• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Vĩnh Phúc: Ngọt thơm vị nhãn chín muộn trên đất đồi Ngọc Thanh

Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 09/08/2019
Ngày cập nhật: 11/8/2019

Đi dưới tán nhãn sai trĩu quả của HTX Nông nghiệp Đại Lải (Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui được mùa của những người làm vườn nơi đây. Ít ai biết rằng, 4- 5 năm trước, vườn nhãn này luôn mất mùa khiến chủ vườn chán nản đành "dứt áo" ra đi. Sau khi nhận chuyển nhượng lại, HTX Nông nghiệp Đại Lải đã dành nhiều tâm huyết, công sức cải tạo vườn tược và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, nhờ đó, năm nào vườn nhãn cũng bội thu.

Nhãn chín muộn của HTX Nông nghiệp Đại Lải (Phúc Yên) được mùa, được giá

Anh Lâm Văn Trung, Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Lải (Phúc Yên) cho biết: Hiện nay, HTX có hai khu vực trồng nhãn rộng 2ha, trong đó, khu vườn này có gần 1 nghìn gốc nhãn chín muộn Hưng Yên. Trước đây, chủ vườn là người Hà Nội, họ lên đây mua đất đồi trồng nhãn, song vì không có kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc nên cây trồng cho ít quả. Sau khi tiếp nhận, HTX bỏ nhiều công sức, kinh phí để cải tạo lại mới được như ngày nay. Đây là vụ thứ 3 cho thu hoạch, song năm nào HTX cũng thắng lớn, kể cả những năm thời tiết khắc nghiệt nhất. Trung bình, sản lượng nhãn chín muộn của HTX Nông nghiệp Đại Lải đạt từ 20- 25 tấn/ha. Năm nay, giá nhãn bán tại vườn cao gấp đôi năm ngoái (khoảng 32.000- 33.000 đồng/kg) do số lượng cây ăn quả ở địa phương bị mất mùa.

Để có những mùa nhãn bội thu không thể không nhắc đến sự hỗ trợ, giúp đỡ đắc lực của ông Lê Đình Tư, Giám đốc HTX Dịch vụ- Nông nghiệp Hàm Tử, huyện Khoái Châu (Hưng Yên). Ông Tư là người trực tiếp ghép giống nhãn chín muộn Hưng Yên vào thân những cây nhãn cũ, đồng thời áp dụng các tiến bộ KHKT vào các khâu chăm sóc nên chưa vụ nhãn nào HTX Nông nghiệp Đại Lải thất thu.

Ông Lê Đình Tư, Giám đốc HTX Dịch vụ - Nông nghiệp Hàm Tử, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) cho biết: Chất đất đồi ở xã Ngọc Thanh rất hợp với cây nhãn chín muộn Hưng Yên. Có những cây tưởng sắp chết nhưng sau khi được bón phân đã xanh tươi trở lại. Đây là vùng đất kiệt nước, vào mùa khô càng ít nước hơn, song lại phù hợp với giai đoạn “hãm” cho cây đứng lại, không phát triển được bộ lá giúp cây ra quả khỏe hơn.

Theo kinh nghiệm của ông Tư, thời tiết thuận lợi khiến cây khỏe mà “quên” nhiệm vụ ra quả, khi ấy, ta phải dùng bài “đánh chột cổ truyền”. Tuy nhiên, ông Tư không dùng phương pháp phun thuốc, chặt rễ để đánh chột như một số địa phương khác mà sử dụng biện pháp khoanh vỏ cây (tiện thân cây nhãn). Việc làm này phải được thực hiện trước ngày đông chí, khi khoanh vỏ cây cần tính toán độ nông, sâu và thời điểm thích hợp để cây nhãn có điều kiện ra quả với sản lượng cao nhất. Theo đánh giá của ông Tư, năm nay, thời tiết không thuận lợi do nắng ấm nhiều nên không ít vườn nhãn chín muộn ở Hưng Yên mất mùa. Tuy nhiên, như mọi năm, vườn nhãn của HTX Nông nghiệp Đại Lải vẫn thắng lớn, khiến niềm vui của doanh nghiệp, bà con địa phương được nhân lên gấp đôi.

Ngoài giống nhãn chín muộn, HTX Nông nghiệp Đại Lải còn đưa thêm giống nhãn siêu ngọt vào trồng xen kẽ. Loại nhãn này thu hoạch sau nhãn chín muộn (từ tháng 9 đến tháng 10) nên người dân, doanh nghiệp có thể thu hoạch quả trong thời gian dài.Mặc dù chưa đến thời điểm thu hoạch, song nhãn siêu ngọt có thể ăn từ bây giờ cho đến tháng 9.

Ông Trung cho biết thêm: Trồng cây nhãn khá nhàn, chỉ cần 2 lao động/ha. Thời gian đầu, người dân mất từ 2- 3 năm, sang năm thứ 4 cây cho quả nên có thể bắt đầu thu hồi vốn. Ngày nay, việc trồng trọt, chăm sóc đã có nhiều loại máy móc, thiết bị hỗ trợ như: Máy phun thuốc sâu, máy đào đất… nên người nông dân không mất nhiều thời gian, công sức làm vườn. HTX Nông nghiệp Đại Lải đang có dự định liên kết với người dân địa phương mở rộng diện tích trồng nhãn lên 100 ha, hướng tới mục tiêu xuất khẩu. Theo đó, doanh nghiệp sẽ hỗ trợ người dân về giống, kỹ thuật chăm sóc và đầu ra của sản phẩm. Tuy nhiên, để hiện thực hóa được ý định cần phải có sự hỗ trợ, giúp đỡ của địa phương và ngành nông nghiệp.

Bài, ảnh Hà Trần

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang