Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 26/07/2019
Ngày cập nhật:
26/7/2019
Thống kê cho thấy, toàn TP Bảo Lộc (tỉnh Lâm Đồng) hiện đang có khoảng 80 cơ sở sản xuất các loại cây giống công nghiệp và cây ăn quả như cà phê, chè, bơ, sầu riêng… Tuy nhiên, mới chỉ có hơn 20 cơ sở được cấp Thông báo tiêu chuẩn cây giống xuất vườn đủ điều kiện sản xuất giống. Số cơ sở, nhà vườn còn lại chủ yếu sản xuất giống theo “hiệu ứng” ăn theo, cho thấy công tác quản lý của cơ quan chức năng còn nhiều bất cập.
Việc đổ xô sản xuất, đang khiến chất lượng cây giống trên địa bàn TP Bảo Lộc ngày càng bị giảm sút
Ðua nhau sản xuất cây giống
Những năm gần đây, tỉnh Lâm Đồng đã có nhiều chính sách hỗ trợ để người dân cải tạo, chuyển đổi giống nhằm tăng năng suất, chất lượng các loại cây trồng. Đó cũng chính là lý do khiến nhu cầu tiêu thụ các loại cây giống công nghiệp và cây ăn quả tăng cao. Kéo theo đó, thì giá cả các loại cây giống cũng được tăng lên và duy trì ở mức ổn định. Hiện, cây giống các loại bơ ghép, sầu riêng ghéo dao động từ 35 - 40 ngàn đồng/cây và có thời điểm được đẩy lên trên 50 ngàn đồng/cây. Trong khi đó, giống cây chè và cà phê cao sản luôn ổn định ở mức từ 1,2 - 1,5 ngàn đồng/cây (giống thực sinh) và từ 5 - 7 ngàn đồng/cây (giống ghép). Có thể nói, sản xuất các loại cây giống đang giúp nhiều hộ dân trên địa bàn TP Bảo Lộc “ăn nên làm ra” và chính điều này khiến nhiều người đua nhau lập cơ sở sản xuất các loại cây giống.
Để nắm rõ những thông tin liên quan, chúng tôi đã có cuộc khảo sát tại nhiều vườn ươm cây giống trên địa bàn TP Bảo Lộc. Theo ghi nhận, ít hay nhiều thì ở tất cả các xã, phường trên địa bàn TP Bảo Lộc đều có vườn ươm, cơ sở sản xuất cây giống. Trong đó, tập trung phần lớn tại các địa phương như phường 1, phường Lộc Phát, phường Lộc Sơn, xã Lộc Nga và xã Đam B’ri. Hầu hết, các cơ sở đều sản xuất và xuất bán ra thị trường từ 150 ngàn - 400 ngàn cây giống cà phê, bơ, chè và sầu riêng mỗi năm. Đặc biệt, có những cơ sở sản xuất, tiêu thụ đến hơn 1 triệu cây giống/năm, nhưng vẫn chưa có giấy phép chứng minh nguồn gốc cây giống. Bà Liên, có vườn sản xuất cây giống tại Phường 1 (TP Bảo Lộc) cho biết: “Người ta làm nhiều thì phải đăng ký giấy phép kinh doanh và giấy chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng cây giống. Còn gia đình tôi, mỗi năm làm hơn 100 ngàn cây giống cà phê, bơ, vì số lượng ít nên gia đình tôi không đăng ký. Xung quanh khu vực này, có hơn 10 vườn ươm cây giống mới mở, nên bà con mạnh ai nấy làm chẳng quan tâm gì đến giấy phép cả”.
Trong khi đó, theo bà Hà thì gia đình có gần 2 ha đất chuyên sản xuất giống chè Olong và xuất bán cho các công ty Đài Loan. Tuy nhiên, vì nhiều lý do khác nhau, gia đình bà Hà vẫn không đăng ký giấy phép kinh doanh và chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng cây giống. “Mỗi năm, gia đình tôi sản xuất từ 1,2 - 1,5 triệu cây chè cung cấp cho các công ty sản xuất chè Đài Loan. Cây giống đều được gia đình tôi sản xuất đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn mà đối tác đề ra, nên không cần đến chứng nhận tiêu chuẩn” - bà Hà cho hay.
