Nguồn tin: Báo Lâm Đồng, 30/09/2019
Ngày cập nhật:
1/10/2019
Cây hồng ăn trái bén rễ trên đất D’Ran, Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) từ thuở khai thiên lập địa. Với lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, cây hồng ăn trái D’Ran sinh trưởng, phát triển tốt, năng suất cao và chất lượng đặc trưng. Thời “hoàng kim”, cây hồng D’Ran đã cho thu nhập cao và trở thành cây “Xóa đói giảm nghèo” cho người dân nơi đây. Thế nhưng, qua thời gian, cây hồng trên đất D'ran lúc thăng, lúc trầm và có nguy cơ dần mai một.
Hồng ăn trái được trồng lâu năm trên đất D'ran
Theo thống kê của cán bộ khuyến nông thị trấn D’Ran, huyện Đơn Dương, hiện nay, trên địa bàn có khoảng 999 ha diên tích cây hồng ăn trái. Cây hồng ở D’Ran chủ yếu được trồng từ lâu và trồng xen với các loại cây trồng khác hoặc trồng ở những địa hình đồi dốc, thung lũng. Trải qua nhiều năm, Đơn Dương có các loại giống hồng phổ biến được đặt tên theo vườn hồng của chủ vườn như Hồng vuông “Tám Hải”, Hồng vuông “Đồng”; Hồng “ Chín Nên”…; ngoài ra còn có các giống hồng như hồng trứng lóc, hồng trứng láng, hồng trứng cát, hồng trứng lửa… là tên hồng địa phương. Theo đánh giá của nông dân D’Ran thì hồng ăn trái là loại cây dài ngày, dễ trồng, dễ chăm sóc và ít sâu bệnh, chi phí đầu tư thấp năng suất cao. Trước đây, có thời điểm, hồng ăn trái là cây trồng chính của người dân nơi đây nhưng hiện nay chỉ là cây trồng xen hoặc trồng ở những địa hình khó canh tác các loại cây trồng khác.
Tuy là cây trồng rất phù hợp với thổ nhưỡng địa phương, cho năng suất cao nhưng người dân D’Ran vẫn không mặn mà với cây hồng ăn trái như trước đây do hiệu quả kinh tế không cao. Hiện nay, vào mùa thu hoạch hồng, người dân nơi đây chủ yếu bán cho các thương lái để tiêu thụ ở các tỉnh, thành trong nước với giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định. Chưa kể vào mùa hồng chín rộ, thương lái thường ép giá nhưng người dân vẫn phải bán vì hồng không thể để chín quá trên cây. Hiện nay, những vườn hồng ăn trái ở D’Ran chủ yếu trồng tập trung ở các tổ dân phố như Lâm Tuyền 1, 2; tổ dân phố Phú Thuận 1, 2, 3; Hòa Bình; thôn Ha Ma Sing… So với trước đây, diện tích trồng hồng ăn trái ở D’Ran đang ngày một giảm. Một số hộ dân đã chuyển đổi diện tích trồng hồng sang trồng rau màu hoặc một số giống cây ngắn ngày khác.
Gia đình anh Dương Văn Vũ ở tổ dân phố Lâm Tuyền 2, thị trấn D’Ran hiện đang có diện tích hơn 1 ha hồng ăn trái trồng xen giữa vườn cà phê và chuối Laba. Anh cho biết, thông thường thì chỉ chăm sóc bón phân cho cà phê, cây chuối còn cây hồng thì rất ít chăm sóc. Hàng năm, nếu bán được giá với diện tích 1 ha hồng gia đình anh thu về khoảng 50 triệu đồng. Có những năm, hồng được mùa nhưng rớt giá nên gia đình anh cũng để hồng chín rụng trên cây cho chim chóc và dơi ăn chứ không thu hoạch. Hiện tại, nhiều hộ dân ở D’Ran cũng chỉ giữ lại ít cây hồng để ăn là chính chứ không đầu tư để thu hoạch và bán ra thị trường.
Tuy hồng ăn trái D’Ran đã được trồng lâu đời và chất lượng được người tiêu dùng ưa chuộng nhưng hiện nay vẫn chưa có thương hiệu trên thị trường. Nhiều hộ dân D’Ran hiện nay vẫn bảo vệ những vườn hồng không phải vì thu nhập mà là muốn lưu giữ cây trồng truyền thống. Những năm gần đây, có một tín hiệu vui để hồi sinh cây hồng ăn trái D’Ran đó là nhiều cơ sở chế biến hồng treo gió theo công nghệ Nhật Bản ở Đà Lạt. Từ đó đã “chắp cánh” cho những trái hồng Đà Lạt và vùng phụ cận, trong đó có hồng D’Ran “bay xa” hơn. Với công nghệ hồng treo gió, các cơ sở thu mua sản phẩm hồng tươi với số lượng lớn và giá cả ổn định nên người trồng hồng có thu nhập cao hơn. Bên cạnh đó, một số hộ dân ở D’Ran đang tiến hành ghép các loại giống hồng mới (hồng ủ hơi) để chất lượng trái hồng ngon hơn, năng suất hơn và đem lại giá trị kinh tế cao hơn. Hiện nay, hồng D’Ran đang vào vụ thu hoạch, giá bán tại vườn tùy từng loại hồng giá dao động từ 6 ngàn đồng đến 20 ngàn đồng/kg. Theo người dân D’Ran, khi mùa hồng chín rực trên cây, những vườn hồng nơi đây cũng thu hút rất nhiều du khách tìm đến tham quan, chụp ảnh và mua về làm quà. Đây cũng là một tín hiệu tốt để có thể mở ra dịch vụ du lịch vườn hồng, tạo thêm thu nhập cho người dân địa phương.
Lãnh đạo thị trấn D’Ran cho biết, hiện nay, chính quyền địa phương cũng đang tuyên truyền, vận động để duy trì diện tích cây hồng ăn trái, một cây trồng truyền thống của địa phương. Bên cạnh đó, chính quyền cũng đang làm hồ sơ để đề nghị cấp thương hiệu cho cây hồng D’Ran.
DUY NGUYỄN - BÍCH TỚI
- Kỹ thuật chăn nuôi gia súc, gia cầm và các loại đặc sản
- Kỹ thuật trồng trọt cây ăn trái, rau màu và các loại cây lương thực, cây công nghiệp khác
Các tin mới:
Kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng và chế biến thủy hải sản
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.