Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 02/07/2018
Ngày cập nhật:
6/7/2018
Bằng sự nỗ lực và tinh thần học hỏi không ngừng, ông Lê Quang Toàn (sinh năm 1957, trú huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) đã vượt qua nhiều gian khó, vươn lên làm giàu từ việc nuôi tôm thẻ chân trắng.
Khoảng 20 năm trước, ông Toàn từ Cam Ranh đến thôn Ninh Mã, xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh để lập nghiệp. Tại đây, do vốn ít, kinh nghiệm chưa nhiều nên gia đình ông chỉ nuôi 2 vuông tôm trên đất. Thả nuôi ít, lại khó kiểm soát dịch bệnh, môi trường nên lời lãi chẳng bao nhiêu, thậm chí nhiều vụ tôm mất trắng. Cuộc sống gia đình ông vì thế cũng chỉ đủ đắp đổi qua ngày. Tuy nhiên, không vì thế mà ông nản lòng. Một mặt ông chăm lo cho đìa tôm của mình, mặt khác không ngừng mày mò, học hỏi từ sách báo, các buổi tập huấn cũng như đến tận nơi một số mô hình nuôi tôm hiệu quả để tìm kiếm cho mình phương pháp nuôi trồng thủy sản phù hợp nhất.
Đìa nuôi tôm lót bạt của ông Lê Quang Toàn ở Vạn Thọ.
Năm 2012, khi phong trào nuôi tôm trên bạt ở một số tỉnh lân cận như: Bình Định, Ninh Thuận phát triển, Hội Nông dân tỉnh tổ chức cho các hội viên tiếp cận với hình thức nuôi mới này, ông Toàn đăng ký tham gia. Sau quá trình học hỏi kỹ thuật, gia đình ông Toàn mạnh dạn đầu tư lót bạt trên diện tích gần 5.000m2 đìa tôm đất của gia đình. Cùng với kiến thức, kỹ năng sau hàng chục năm gắn bó với nghề, lại được tiếp cận với phương pháp nuôi mới, giải quyết được khâu xử lý ao nuôi cũng như giảm tỷ lệ hao hụt, tôm nhà ông Toàn lớn nhanh, mang về cho ông lãi ròng hàng tỷ đồng mỗi vụ. Phần lớn số tiền lãi ông lại tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích. Đến năm 2018, diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng trên bạt của gia đình ông đã lên đến 7ha. Ngoài ra, ông còn 5ha đìa đất nuôi ốc hương. Đồng thời, ông mở thêm đại lý bán thức ăn tôm, mở nhà hàng tiệc cưới, kinh doanh dịch vụ cho thuê xe du lịch… mang về thu nhập tới 9 tỷ đồng mỗi năm.
Bên cạnh chăm lo phát triển sản xuất, ông Toàn còn thường xuyên giúp đỡ các hội viên nông dân khó khăn trong xã về vốn, kỹ thuật để phát triển kinh tế. Đến nay, ông đã trợ giúp cho 52 hộ lân cận cải thiện kinh tế bằng cách hỗ trợ vốn cải tạo ao đìa, hỗ trợ thức ăn nuôi tôm đến cuối vụ mới thanh toán, tạo việc làm thường xuyên cho 40 lao động với mức thu nhập hơn 5 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, ông còn tích cực tham gia đóng góp các loại quỹ ở địa phương, xây dựng nông thôn mới.
Ông Toàn cho biết, bên cạnh không ngừng học hỏi những tiến bộ khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, ông rất coi trọng sự đoàn kết, gắn bó, tương thân tương ái giữa những người nuôi trồng thủy sản và các lĩnh vực liên quan như: thức ăn, con giống… Với những thành công của mình, ông đã được công nhận nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương giai đoạn 2012 - 2017 và được Hội Nông dân tỉnh đề cử danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018.
C.Đ
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Các tin mới
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.