Nỗi lo chất lượng
Với số lượng cung ứng cho thị trường hàng năm, TP Bảo Lộc được xem là “thủ phủ” cây giống công nghiệp và cây ăn quả của tỉnh Lâm Đồng. Ngoài cung ứng cho hầu hết các địa phương trong tỉnh, thì cây giống Bảo Lộc còn xuất bán đi nhiều tỉnh khác như Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Bình Phước và thậm chí xuất khẩu qua cả Lào, Campuchia.
Đại diện Phòng Kinh tế TP Bảo Lộc, cho biết: Hiện, toàn địa phương đang có khoảng 80 cơ sở sản xuất các loại cây giống công nghiệp và cây ăn quả. Theo đó, sản lượng cây giống được xuất bán cung ứng cho thị trường khoảng 7 - 7,5 triệu cây/năm. Trong đó, riêng cà phê và chè chiếm khoảng 5 triệu cây.
Tuy nhiên, đến hiện tại mới chỉ có hơn 20 cơ sở được cấp phép các giấy tờ, thủ tục đủ điều kiện sản xuất cây giống và Thông báo tiêu chuẩn cây giống xuất vườn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp; số còn lại đều do bà con sản xuất tự phát.
Ông Nguyễn Xuân Bách - Chủ cơ sở sản xuất cây giống Xuân Bách (phường Lộc Sơn), chia sẻ: “Gia đình tôi xây dựng cơ sở và được cấp phép sản xuất cây giống hơn 20 năm nay. Trước đây, tôi sản xuất đủ các loại cây, nhưng khoảng 3 năm nay chủ yếu sản xuất bơ và sầu riêng. Mỗi năm tôi xuất bán từ 400 - 500 ngàn cây giống bơ và sầu riêng. Tất cả cây giống xuất bán đều đảm bảo các điều kiện như nhãn mác, nguồn gốc (vườn đầu dòng) và tiêu chuẩn chất lượng (ngày tuổi, chiều cao, đường kính gốc, số cặp lá thật và kích thước bầu…). Nhờ vậy, cây giống của tôi luôn ổn định mức giá và được bà con tin tưởng lựa chọn”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bên cạnh những cơ sở làm ăn chân chính, thì vẫn còn đó nhiều cơ sở đủ điều kiện sản xuất cây giống đã lấy cây giống từ các cơ sở khác về gắn nhãn mác bán lại cho người dân. Thậm chí, nhiều cơ sở còn nhập các cây giống không đảm bảo từ các địa phương khác về bán kiếm lời. Trong khi đó, công tác quản lý cây giống còn gặp rất nhiều khó khăn như hệ thống quản lý, kiểm tra cây giống còn sự chồng chéo, chưa thống nhất; chế tài xử phạt vi phạm còn quá nhẹ so với lợi nhuận thu được từ sản xuất cây giống nên chưa đủ sức răn đe…
Ông Lê Văn Bổng - một người dân ngụ xã Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm), lo ngại: “Cách đây khoảng nửa tháng, tôi tìm đến một vườn ươm ở Phường 1 (TP Bảo Lộc) mua gần 1.000 cây bơ giống về trồng. Thấy cây giống tôi mua đẹp, nên nhiều người đã nhờ tôi dẫn đến cơ sở này hỏi mua. Tuy nhiên, lần này, cây giống mà cơ sở bán lại khác hoàn toàn (chiều cao không đạt, bầu nhỏ, gốc bé…). Tôi nghĩ, chắc chắn số cây giống này là do cơ sở mua lại và gắn nhãn mác vào bán lại cho bà con. Sợ cây giống không đảm bảo chất lượng, nên bà con không dám mua”.
Theo Phòng Kinh tế Bảo Lộc, để đảm bảo đủ điều kiện sản xuất cây giống, các cơ sở phải hoàn thiện đầy đủ các thủ tục theo quy định như Giấy phép kinh doanh và Thông báo tiêu chuẩn chất lượng cây giống xuất vườn. Tất cả đều được căn cứ theo các quy định tại Thông tư 18/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Quyết định 02/2011 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Trường hợp, nếu người dân không may mua cây giống không đảm bảo chất lượng về thì phải mất 3 năm sau mới xác định được, nên hệ quả xảy ra là rất nặng nề. Vì vậy, cơ quan chức năng cần có những chế tài phù hợp, xử lý nghiêm các trường hợp sản xuất cây giống chui; đồng thời, tăng cường các giải pháp thanh tra, kiểm tra cụ thể từng giai đoạn tại các cơ sở, nhằm đảm bảo tốt nguồn cây giống và đáp ứng nhu cầu cho người dân.
HẢI ÐƯỜNG
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.