• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Cá nục, cá hố giá thấp, bán rất khó, vì sao?

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 15/06/2019
Ngày cập nhật: 17/6/2019

Gần một tháng nay, bà con ngư dân tỉnh Quảng Trị gặp phải tình trạng khai thác, đánh bắt cá có sản lượng nhưng giá bán các loại cá nục, cá hố …xuống quá thấp chưa từng có và bán rất khó. Thực tế này ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của ngư dân cũng như các cơ sở hấp sấy cá và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nguồn gốc của vấn đề này như thế nào, chúng tôi đã gặp gỡ ngư dân cũng như các nhà quản lí để có được câu trả lời rõ hơn.

Ngư dân xã Gio Việt phơi khô cá nục sau khi hấp sấy

Giá bán chỉ bằng một nửa so với vụ trước

Ngư dân Nguyễn Công Khương, ở thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt, huyện Gio Linh, chủ của tàu đánh bắt xa bờ, có công suất 410 CV, than thở: Chuyến vừa rồi tàu của tôi đánh trúng gần 50 tấn cá nhưng chỉ bán được ở mức giá 8 nghìn đồng/kg cá nục và 50 nghìn đồng/kg cá hố, loại cá tốt nhất. Trong khi đó cùng thời gian này của năm trước giá bán cá nục, những lúc cao nhất đến 23 nghìn đồng/kg, trung bình đạt 18 đến 19 nghìn đồng/kg. Anh Khương lo âu vì với giá bán cá thấp thế này tiền thu về không đủ trả cho lao động và chi phí nguyên vật liệu, nguy cơ tàu phải nằm bờ rất lớn.

Cùng chung một lo âu, ngư dân Võ Lới ở khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, chủ tàu xa bờ có công suất hơn 800 CV cho biết, chuyến ra biển vừa rồi đến 20 ngày, đánh bắt được 60 tấn cá nục, bán ngay ngoài biển cho tàu dịch vụ thu mua nên chỉ được 360 triệu đồng (6 nghìn đồng/kg). Sau khi trừ chi phí tiền dầu, mua đá lạnh trữ cá, máy móc và công cho 17 lao động hết 280 triệu đồng, anh Lới chỉ còn lại 60 triệu đồng, vừa đủ tiền mua lại lưới và sửa chữa máy tàu. Anh Lới băn khoăn nếu giá bán cá vẫn ở mức thấp như vậy, có thể chấp nhận cho tàu nằm bờ vì tiếp tục đi cũng thua lỗ. Nghịch lí là năm trước giá bán cá nục đạt mức 18, 19 nghìn đồng/kg thì giá dầu lại rẻ hơn năm nay.

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt cho biết, đội tàu đánh bắt xa bờ của thị trấn có 35 chiếc hành nghề vây rút chì, khai thác cá nục, cá hố…trung bình mỗi tàu sử dụng từ 12 đến 20 lao động biển. Năm 2018 đội tàu này khai thác được hơn 10 nghìn tấn cá nục tươi, bán với giá gấp đôi hiện tại. Số cá nục này được 40 cơ sở hấp sấy cá khô xuất khẩu ở thị trấn thu mua về chế biến bán lại cho tư thương, doanh nghiệp. Anh Phan Văn Kiệm, chủ một doanh nghiệp ở khu phố 2 thị trấn, người hằng năm đứng ra thu mua sản phẩm cá hấp sấy khô cho 40 chủ lò cho biết, hiện không thể bán được hàng vì bị ứ đọng tại Cửa khẩu Lạng Sơn. Đầu ra bị nghẽn nên dẫn đến việc giá cá nục, cá hố… giảm xuống quá mạnh. Tình trạng này xuất hiện gần một tháng nay làm cho bà con ngư dân, các chủ lò hấp sấy và những người làm trung gian đứng ra thu mua như anh điêu đứng. Dù không bán được, nhưng anh Kiệm và nhiều thương lái khác vẫn thu mua cho các chủ lò để góp phần giải quyết việc làm cho ngư dân. Thời gian thu mua chắc sẽ không còn nhiều vì các kho đông trữ cá của khu vực Cửa Việt sắp hết chỗ chứa.

Các chủ cơ sở hấp sấy cá khô tuy bán được sản phẩm cho anh Kiệm và những người thu mua song lại chưa nhận được tiền. Giữa các chủ cơ sở và những người thu mua có thỏa thuận khi nào hàng xuất qua được Trung Quốc thì lúc đó họ mới có tiền trả. Bà Nguyễn Thị Trang, chủ của 2 cơ sở hấp sấy cá khô ở khu phố 3 cho biết, trung bình phải đầu tư hơn 3 nghìn đồng để chế biến được 1 kg cá hấp sấy khô. Từ nghề hấp sấy cá khô, năm trước gia đình bà thu về được gần 500 triệu đồng lãi. Tuy nhiên, vụ này giá cá quá thấp, lại bán không chạy nên bà Trang phải chấp nhận tạm nghỉ hoạt động 2 cơ sở này.

