• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải quyết đầu ra cho trái thanh long

Nguồn tin: Cổng TTĐT tỉnh Tiền Giang, 01/09/2019
Ngày cập nhật: 3/9/2019

Tỉnh Tiền Giang hiện có 8.418 ha thanh long, tập trung ở các huyện: Chợ Gạo, Tân Phước, Gò Công Tây, Gò Công Đông, trong đó tập trung nhiều nhất ở huyện Chợ Gạo với 6.268 ha. Trong diện tích trên có 7.465 ha đang cho thu hoạch, sản lượng hàng năm đạt 225.580 tấn, chủ yếu xuất khẩu và một ít tiêu thụ trong nước.

Nông dân địa phương trồng hai giống thanh long chủ lực là: Giống ruột đỏ có tổng diện tích 5.228 ha, chiếm 62,1%, còn lại là giống ruột trắng với 3.190 ha, chiếm 37,9%. Nhờ thiên nhiên ưu đãi, đất đai màu mỡ, đồng thời được các ngành chức năng quan tâm chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp nên nông dân vùng chuyên canh đã áp dụng đồng bộ các biện pháp thâm canh để nâng cao giá trị trái cây đặc sản, cụ thể là xông đèn xử lý cho cây ra hoa trái vụ, tránh thời điểm thuận mùa, thanh long các tỉnh, thành phía Nam vào vụ thu hoạch rộ để bán được giá cao.Tại Tiền Giang, thanh long thu hoạch gần như quanh năm, trong đó, vụ thuận từ tháng 4 đến tháng 9 và vụ nghịch kéo dài từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.

Thời gian qua, để phát huy tiềm năng và thế mạnh cây thanh long - một trong những cây ăn trái đặc sản có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, Tiền Giang đã chủ động triển khai nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải quyết đầu ra cho nông sản như: Chuyển giao kỹ thuật thâm canh theo hướng an toàn và truy xuất nguồn gốc gắn với liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, quản lý dịch hại tổng hợp; xây dựng và nhân rộng những mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ giữa nông hộ, hợp tác xã hoặc tổ hợp tác với các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu; tăng cường xúc tiến thương mại trái cây nói chung và thanh long nói riêng trên thị trường trong nước lẫn thị trường ngoài nước, hỗ trợ các doanh nghiệp đăng ký mã số vùng trồng (mã code) cho cây thanh long, tạo điều kiện để nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường các nước,...

Theo Sở Công Thương, nhiều loại trái cây chủ lực của tỉnh trong đó có thanh long đã được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường nhiều nước, trong đó Trung Quốc là bạn hàng lớn nhất. Tuy nhiên, Trung Quốc cũng như các nước khác đều có những rào cản kỹ thuật, đặc biệt là quy định về tiêu chuẩn chất lượng và truy xuất nguồn gốc, siết chặt về quản lý an toàn thực phẩm, hàng rào kiểm dịch,...

Trong khi thực tế, thanh long chủ yếu xuất sang Trung Quốc theo con đường tiểu ngạch (biên mậu) là chính, còn lượng hàng xuất khẩu chính ngạch chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn. Xuất khẩu tiểu ngạch không bền vững và yếu tố rủi ro rất cao, do vậy xuất khẩu chính ngạch là con đường tất yếu. Sở Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu thanh long chính ngạch sang Trung Quốc cũng như các nước khác phải chú ý các yếu tố an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, dán nhãn bao bì, đồng thời cập nhật các tiêu chuẩn xuất khẩu theo yêu cầu của các nước sở tại. Để hỗ trợ đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chủ lực tỉnh nhà, Sở đang đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại trên cả hai thị trường trong nước và xuất khẩu. Qua đó, giúp giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa nói chung, trái thanh long tỉnh Tiền Giang nói riêng.

Vừa qua, có thông tin hàng trăm xe container chở thanh long bị ùn ứ tại cửa khẩu Lào Cai khi làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc. Thông tin này ít nhiều đã khiến dư luận rất quan tâm, gây áp lực tâm lý đối với nông dân vùng chuyên canh. Tuy nhiên, theo ghi nhận, việc sản xuất và tiêu thụ thanh long hàng hóa trên địa bàn tỉnh vẫn thuận lợi. Cụ thể, diện tích cho thu hoạch từ đầu tháng 8/2019 đến nay khoảng 3.000 ha với sản lượng 10.500 tấn đã được các thương lái, vựa trái cây, các tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp... cơ bản tiêu thụ hết. Diện tích còn đang mang trái cho thu hoạch trong những ngày sắp tới khoảng 2.000 ha, dự kiến sản lượng khoảng 6.000 tấn sẽ thu hoạch dứt điểm vào cuối tháng 8/2019; hầu hết diện tích này đều được thương lái đặt hàng trước. Ngoài ra, còn khoảng 4.000 ha, sản lượng ước 12.000 tấn thu hoạch tiếp vào đầu tháng 9/2019. Số này, theo dự báo sẽ bán được giá, bởi vùng trồng thanh long của Trung Quốc đã dứt vụ nên nguồn cung hạn chế nhưng nhu cầu thị trường còn rất lớn.

Thời điểm hiện nay, tuy là vụ thuận nhưng theo khảo sát của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tiền Giang, giá bán tại vườn từ 15.000 đến 17.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ, từ 7.000 đến 9.000 đồng/kg đối với thanh long ruột trắng trong khi giá thành chỉ khoảng 5.000 đến 6.000 đồng/kg nên nông dân vẫn có lãi. Còn nếu tính từ đầu năm đến nay, thanh long ruột đỏ được thương lái thu mua trung bình 28.000 đồng/kg, lúc giá xuống thấp nhất (thời điểm ngắn hạn từ ngày 19/6 đến ngày 25/6) cũng đạt từ 9.000 đến 10.000 đồng/kg. Riêng thanh long ruột trắng có giá bình quân 14.000 đồng/kg. Hiện nay, trung bình mỗi ha thanh long đạt lợi nhuận từ 300 đến 360 triệu đồng/năm, trong đó thanh long ruột đỏ lãi ròng từ 500 đến 600 triệu đồng/năm. Nhờ cây thanh long mà nông dân các địa bàn khó khăn đã dựng nên cơ nghiệp vững vàng, giàu có hẳn lên.

Hiệu quả là thế nhưng để không lặp lại điệp khúc "trúng mùa, mất giá", tỉnh đã đưa ra những giải pháp căn cơ, lâu dài nhằm giải quyết đầu ra ổn định cho nông sản hàng hóa chủ lực của tỉnh nói chung, trong đó chủ lực là trái thanh long, sầu riêng, dưa hấu, xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Lò Rèn Vĩnh Kim... Qua đó, tăng lượng hàng chất lượng cao để xuất khẩu chính ngạch, nâng khả năng cạnh tranh của trái cây tỉnh nhà - trong đó có thanh long.

Đó là nhóm giải pháp khoa học công nghệ, tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong quá trình sản xuất, thâm canh, hướng theo tiêu chí GAP, nghiên cứu kéo dài thời gian bảo quản, xử lý thu hoạch rải vụ... gắn với nhóm giải pháp tổ chức lại sản xuất, xây dựng liên kết chuỗi ngành hàng, củng cố và nâng chất lượng mạng lưới hợp tác xã, tổ hợp tác, mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp,... Song song đó, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, thông tin thị trường, kết nối giao thương, tìm kiếm thị trường mới để tránh bị phụ thuộc vào thị trường một vài nước dễ tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Minh Trí

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang