• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

‘Quả ngọt’ từ vùng gò đồi

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 26/04/2019
Ngày cập nhật: 30/4/2019

Do hậu quả của chiến tranh cộng với sự hoang hóa, cằn cỗi khiến vùng gò đồi Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) có một thời được gọi là “vùng đất chết”. Vậy nhưng qua bàn tay cần cù, chịu khó, ý chí sắt đá và khát vọng làm giàu của người dân mà bây giờ vùng gò đồi Hải Lăng hồi sinh mạnh mẽ, làm nên những mùa “quả ngọt”…

Cam sạch vùng đồi K4, xã Hải Phú được người tiêu dùng tiêu thụ mạnh trên thị trường

Thực hiện chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, từng bước chuyển đổi và nâng cao năng suất cây trồng vùng gò đồi, những năm qua, huyện Hải Lăng đã chú trọng phát triển cây trồng, vật nuôi, với phương châm lấy chất lượng làm trọng. Các mô hình vườn đồi, vườn rừng, mô hình vườn - ao - chuồng (VAC) với những loại cây trồng, con nuôi chủ lực ở vùng đồi như cây cam, cây tiêu, cây cao su, nuôi bò lai… được khuyến khích, hỗ trợ phát triển.

Trải qua rất nhiều khó khăn, anh Cáp Quốc Hà, ở thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh đã mở ra hướng đi riêng cho gia đình với nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, trong đó mô hình trồng hồ tiêu sạch ứng dụng công nghệ cao và phát triển rừng nguyên liệu đã mang lại nguồn thu nhập hàng tỉ đồng mỗi năm. Anh Hà cho biết, năm 1993 khi chính quyền có chủ trương cấp đất trồng rừng, gia đình anh đã xung phong đi khai hoang tại vùng đồi Bướm Bạc, xã Hải Chánh. Bước khởi đầu vô cùng vất vả khi thiếu vốn nhưng không có tài sản thế chấp để vay vốn; những loại cây mà gia đình anh chọn lúc bấy giờ như bạch đàn, cây ăn quả cũng không mang lại hiệu quả cao. Sau khi cha của anh mất, anh kế nghiệp cha tiếp tục phát triển vùng gò đồi của gia đình. Năm 2000, anh Hà chuyển một phần diện tích đất sang trồng keo tai tượng. Sau 7 năm trồng và chăm sóc, 30 ha rừng keo của anh bán được 500 triệu đồng. Khoản tiền lớn này được anh dùng để trả nợ và đầu tư trồng mới bằng loại giống keo lai cấy mô cho năng suất và chất lượng cao hơn. Hiện khu vườn rừng của gia đình anh đã lên đến hơn 200 ha, trong đó chủ yếu trồng keo lai. Không chỉ trồng rừng, năm 2005 anh Hà đầu tư xây dựng mô hình trồng hồ tiêu sạch công nghệ cao với 700 gốc ở vùng đồi Bướm Bạc. Bước đầu trồng thấy hiệu quả, anh mở rộng thêm đến nay đã phát triển lên 2 trang trại có diện tích 1,5 ha gồm 2.000 gốc với mức đầu tư 2,6 tỉ đồng. Trước khi trở về quê hương lập nghiệp, anh Hà lớn lên ở Phú Quốc vốn nổi tiếng với cây hồ tiêu nên anh đã tìm tòi, chọn và đưa vào trồng thành công giống hồ tiêu nhập ngoại Srilanka có năng suất, chất lượng cao. Điều đặc biệt của mô hình tiêu của anh Hà chính là trồng và chăm bón theo mô hình tiêu sạch nên giá bán cao hơn tiêu trồng theo cách truyền thống. Anh Hà cho hay, để hạn chế tình trạng tiêu chết do mưa kéo dài, khác với phương pháp trồng truyền thống của người dân Quảng Trị là đào hố thì anh trồng tiêu bằng cách đánh lên vồng và trồng bậc thang để thoát nước. Từ mô hình vườn rừng và trồng hồ tiêu sạch, mỗi năm gia đình anh Hà có thu nhập hàng tỉ đồng, tạo việc làm cho hàng chục lao động với thu nhập ổn định. Anh Cáp Quốc Hà được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam bình chọn là “Nông dân Việt Nam xuất sắc” năm 2018. Trước đó, vào năm 2017, anh vinh dự nhận được bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Là một xã bán sơn địa với diện tích đất gò đồi khá lớn, khoảng 5 năm trở lại đây, xã Hải Chánh đã chỉ đạo người dân thực hiện hiệu quả chương trình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi và tái cơ cấu nông nghiệp theo chủ trương của huyện. Đến nay, toàn xã đã xây dựng được 150 mô hình kinh tế, gồm: 30 mô hình trồng trọt, 70 mô hình chăn nuôi gia súc gia cầm và 50 mô hình nuôi thủy sản. Trong đó nhiều mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Trồng hồ tiêu, cam, bưởi, cao su, cây chè xanh, trồng cỏ nuôi bò, nuôi gà, lợn theo hướng đệm lót sinh học, nuôi cá chình, cá leo, cá trắm theo hướng thả lồng trên sông... Trung bình mỗi mô hình kinh tế này cho thu nhập mỗi năm từ 50- 100 triệu đồng... Ở vùng gò đồi Hải Lăng, ngoài những “ tỉ phú nông dân” như anh Cáp Quốc Hà ở xã Hải Chánh còn có những nông dân tiên phong phát triển cây cam trên vùng đồi K4 ở xã Hải Phú như các ông: Trần Ngọc Nhơn, Văn Ngọc Sở, Trần Ngọc Trung, Văn Ngọc Chúng, Trần Lợi… Sau 20 năm bám trụ và tâm huyết với loại cây trồng này, giờ đây mỗi năm họ có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ những vườn cam. Trong một lần trò chuyện với chúng tôi, ông Trần Ngọc Nhơn, chủ một trang trại cam lớn ở vùng đồi K4 tâm sự rằng, những thành công của cây cam hôm nay nhiều người thấy ấn tượng nhưng sự gian khổ đằng sau thì ít người biết. Đối với những người như ông, có được “quả ngọt” ấy đã phải đánh đổi rất nhiều công sức, sự kiên trì, không ngừng học hỏi, sáng tạo, kể cả không biết bao lần thất bại... “Hiện nay cam K4 đã không còn lo lắng đầu ra vì sức tiêu thụ rất tốt. Cam sạch nơi đây ngày càng tạo sự tin tưởng lớn cho khách hàng. Tuy vậy, chúng tôi luôn mong muốn cam K4 sẽ được hỗ trợ tạo dựng thương hiệu mạnh trên thị trường, từ đó giúp nghề trồng cam phát triển bền vững, nâng cao giá trị và có thể mở rộng vùng trồng cam với quy mô lớn hơn”, ông Nhơn đề xuất. Xã Hải Phú cũng là điểm sáng trong việc khai thác thể mạnh, phát triển vùng gò đồi mang lại hiệu quả kinh tế cao. Trong đó, riêng thôn Long Hưng đã có 47 trang trại và gia trại tổng hợp đạt mức thu nhập 300-500 triệu đồng/năm; giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đạt 72 triệu đồng/năm; bình quân thu nhập 47 triệu đồng/người/năm.