Một xã khác rất mạnh trong việc khai thác, chế biến thủy sản là Gio Việt. Chủ tịch UBND xã Gio Việt Nguyễn Thanh Thương cho biết 19 chủ tàu đánh bắt xa bờ hành nghề vây rút chì của địa phương này đang khai thác cá nục, cá hố cũng gặp hoàn cảnh khó khăn tương tự. Nghĩa là cá đánh bắt được bán giá quá thấp nên không đủ tiền bù lỗ. Nhiều tàu ra khơi phải nợ tiền dầu, tiền đá lạnh trữ cá của các nhà cung cấp dịch vụ. Ngoài đội tàu trên, xã Gio Việt có đến 79 cơ sở hấp sấy cá khô, trước tình hình hàng hóa ế đọng, nhiều cơ sở tạm nghỉ, chỉ còn 30 cơ sở hoạt động. Các thương lái của xã Gio Việt cũng giúp các chủ cơ sở bằng cách thu mua hết sản phẩm cá hấp sấy khô, đưa về chất đầy hàng chục kho trữ trên địa bàn, nhưng họ vẫn chưa có tiền trả. Tình trạng này dẫn đến các chủ cơ sở nợ rất nhiều tiền của các chủ tàu cá, tiền nhân công lao động làm việc hấp và sấy cá, tiền mua muối ướp cá, tiền mua củi đốt lò…

Không chỉ cá nục, giá cá hố cũng bị giảm xuống còn một nửa khiến ngư dân lao đao

Theo ông Nguyễn Thanh Thương, năm 2018, 79 cơ sở hấp sấy cá khô trên địa bàn hoạt động tốt, giải quyết việc làm cho hơn 1.000 lao động. Nay số cơ sở hấp sấy cá hoạt động còn lại chưa được một nửa nên có hơn 500 lao động mất việc làm, không có thu nhập. Ông Thương cho biết xã Gio Việt có 24 kho bảo quản cá hấp sấy khô, mỗi kho công suất chứa từ 20 đến 50 tấn, đã đựng đầy ắp vì tư thương thu mua về nhưng không bán được. Tương tự các kho chứa của thị trấn Cửa Việt cũng đầy hàng. Thị trấn Cửa Việt và xã Gio Việt có 6 người như anh Phan Văn Kiệm thu mua hàng từ các cơ sở hấp sấy cá bán lại cho 4 thương lái người Trung Quốc. Những người giữ phân khúc trung gian thu mua như anh Kiệm cho biết: Các thương lái Trung Quốc trả lời hiện tại sản phẩm cá hấp sấy khô được mua ở vùng biển Quảng Trị không xuất được qua Trung Quốc nên họ cũng gặp nhiều khó khăn. Chỉ khi nào hàng xuất qua được bên kia biên giới thì các thương lái người Trung Quốc mới trả tiền cho phía Việt Nam. Tình trạng trên đang làm cho ngư dân và tư thương ở vùng biển Quảng Trị rất lo âu, bối rối.

Nguyên nhân và hướng phát triển bền vững

Đi tìm câu trả lời giải quyết nguồn gốc của vấn đề, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị Nguyễn Văn Huân cho biết, đã nắm được thông tin sản phẩm cá nục, cá hố… tươi và cá hấp sấy khô của bà con ngư dân đang bán với giá rất thấp vì kẹt thị trường tiêu thụ, tình trạng ngư dân toàn tỉnh đang gặp phải. Ông Huân giải thích, trước hết do các thương lái người Trung Quốc tranh nhau mua sản phẩm cá hấp sấy khô chất lượng ở Quảng Trị nên nâng giá lên cao hơn giá thị trường. Đến khi bán không hết sản phẩm thì họ chủ động giảm giá xuống để khỏi lỗ.

Sâu xa hơn của việc giá cá bị giảm mạnh, theo ông Huân do sản phẩm cá hấp sấy khô của ngư dân Quảng Trị bán cho thương lái nhập vào Trung Quốc lâu nay theo đường tiểu ngạch, không có tiêu chuẩn, nguồn gốc xuất xứ. Tiêu chuẩn và chất lượng sản phẩm ở đây chỉ là quy định miệng giữa người mua và người bán. Từ năm 2018, phía Trung Quốc thắt chặt quy chuẩn và chất lượng hàng hóa nhập khẩu, yêu cầu khắt khe về xuất xứ hàng hóa, bà con ngư dân không theo kịp yêu cầu nên bị thiệt hại. Trong lúc đó các đơn hàng cá nục, cá trích, cá hố xuất đi chỉ có thị trường Trung Quốc tiêu thụ nên khi Trung Quốc khắt khe hơn trong thu mua thì ngư dân địa phương gặp khó khăn.

