Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang, 1/1/2019
Ngày cập nhật:
4/1/2019
Ở Tiền Giang, ông Võ Văn Nhì (sinh năm 1949), hội viên Hội Cựu chiến binh, cư ngụ tại xã Đạo Thạnh, thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang) là người đi tiên phong trong việc đưa khoa học - công nghệ vào phát triển vườn chuyên canh cây trồng đặc sản, nâng cao hiệu quả kinh tế. Nhờ vậy, ông Nhì xây dựng được cuộc sống sung túc, ấm no, nêu gương tự lực cánh sinh trong lập thân lập nghiệp và làm giàu ở vùng ven đô thị "đất hẹp, người đông".
Ông Nhì chăm sóc vườn bưởi của gia đình.
Ông Nhì từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, công tác tại Ban Chỉ huy Quân sự thành phố Mỹ Tho (Thành đội Mỹ Tho), được kết nạp Đảng vào ngày 15/2/1971 nhờ những thành tích trong chiến đấu. Sau đó, ông còn tham gia làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Năm 1990, ông phục viên về địa phương lao động sản xuất với cấp bậc Trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam.
Với 2.000m2 đất trước kia là vườn cây tạp, hiệu quả kinh tế không cao, ông Nhì bắt tay nghiên cứu cải tạo, chuyển từ cây tạp sang trồng chuyên canh bưởi da xanh. Với diện tích này, ông tiến hành trồng 100 gốc bưởi da xanh. Tuy là cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao nhưng bưởi da xanh cũng rất kén đất, nếu chăm sóc không đúng cách cây dễ suy kiệt lại vừa bị nhiều loại sâu bệnh tấn công rất khó trị như bệnh vàng lá Greening, ruồi đục quả,...
Để khắc phục tình trạng trên, đồng thời giúp vườn bưởi sung mãn, cho năng suất và sản lượng cao, ông Nhì rất chú trọng việc học tập kinh nghiệm của những nông dân đi trước, tìm tài liệu thâm canh bưởi cũng như áp dụng những kiến thức từ hướng dẫn của cán bộ khuyến nông qua các buổi tập huấn, hội thảo kỹ thuật và các kênh thông tin khác nhau... Ngoài ra, trước khi trồng ông cũng nghiên cứu chọn giống tốt, sạch bệnh, trồng với mật độ phù hợp và đắp mô để cây không bị ngập úng vào mùa "mưa dầm, nước nổi" hàng năm ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo ông Nhì, trong quá trình thâm canh không nên sử dụng phân bón vô cơ, thay vào đó dùng nhiều phân hữu cơ sẽ giúp cây sung mãn, cho năng suất cao và trái chất lượng tốt, đồng thời tuổi thọ cây sẽ kéo dài. Bên cạnh đó, ông còn nuôi kiến vàng trong vườn cây, đây là một loài côn trùng rất có ích cho cây ăn trái có múi như: Bưởi, cam, quít... Thực tế cho thấy, nuôi kiến vàng trong vườn cây có múi sẽ giảm được sâu bệnh có hại, trái to đẹp, chất lượng trái ngon và mọng nước, người tiêu dùng rất ưa chuộng. Nhờ nuôi kiến vàng nên ông Nhì không cần phải phun thuốc bảo vệ thực vật, kể cả thuốc trừ cỏ, giảm được chi phí sản xuất và tăng hiệu quả kinh tế. Trung bình mỗi năm, với mô hình trên, ông tiết kiệm được chi phí hàng chục triệu đồng. Ông Trần Công Lên, Chủ tịch Hội Làm vườn xã Đạo Thạnh đánh giá, mô hình nuôi kiến vàng trong vườn bưởi da xanh của ông Võ Văn Nhì rất độc đáo, được Hội đúc kết để nhân rộng trong thời gian tới.
Ngoài ra, trong năm qua, hưởng ứng phong trào thâm canh cây ăn trái theo tiêu chí GAP, ông Nhì gia nhập Tổ hợp tác bưởi VietGAP xã Đạo Thạnh và áp dụng quy trình trồng bưởi VietGAP để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc, nâng cao giá trị nông sản trên thị trường. Ông Nhì chia sẻ, trồng bưởi theo tiêu chí VietGAP đòi hỏi nông dân phải thay đổi tập quán canh tác, áp dụng quy trình canh tác khoa học được khuyến cáo, không sử dụng chất cấm trong quá trình sản xuất, bảo đảm thời gian cách ly trước khi thu hoạch, ghi chép sổ sách,... Bù lại, sản phẩm đảm bảo chất lượng, được thị trường tiêu thụ ưa chuộng và đầu ra thuận lợi. Đồng thời, ông còn quan tâm xử lý để cây cho trái rải vụ nhằm chủ động thời vụ thu hoạch, bán được giá cao, tránh thời điểm nông sản bị mất giá bởi đụng hàng, đụng chợ. Thông thường, tháng 4 âm lịch ông bắt đầu xử lý, bón phân, chăm sóc để cây ra hoa và cho thu hoạch từ tháng 10 trở đi đến Tết Nguyên đán. Trước khi xử lý thì tỉa cành, tạo tán, cắt bỏ những cành vô hiệu. Khi cây ra hoa kết trái thì chú trọng tỉa thưa trái, chỉ để những trái tốt trên cành...
Với những biện pháp thâm canh này, vườn bưởi da xanh của ông Nhì đến nay dù đã 20 năm tuổi nhưng rất sung mãn, xanh tốt, vào mùa thì trái trĩu cành, là điểm tham quan, học tập của bà con nông dân và khách tham quan có hứng thú đối với cây trồng đặc sản này. Theo gương ông, bà con vùng ven thành phố Mỹ Tho đưa bưởi da xanh trở thành cây ăn trái chủ lực với tổng diện tích lên hàng ngàn ha, trong đó riêng xã Đạo Thạnh có hàng trăm ha, mở ra hướng đi mới cho phát triển kinh tế bền vững của địa phương.
Ông Nhì cho biết, trung bình mỗi năm ông thu hoạch từ 4 đến 5 tấn bưởi, với giá bán bình quân 40.000 đồng/kg, thu từ 160 triệu đồng đến 200 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 100 triệu đồng. Nhờ cây bưởi da xanh, gia đình ông đã tạo dựng nên cơ nghiệp bền vững, là điển hình làm giàu ở nông thôn. Nhiều năm liền ông Nhì được công nhận danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang, ông còn vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Mộng Tuyết
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.