Nguồn tin: Báo Hậu Giang, 02/04/2019
Ngày cập nhật:
4/4/2019
Cây ăn trái là thế mạnh về nông nghiệp của các tỉnh ĐBSCL nói riêng và khu vực Nam bộ nói chung; những năm qua tình hình sản xuất và xuất khẩu cây ăn trái liên tục tăng, giúp nhiều hộ nông dân vươn lên khá giả.
Thu hoạch nhãn ở ĐBSCL.
Hiệu quả kinh tế cao
Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), diện tích cây ăn trái ở các tỉnh phía Nam liên tục tăng trong những năm gần đây. Cụ thể, giai đoạn từ năm 1996-2005 diện tích cây ăn trái tăng trưởng nhanh, mức tăng bình quân khoảng 7%/năm; sau đó, tốc độ tăng diện tích chậm lại (từ năm 2009-2012) và từ năm 2013 đến nay diện tích tăng trở lại, bình quân tăng khoảng 4,2%/năm.
Năm 2018, diện tích cây ăn trái ở khu vực phía Nam ước đạt 596.331ha (chiếm 60% diện tích của cả nước); tổng sản lượng quả đạt hơn 6,6 triệu tấn (chiếm khoảng 67% sản lượng quả cả nước), tăng trên 61% so năm 2010 (2,5 triệu tấn). Tại các tỉnh phía Nam có 14 loại trái cây có diện tích lớn (trên 10.000ha/loại). Trong đó, xoài có diện tích lớn nhất (80.000ha), tiếp đến là chuối (78.000ha), thanh long (53.000ha), cam (44.000ha), bưởi (44.000 ha), nhãn (35.000ha), sầu riêng (47.000ha), khóm (33.000ha), chanh (27.000ha), chôm chôm (25.000ha), mít (20.000ha), quýt (15.000ha), bơ (14.000ha), mãng cầu ta (khoảng 11.000ha). Ở khu vực phía Nam thì các tỉnh ĐBSCL là vùng trồng cây ăn trái chủ lực chiếm khoảng 58% diện tích cây ăn quả toàn miền Nam, tiếp đến là vùng Đông Nam bộ (17%), vùng Duyên hải Nam Trung bộ (15%) và vùng Tây Nguyên (10%).
Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, những năm qua, xuất khẩu cây ăn trái nói riêng và rau quả nói chung liên tục tăng. Nếu như năm 2003, xuất khẩu rau quả của nước ta chỉ khoảng 151,5 triệu USD, đến năm 2013 đạt cột mốc 1,07 tỉ USD. Năm 2018, ngành hàng rau quả tiếp tục bứt phá khi mang về kim ngạch 3,8 tỉ USD; đây cũng là năm đầu tiên ngành hàng rau quả xuất siêu vượt 2 tỉ USD, đóng góp lớn vào sự tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp, đồng thời nâng cao đời sống nông dân. Đạt được kết quả trên là nhờ ngành chức năng và doanh nghiệp đẩy mạnh mở rộng thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường lớn. Nếu như năm 2004, chỉ có 13 thị trường xuất khẩu rau quả của nước ta có giá trị trên 1 triệu USD; đến năm 2018 đã có tới 13 thị trường xuất khẩu lớn giá trị trên 25 triệu USD. Cùng với Trung Quốc là thị trường lớn nhất (chiếm 73,1% thị phần), nhiều loại rau quả nước ta đã xuất khẩu vào các thị trường khó tính như Mỹ (3,7%), Hàn Quốc (3%), Nhật Bản (2,8%), Hà Lan (1,6%); tiếp đến là Malaysia, Thái Lan, Úc, Tiểu Vương quốc Á-Rập Thống nhất.
Thuận lợi cơ bản là trên thế giới nhu cầu nhập khẩu rau quả luôn ở mức cao và liên tục tăng trong những năm qua. Thống kê của tổ chức FAO trong 9 năm (từ năm 2007-2016), giá trị nhập khẩu rau quả toàn thế giới luôn ở mức trên 100 tỉ USD/năm, bình quân tăng 12,2%/năm. Các nhà chuyên môn cho rằng, nhờ tác dụng tốt của rau quả đối với sức khỏe con người nên nhiều gia đình tăng cường sử dụng rau quả và rau quả đang được khuyến khích. Bộ NN&PTNT xác định những loại cây thế mạnh để đầu tư, đột phá trong xuất khẩu như: chuối, xoài, khóm, cam, bưởi, nhãn, chôm chôm, sầu riêng... đặc biệt là thanh long; trong đó thanh long xuất khẩu liên tục tăng từ 57,15 triệu USD năm 2010, lên 1,1 tỉ USD năm 2018.
