Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 25/04/2019
Ngày cập nhật:
27/4/2019
Vườn dâu tây được xem là địa điểm “gây thương nhớ” cho rất nhiều du khách khi đến với “thành phố sương mù”. Giữa cánh rừng thông trong thung lũng thôn Ða Ðum, xã Ðạ Sar, Lạc Dương - cách Ðà Lạt khoảng 30 km, trang trại dâu tây Nhật của ông chủ Hàn Quốc có tên là “Chào Ðà Lạt” gây ấn tượng với rất đông du khách, bởi chỉ cần đi ngang qua, mùi thơm mát, ngòn ngọt của những trái dâu tươi sẽ khiến nhiều người không ngớt xuýt xoa.
Ông Park Nam Hong luôn tự mình vào vườn để theo dõi vườn dâu tây của mình phát triển.
Ông Park Nam Hong (quốc tịch Hàn Quốc), chủ trang trại cho biết, ông sang Việt Nam làm việc từ năm 1999, khi ấy ông chọn vùng đất Bình Thuận để khởi nghiệp - nuôi tôm là hướng đi của mình, ông duy trì trang trại tôm của mình đến năm 2006. Thế nhưng, sau một thời gian, nhận thấy việc chăn nuôi này không còn đem lại hiệu quả, ông tìm hướng đi mới. Ông kể, sau nhiều năm làm ăn không có lãi ở đất Bình Thuận, trong một lần tình cờ lên Đà Lạt nghỉ mát, ông nhận thấy đây là vùng đất lý tưởng để canh tác nông nghiệp công nghệ cao. Lúc ấy, ông về Bình Thuận bán hết cơ ngơi và lên Đà Lạt mua đất lập trang trại.
Năm 2006, ông Hong liên tục đến Đà Lạt để tìm hiểu và xúc tiến việc đầu tư thực hiện dự án. Tháng 8/2007, sau khi “tậu” được 3 ha đất tại thôn Đa Đum, cùng lúc ấy, ông nhận được giấy chứng nhận đầu tư của tỉnh Lâm Đồng để thành lập Công ty TNHH Kbil Vina.
Ban đầu thử nghiệm trồng hoa cúc nhưng chất lượng và năng suất không được như mong muốn sau nhiều lần trồng, ông chuyển sang nuôi thiên địch nhưng thiên địch chỉ có xuất khẩu mà khâu vận chuyển khó khăn, hiệu quả cũng không cao. Đang bế tắc khi không biết chọn cây gì để phát triển, ông quyết định đi tham quan và học hỏi kinh nghiệm sản xuất ở Đà Lạt, tới thăm một số vườn dâu tây, được ăn thử dâu tươi, nhưng ông Hong cảm thấy không thơm và ngọt như dâu Nhật ông đã từng thử qua. Từ đó, ông ấp ủ dự án lập nông trại canh tác dâu tây Nhật lớn tại vùng đất mới Đạ Sar.
Khi quyết định chọn Đà Lạt để trồng dâu, ông Hong chấp nhận chân lấm tay bùn như một nông dân thực thụ. Hằng ngày, ông cùng các công nhân lao vào việc trồng, chăm sóc vườn dâu. Sau nhiều năm kiến thiết và xây dựng, hiện vườn của ông Nam đã có 3 ha dâu Nhật được chia làm 10 khu sản xuất và đã cho thu hoạch, trung bình mỗi ngày cho sản lượng 200-300 kg, giá bán khoảng 300.000 đồng/kg, cho các hệ thống siêu thị ở các thành phố lớn như: TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Nha Trang; các nhà hàng, khách sạn lớn tại Đà Lạt, hoặc khách lẻ đặt hàng trực tiếp.
Ông Park Nam Hong phấn khởi cho biết, việc lựa chọn trồng dâu là hướng đi đúng đắn mà ông đã quyết định. “Muốn tạo sự khác biệt về chất lượng trái dâu, quan trọng nhất là khâu giống. Giống dâu Nhật tôi lựa chọn đều có bản quyền và được các cơ quan chức năng Việt Nam kiểm dịch. Hiện tôi đang tiến hành đăng ký bản quyền cho những giống dâu này”, ông Hong cho hay.
Tại Trang trại dâu Kbil Vina, quy trình chăm sóc dâu được theo dõi và phân công cụ thể cho từng tuần, từng ngày Kỹ sư nông nghiệp hằng ngày khảo sát quy trình sinh trưởng của cây, xử lý các tác nhân gây bệnh. Từng luống dâu tây còn được theo dõi rất kỹ với những bảng thông báo “Cách ly” - “Thu hoạch” cho từng tuần.
Nhờ nguồn giống nhập trực tiếp từ Nhật Bản về, trong suốt quá trình trồng cây dâu không bị bệnh dịch, hầu như không phải sử dụng đến các loại thuốc hóa học. Kỹ thuật trồng và chăm sóc dâu tây được tuân thủ nghiêm ngặt theo phương pháp của người Nhật Bản nên sản phẩm hầu như đảm bảo các tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Park Nam Hong cho hay, cây dâu được trồng ở trang trại theo công nghệ hiện đại nhất, có hệ thống cảm ứng ghi nhận nhiệt độ, độ ẩm...; nếu nhiệt độ tăng cao, hệ thống quạt gió tự động quay thì lưới che mát sẽ bung ra, hệ thống tưới phun sương hoạt động để làm mát. Phân bón được bón qua hệ thống tưới nhỏ giọt. Với thuốc bảo vệ thực vật, việc sử dụng chọn lọc, ưu tiên các loại gốc sinh học; trước khi thu hoạch vài ngày vườn dâu được “cách ly” để bảo đảm không tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, khi hái là có thể ăn ngay.
Khi bạn thưởng thức một trái dâu tây Nhật sẽ khác hẳn với loại dâu thông thường khác, bạn chỉ cần bỏ cuống rồi cho vào miệng, trái dâu sẽ tự tan trong miệng mà không cần phải nhai, đó là điều làm cho trái dâu tây Nhật được đánh giá là loại dâu ngon nhất Đà Lạt hiện nay. Sản phẩm được người tiêu dùng đang đánh giá cao bởi chất lượng vì độ tươi, độ ngon và độ thơm, an toàn không lẫn vào đâu được của giống dâu Nhật được trồng ở Trang trại Kbil Vina.
Sở dĩ ông Park Nam Hong lấy tên sản phẩm dâu tây Nhật của mình là “Chào Đà Lạt” vì nơi đây là cửa ngõ đi vào Đà Lạt. Hiện nay, Trang trại Kbil Vina đã làm khu tham quan vườn dâu, khu ăn uống, trưng bày sản phẩm, hứa hẹn đây là điểm tham quan, check in mà du khách lựa chọn khi đến với Đà Lạt.
HOÀNG YÊN - HỒNG THẮM
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.