Hơn nữa, xuất khẩu thủy sản của Quảng Trị nói riêng và Việt Nam nói chung sang Trung Quốc đang đối mặt với những yêu cầu cao hơn về chất lượng và sự cạnh tranh mạnh hơn từ các nhà xuất khẩu ASEAN. Trung Quốc đã đặt ra những tiêu chuẩn chất lượng cao hơn, xây dựng các phòng kiểm dịch chất lượng tương đương Hoa Kỳ, Nhật và các nước châu u, đồng thời quy mô kiểm dịch cũng lớn hơn so với trước. Trung Quốc cũng nâng các tiêu chí về kiểm dịch và các điều kiện nghiêm ngặt đối với sản phẩm nông thủy sản nhập khẩu. Để duy trì uy tín hàng hóa của Quảng Trị cũng như Việt Nam, ngư dân và doanh nghiệp trong tỉnh cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Huân thừa nhận đây là giai đoạn khó khăn với ngư dân tỉnh Quảng Trị, bởi lâu nay giới tiểu thương, doanh nghiệp đã quá quen với việc đưa nông sản vào Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Bây giờ họ cần thời gian để làm quen và chuyển hướng sang xuất khẩu chính ngạch. Để tránh thất bại cần có cả sự nỗ lực tự thân của các ngư hộ cũng như doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Bên cạnh đó, các địa phương, doanh nghiệp cũng cần làm tốt hơn việc quản lí quy trình sản xuất, quản lí về bao bì để đáp ứng yêu cầu của thị trường ngày càng khắt khe về chất lượng, truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm. Mặt khác, để tăng năng lực cạnh tranh, tạo vị thế thị trường, các cấp, ngành cũng cần tập trung nguồn lực xây dựng thương hiệu nông thủy sản cho tỉnh Quảng Trị, xây dựng danh mục các loại nông thủy sản được nhập chính ngạch vào các nước, nhất là Trung Quốc, quốc gia hằng năm tiêu thụ khối lượng hàng lớn cho chúng ta.

Tỉnh Quảng Trị có tiềm năng, lợi thế về kinh tế biển với bờ biển dài hơn 75 km, ngư trường rộng trên 8.400 km2 nối cửa Vịnh Bắc Bộ với Biển Đông, có trữ lượng thủy hải sản khoảng 60 nghìn tấn/ năm. Toàn tỉnh có 4 huyện với 16 xã, thị trấn ven biển, gần 16 nghìn lao động hoạt động thủy sản, trong đó có hơn 7 nghìn lao động trên biển. Tuy nhiên, phần lớn ngư dân chưa thực hiện nghiêm túc đánh bắt thủy sản có khai báo, quản lí. Vì vậy, ông Nguyễn Văn Huân cho biết, trước tình hình này Sở NN-PTNT Quảng Trị đang khẩn trương giúp bà con ngư dân làm truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trước hết khi ra biển ngư dân phải khai báo phương tiện đánh bắt, ngày ra biển, ngư cụ khai thác, ngày đánh bắt được cá, vị trí, chủng loại, khai báo ngày cập cảng, nơi bán hàng…thành một bộ hồ sơ truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Có nghĩa là ngư dân phải thực hiện nghiêm túc đánh bắt thủy sản có khai báo, quản lí. Sở chỉ đạo Chi cục Thủy sản và Cảng cá Quảng Trị tăng cường giúp ngư dân làm hồ sơ khai báo và truy xuất nguồn gốc để đảm bảo sản phẩm hàng hóa của ngư dân được bán đúng giá thị trường và chất lượng sản phẩm.

Ý kiến về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng, chỉ đạo: “Để góp phần hạn chế những thiệt hại kinh tế cho ngư dân, đề nghị Sở NN-PTNT Quảng Trị đẩy mạnh kiểm tra việc thực hiện nghiêm túc đánh bắt thủy sản có khai báo như các nội dung Công điện 1275/CĐ-TTg ngày 19/9/2018 và Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Kế hoạch số 313/KH-UBND ngày 25/1/2018 của UBND tỉnh Quảng Trị về việc thanh tra, kiểm tra và kiểm soát nghề cá trên địa bàn. Đồng thời đề nghị các sở, ngành, địa phương tập trung mạnh hơn nữa thực hiện kế hoạch triển khai thi hành Luật Thủy sản; ban hành Quy chế phối hợp hoạt động giữa các cơ quan chức năng trong công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tập huấn Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản chống khai thác hải sản bất hợp pháp không báo cáo và không theo quy định cho ngư dân vùng biển của tỉnh Quảng Trị. Có như vậy mới giúp ngư dân hạn chế được thiệt hại khi chúng ta ngày hội nhập sâu hơn với thị trường thế giới”.

Tuệ Linh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang