 100 - 200 tấn, trung bình mỗi hộ nuôi cá nước ngọt quy mô lớn có thu lãi từ 300 - 400 triệu/ha/năm.
Với hơn 5 mẫu ao thuê thầu, gia đình anh Phạm Lăng Dũng ở xã Đại Tập (Khoái Châu) vừa kết hợp “trên nuôi vịt, dưới thả cá”. Những ngày hè, chế độ chăm sóc cá của anh Dũng cũng thay đổi theo thời tiết.
Anh Dũng cho biết: “Ngay từ đầu vụ, trước khi xuống giống, tôi chú ý vệ sinh đáy ao kỹ bằng vôi bột. Từ khi thả giống đến nay, mỗi tháng tôi rắc vôi bột 3 lần và sử dụng thêm một số loại chế phẩm sinh học để ổn định môi trường ao nuôi. Trong những ngày thời tiết biến động, tôi sẽ tăng cường kiểm soát lượng thức ăn cho cá vừa phải, không để cá ăn quá no, gây hại đến đường ruột. Lượng thức ăn trong mùa hè giảm khoảng 20% để cá bớt béo, đồng thời giúp hạn chế thức ăn thừa gây ô nhiễm môi trường nước. Trong điều kiện thời tiết nắng nóng, trước khi cho cá ăn,phải kiểm tra nhiệt độ dưới ao nuôi, nếu nóng quá tôi chờ trời mát mới cho cá ăn…”.
Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, chú trọng phòng bệnh nên cá phát triển khỏe mạnh, không bị dịch bệnh. Mỗi năm, gia đình anh Dũng thu trên 50 tấn cá, thu lãi trên 300 triệu đồng.
Theo khuyến cáo của Chi cục Thủy sản tỉnh, trong mùa nắng nóng, môi trường ao nuôi luôn biến động, nhất là yếu tố pH, nhiệt độ nước, độ kiềm, ô-xy hoà tan…. Vì vậy, việc chủ động phòng tránh những ảnh hưởng của thời tiết bất thường đối với các loài thủy sản là yêu cầu cấp thiết đối với các hộ nuôi, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, phát triển thủy sản bền vững.
Theo tổng hợp của Chi cục Thủy sản tỉnh, hiện nay tổng diện tích mặt nước sử dụng nuôi thả thủy sản toàn tỉnh là hơn 5,6 nghìn ha. Trong đó, diện tích nuôi thủy sản thâm canh đạt hơn 1,8 nghìn ha, còn lại là diện tích nuôi bán thâm canh.
Dương Miền
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.