Nguồn tin: Báo Bắc Ninh, 28/01/2019
Ngày cập nhật:
30/1/2019
Sinh năm 1986 nhưng trông Nguyễn Quốc Vượng (thôn Hoài Trung, xã Liên Bão, Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) chững chạc hơn so với tuổi. Vượng cười bảo: “Ngày trước cũng quần áo bảnh bao, thư sinh lắm, dù gì mình cũng từng 2 lần làm Giám đốc công ty phần mềm rồi. Nhưng từ ngày về làm bạn với ruộng đồng, gương mặt mình phong sương đi nhiều đấy”.
Hệ thống điều khiển tưới nước nhỏ giọt tại khu vực nhà màng trồng dưa lưới của anh Nguyễn Quốc Vượng.
Chàng trai từng là cử nhân công nghệ thông tin của trường Đại học Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã có thâm niên 10 năm khởi nghiệp tại thủ đô Hà Nội. Chỉ sau 1 năm duy nhất đi làm thuê cho doanh nghiệp, anh Vượng quyết tâm theo đuổi giấc mơ làm chủ cơ ngơi của riêng mình. Trong 7 năm tiếp theo, anh đã 2 lần thành lập công ty lập trình, chuyên viết phần mềm công nghệ thông tin theo yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, do thiếu nhiều thứ từ vốn, kỹ năng, quan hệ... nên cả 2 công ty đều yếu dần rồi sụp đổ cuốn theo bao tích lũy của cả gia đình. “Thực sự trong những lúc lao đao ấy, mình chưa bao giờ nản chí mà chỉ coi đó là những thử thách cần có để rèn luyện bản thân trưởng thành hơn. Bởi con đường khởi nghiệp không phải bao giờ cũng thuận lợi, bằng phẳng, mỗi người phải học cách đứng lên từ vấp ngã”, Vượng chia sẻ.
Trở về quê với 2 bàn tay trắng, Vượng được người quen giới thiệu làm nông nghiệp. Vốn sinh ra trong gia đình thuần nông, cảm nhận được những gian truân trong việc đồng áng từ nhỏ nên điều đó đã thôi thúc anh quay lại canh tác, nhưng không phải bằng thủ công truyền thống mà bằng tư duy mới: Áp dụng công nghệ số vào nông nghiệp. Biết ý định đó, gia đình hết sức lo lắng nhưng anh thì tràn đầy niềm tin đây là lối rẽ hấp dẫn và tiềm năng. Anh cho rằng, công nghệ thông tin chính là nền tảng của mọi doanh nghiệp, vì muốn sản xuất và quản lý hiện đại, người ta phải tư duy “số hóa”, ngay cả với lĩnh vực vốn tưởng chỉ dành cho lao động tay chân như nông nghiệp.
Anh bắt đầu lên mạng tìm hiểu về các sản phẩm, xu thế sản xuất nông nghiệp trong nước, thế giới và thích thú với 2 loại cây trồng mới cho giá trị cao, thị trường rộng mở: Măng tây xanh và dưa lưới. Mỗi ý tưởng hình thành sáng rõ hơn lại thôi thúc anh dấn thân mạnh mẽ vào lĩnh vực hoàn toàn mới mẻ này.
Sau thời gian dài đàm phán, anh thuê được 5.000m2 đất tại thôn Hoài Trung, xã Liên Bão và tiến hành cải tạo đất; huy động hơn 1 tỷ đồng xây dựng 1.200m2 nhà màng hiện đại và mời 3 kỹ sư nông nghiệp về làm việc, phụ trách các vấn đề về kỹ thuật. Nghĩ là làm, anh xây dựng và đặt hàng đơn vị viết phần mềm tích hợp hệ thống, lắp đặt các cảm biến tại khu nhà màng để có thể điều khiển từ xa theo nhu cầu của cây về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm. Anh cũng tiến hành thu thập dữ liệu thời tiết và điều kiện khí hậu tại trang trại của mình để có lượng thông tin cần thiết sử dụng trong tương lai.
Trong khu nhà màng, anh chia thành các phân khu nhỏ để trồng dưa lưới gối vụ. Khởi đầu tưởng chừng suôn sẻ, tuy nhiên chỉ sau vài tháng, anh đón nhận thất bại đầu tiên. Vụ ấy, hơn 50% số dưa lưới bị chết, những cây còn lại ra quả nhưng không đạt yêu cầu chất lượng. Không nản chí, đến lứa thứ 2 anh thay đổi quy trình, vừa làm vừa thử nghiệm cho phù hợp với điều kiện đồng đất và khí hậu địa phương. Tới nay, mỗi lứa dưa cho thu hoạch hơn 1 tấn/vụ/400m2 nhà màng. Tỷ lệ quả loại 1 để bán ra thị trường lên tới 80%. Phần còn đất còn lại anh để trồng măng tây xanh, đến nay đang vào thời kỳ chăm sóc tích cực chuẩn bị cho thu hoạch.
Ban đầu chỉ là những bạn bè thân quen đến tận nơi để tham quan và mua về dùng cho gia đình, đến nay sản phẩm đã có mặt ở rất nhiều chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch và siêu thị ở Hà Nội, Bắc Ninh. Với giá thành bình dân chỉ khoảng 60.000 đồng/kg dưa lưới, mô hình của anh Vượng đã phần nào đáp ứng nhu cầu thực phẩm sạch của người dân. Anh cũng thành lập Công ty TNHH nông nghiệp Tâm Điền, tạo việc làm cho 10 lao động, tiến tới việc tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị ổn định, hiệu quả hơn.
Nhìn lại hành trình khởi nghiệp của mình, anh Vượng cho rằng, khởi nghiệp không dành cho những người có ý tưởng dạo chơi, mà cần phải có sự chuẩn bị, tích lũy kiến thức, vốn, mối quan hệ... Các bạn trẻ đừng nhìn bề ngoài hào nhoáng của những doanh nhân thành đạt để liều lĩnh khởi nghiệp theo phong trào. Bởi ý tưởng chỉ là hạt giống, ý chí mới chính là môi trường nuôi dưỡng hạt giống sinh trưởng mạnh mẽ. Và theo anh, cái mất tiền là cái mất rẻ nhất, thứ quý giá hơn là ý chí, bản lĩnh của mình. Vì vậy, nếu thất bại, đừng nản chí, hãy tiếp tục đứng lên và theo đuổi đến cùng, để đi tới thành công.
Huyền Thương - Việt Anh
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.