Nguồn tin: Báo Lào Cai, 30/06/2019
Ngày cập nhật:
3/7/2019
Quýt ngọt là một trong những đặc sản nổi tiếng của huyện Mường Khương (tỉnh Lào Cai). Cây quýt phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng và trình độ canh tác, đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân.
Nông dân xã Lùng Khấu Nhin tỉa mầm để kích thích cây quýt ra hoa.
Giống quýt được người dân vùng biên giới thị trấn Mường Khương mang về trồng thử từ việc giao lưu, trao đổi hàng hóa với người dân nước bạn. Với đặc thù khí hậu, thổ nhưỡng của vùng cao, quả quýt Mường Khương to, chắc, nhiều nước và vị ngọt nhẹ, có những đặc tính khác so với giống quýt ban đầu. Ngay từ những vụ đầu tiên đưa ra thị trường, quả quýt ngọt Mường Khương nhanh chóng lấy được cảm tình của người tiêu dùng. Danh tiếng của loại quả ngon, ngọt lại có mẫu mã đẹp dần được nhiều người trong và ngoài tỉnh biết đến. Cũng nhờ đó, việc tiêu thụ quýt những năm gần đây rất thuận lợi, các thương lái từ khắp nơi đến tận vườn thu mua với số lượng lớn, giá bán luôn đạt cao (khoảng 10.000 - 15.000 đồng/kg). Quýt trở thành loại cây xóa đói, giảm nghèo, giúp đồng bào vùng cao biên giới Mường Khương làm giàu.
Nhận thấy tiềm năng và triển vọng phát triển kinh tế bền vững, năm 2013, UBND tỉnh đã phê duyệt Dự án phát triển vùng sản xuất quýt hàng hóa huyện Mường Khương. Dự án được triển khai tại các xã: Thanh Bình, Nậm Chảy, Tung Chung Phố, Tả Ngài Chồ và thị trấn Mường Khương. Đây là khu vực vùng trung của huyện, có khí hậu tương đối mát lành, đất đồi núi cao, phù hợp với điều kiện sinh trưởng và phát triển cây quýt ngọt. Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ 100% cây giống, phân bón trong 3 năm đầu, được tập huấn kỹ thuật chăm sóc và bảo quản quýt sau thu hoạch. Quýt được trồng tập trung tại thị trấn Mường Khương và xã Tung Chung Phố, người dân đang mở rộng diện tích trồng loại cây đặc sản này đến các xã lân cận như Tả Ngài Chồ, Lùng Khấu Nhin, Nấm Lư, Nậm Chảy, Thanh Bình. Năm 2017, quýt ngọt Mường Khương đã được cấp nhãn hiệu tập thể, tạo thuận lợi cho sản phẩm khẳng định chỗ đứng trên thị trường. Tính đến hết năm 2018, diện tích quýt tại huyện Mường Khương đạt 488 ha, trong đó 150 ha đến tuổi cho thu hoạch, sản lượng đạt 1.300 tấn. Việc tiêu thụ diễn ra thuận lợi, thậm chí không đủ phục vụ nhu cầu của thị trường.
Vụ quýt năm 2018 là vụ đầu tiên cây quýt của gia đình anh Tráng Văn Hạnh, ở thôn Na Cạp, xã Lùng Khấu Nhin cho thu hoạch. Ngay từ đầu vụ, chỉ sau 1 lần anh mang quýt bán tại chợ phiên, các tiểu thương đã liên hệ và đến tận vườn để đặt hàng. Những ngày sau đó, nhiều người đến tham quan và mua quýt tại vườn nên anh chủ động mở cửa vườn để đón khách với mức giá 20.000 đồng/lượt. Với gần 1 ha quýt, vụ đầu tiên gia đình anh thu lãi 70 triệu đồng. Theo anh Hạnh, nếu chăm sóc tốt và được mùa thì con số này sẽ tăng gấp đôi vào vụ tiếp theo. Sau một vụ quýt thành công, gia đình anh đã mua thêm giống, chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng ngô của gia đình sang trồng quýt.
Theo ông Lù Ỉn Sửn, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Mường Khương, cây quýt phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng của địa phương, sinh trưởng và phát triển tốt, ít sâu bệnh. Năm đầu tiên, quýt có thể cho thu hoạch khoảng 8 tấn/ha và năng suất những vụ tiếp theo sẽ đạt khoảng 10 - 12 tấn/ha, những cây được chăm sóc tốt, lâu năm, có tán rộng thì năng suất có thể đạt 15 tấn/ha. Hiện nay, quýt tiêu thụ rất nhanh do đầu ra tương đối ổn định. Để đảm bảo việc tiêu thụ thuận lợi trong những năm tiếp theo, khi mà sản lượng quýt tăng dần, các cơ quan chuyên môn đang nỗ lực khẳng định uy tín, chất lượng quýt trên thị trường thông qua các hoạt động quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đưa quýt đến các thị trường mới như siêu thị, các chuỗi cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, khách sạn. “Chúng tôi đang tính đến phương án rải vụ sản xuất, tăng cường các giống chín muộn, nghiên cứu cách bảo quản để giảm áp lực tiêu thụ trong trường hợp quýt chín đồng loạt và việc tiêu thụ gặp khó khăn” - ông Sửn nói.
Cây quýt đang được mở rộng diện tích đến các xã lân cận, những nơi có điều kiện khí hậu tương đồng với thị trấn Mường Khương. Tuy nhiên, việc mở rộng sản xuất và đảm bảo tính hiệu quả, người dân cần được trang bị về kỹ thuật trồng và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh một cách bài bản. Trên thực tế, nhiều hộ mở rộng diện tích trồng quýt chỉ đơn thuần mua giống ở các buổi chợ phiên về để trồng, kinh nghiệm dừng ở mức “nghe nói” mà chưa được hướng dẫn cụ thể. Để xây dựng vùng trồng quýt ngọt theo hướng hàng hóa, ổn định và bền vững là vấn đề cần được huyện Mường Khương quan tâm.
THÚY PHƯỢNG
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.