Gỡ khó để tăng tốc
Xuất khẩu cây ăn trái nói riêng và rau quả nói chung rất tiềm năng nhưng cũng đang đối mặt với những thách thức từ nhiều nước trên thế giới. Bộ NN&PTNT cho biết, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của cả nước trong 2 tháng đầu năm 2019 đạt 5,5 tỉ USD, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm 2018. Riêng mặt hàng rau quả, xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 584 triệu USD, giảm tới 9,9% so với cùng kỳ năm 2018; trong đó Trung Quốc là thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam nhiều nhất những năm qua thì nay cũng đã giảm nhập khoảng 12,7% về giá trị so với cùng kỳ. Như vậy, sau nhiều năm tăng trưởng mạnh thì 2 tháng gần đây xuất khẩu rau quả đã giảm.
Các nhà chuyên môn đánh giá, bức tranh xuất khẩu nông lâm thủy sản nói chung và mặt hàng rau quả nói riêng có nhiều điểm sáng tối đan xen; trong đó giá giảm do nguồn cung cao. Cục Bảo vệ thực vật lưu ý: Rào cản kỹ thuật của các nước nhập khẩu ngày càng tăng, kể cả Trung Quốc vốn được coi là thị trường dễ tính thì nay đã nâng cao hàng rào kỹ thuật về kiểm dịch thực vật. Hiện Trung Quốc cho phép nhập khẩu chính ngạch đối với 8 loại quả tươi của Việt Nam gồm “thanh long, chôm chôm, xoài, nhãn, vải, dưa hấu, chuối, mít”, kèm theo yêu cầu về kiểm dịch thực vật. Các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Úc… cũng yêu cầu những điều kiện khắt khe, trong đó quả tươi phải áp dụng xử lý hơi nước nóng và chiếu xạ trước khi xuất khẩu… Tất cả những vấn đề trên sẽ làm tăng giá thành sản phẩm và nguy cơ đánh mất thị trường nếu chúng ta không tuân thủ theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu trái cây nhìn nhận, hạn chế lâu nay là chúng ta thiếu nghiên cứu và dự báo có chiều sâu ở các thị trường trọng điểm; thiếu thông tin về các đối thủ cạnh tranh; đặc biệt là thiếu kinh phí để mở cửa thị trường xuất khẩu. Thêm cái khó là hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu rau quả ở phía Nam và cả nước có quy mô nhỏ, năng lực yếu và tổ chức xuất khẩu chưa hiệu quả; công nghệ bảo quản và xử lý sau thu hoạch yếu. Bên cạnh đó, có hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh và chưa gắn kết với HTX, cùng nông dân từ khâu sản xuất đến xuất khẩu.
Tháo gỡ khó khăn trước mắt và hướng tới mục tiêu xuất khẩu rau quả đạt trên 4,5 tỉ USD vào năm 2020 (trong đó cây ăn trái chiếm hơn 3,6 tỉ USD), Bộ NN&PTNT cho biết sẽ xây dựng đề án, kế hoạch phát triển cây ăn quả chủ lực, trong đó chú trọng thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn. Mỗi tỉnh chọn một số loại cây ăn quả chủ lực nhằm hình thành vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển ngành hàng theo chuỗi giá trị, gắn đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhanh chóng liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu trái cây. Trước mắt, thực hiện liên kết, sản xuất 5 loại trái cây chủ lực là “thanh long, xoài, chôm chôm, sầu riêng và nhãn”. Đẩy mạnh phát triển các chuỗi giá trị, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng, đến năm 2020 đạt từ 30-35%; năm 2025 đạt khoảng 50-55% và năm 2030 đạt 100% tại các vùng sản xuất tập trung; từ đó giảm dần việc tiêu thụ sản phẩm thông qua thương lái từ 80-90% hiện nay xuống còn 65-70% vào năm 2020, năm 2025 còn 45-50%. Ông Đàm Văn Hưng, chủ doanh nghiệp trái cây Hương Miền Tây (Bến Tre) đề xuất ngành chức năng nghiên cứu chính sách tích tụ ruộng đất nhằm xây dựng vùng sản xuất cây ăn quả tập trung, chuyên canh lớn; hỗ trợ doanh nghiệp về chế biến sâu các sản phẩm trái cây, gia tăng giá trị sản xuất, đồng thời tránh các hàng rào kỹ thuật đối với các sản phẩm tươi sống...
Bài, ảnh: HƯNG TÂN
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.