Ông Nguyễn Minh Thoản là hộ tiên phong lên vùng gò đồi thôn Xuân Lâm, xã Hải Lâm để lập trang trại trồng cam. Ông Thoản cho biết, trước đây gia đình ông ở vùng đồng bằng đất đai ít, làm ăn khó khăn nên ngay khi được xã hỗ trợ tham quan tìm hiểu mô hình trồng cam ở tỉnh Nghệ An và ở vùng K4 xã Hải Phú, ông đã bàn bạc với vợ con vay thêm vốn đầu tư gần 1 tỉ đồng để lập trang trại trồng cam từ giống cam V2 - Vân Du Nghệ An vào trồng trên đất đồi. Hiện 3 ha cam của gia đình ông đã cho thu hoạch đạt 30% sản lượng, năm 2019 dự kiến sẽ thu khoảng 50%. “Bên cạnh cây cam, gia đình tôi còn thu nhập khá từ cây bắp, đậu, dưa… theo mùa nên kinh tế cũng khá hơn nhiều từ vùng đồi này. Sắp tới tôi dự định chăn nuôi và trồng thêm một số cây trồng mới có hiệu quả kinh tế cao”. Ngoài hộ ông Thoản, hiện vùng đồi xã Hải Lâm đã phát triển được 10 ha cam với 8 hộ tham gia, bước đầu hứa hẹn mang lại hiệu quả cao. Điều đáng ghi nhận là cùng với chính sách chung của huyện Hải Lăng theo nghị quyết chuyên đề về tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã Hải Lâm cũng đã ứng dụng chính sách hỗ trợ cho người dân khi phát triển cây trồng chủ lực là cây cam. Cụ thể, để khuyến kích cho người trồng cam tập trung, xã hỗ trợ 2,2 triệu đồng/ha; từ vốn ngân sách và nguồn vốn nông thôn mới hỗ trợ 7-10 triệu đồng/hộ.

Sau nhiều năm tập trung phát triển, hiện nay tại vùng gò đồi Hải Lăng đã có các loại cây chủ lực trồng tập trung với diện tích khá lớn như: cam 45 ha, 70 ha cây hồ tiêu, 250 ha cao su, hơn 50 ha cây chè xanh chủ yếu ở 7 xã có vùng gò đồi như: Hải Phú, Hải Thượng, Hải Lâm, Hải Thọ, Hải Trường, Hải Sơn, Hải Chánh… đạt hiệu quả cao về sản lượng và mức tiêu thụ, nâng cao thu nhập cho nông dân. Ngoài ra, huyện cũng đang tập trung vào trồng cây lâm nghiệp theo chứng chỉ FSC. Đây là hướng đi hiệu quả và mang tính bền vững của huyện Hải Lăng trong chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, phấn đấu nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích đất canh tác đến năm 2020 đạt 80-90 triệu đồng/ha.

Hiếu Giang

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang