• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Nghệ An: Ứ đọng nhiều thủy sản

Nguồn tin: Báo Công Thương, 27/08/2019
Ngày cập nhật: 29/8/2019

Lâu nay, con đường xuất khẩu sang Trung Quốc của các mặt hàng nông, thủy sản hầu như bằng con đường tiểu ngạch. Thế nhưng gần đây hầu hết đều phải xuất bằng con đường chính ngạch, phải truy xuất nguồn gốc, nhiều sản phẩm nông, thủy sản bị ứ không xuất bán được sang Trung Quốc.

Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) là một trong những địa phương có truyền thống xuất khẩu hải sản sang Trung Quốc. Cả xã có 143 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ, 20 tàu công suất vừa và nhỏ đồng thời gần 200 bè đánh bắt gần bờ, trung bình mỗi năm, toàn xã đánh bắt được trên 30.000 tấn hải sản các loại, khoảng 70% xuất khẩu sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch, số còn lại tiêu thụ nội địa.

Bột cá tồn đọng tại một cơ sở chế biến ở Quỳnh Thuận, Quỳnh Lưu

Tuy nhiên, từ khi Trung Quốc cấm nhập khẩu hải sản tiểu ngạch, ngư dân và thương lái lâm vào cảnh khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Nam, nông dân ở Quỳnh Lập, từ tháng 5 năm nay Trung Quốc cấm xuất khẩu tiểu ngạch, hải sản khi về bến đều bị thương lái ép giá, nhưng nếu không bán thì sẽ không bảo quản được lâu, dẫn đến hư hỏng. Điều đáng nói, theo ông Nam, những hải sản giảm giá mạnh là những mặt hàng chủ lực để xuất khẩu như: cá hố từ 120.000 đồng/kg chỉ còn 60.000 - 80.000 đồng/kg, cá cơm từ 13.000 đồng/kg xuống còn 8.000 đồng/kg… Chị Trần Thị Hải - một tiểu thương thu mua hải sản - cho biết: Trước đây, hải sản sau khi thu mua sẽ được cho vào khay cấp đông vận chuyển ra cửa khẩu Móng Cái và đi đường đò để sang Trung Quốc. Bây giờ phải đóng hàng cẩn thận vào các thùng xốp sau đó cho vào bao bì, khi ra đến cửa khẩu phải thuê xe để đi đường bộ sang Trung Quốc với chi phí tăng lên gấp nhiều lần... “Do chi phí tăng lên và chịu nhiều rủi ro nên bắt buộc chúng tôi phải hạ giá hải sản thu mua của người dân để bù đắp” - chị Hải nói.

Các mặt hàng như đường kính, tinh bột sắn lâu nay vẫn là thế mạnh của xuất khẩu Nghệ An nay cũng ứ đọng hàng ngàn tấn hàng do không xuất bán sang Trung Quốc. Anh Nguyễn Phúc - hộ kinh doanh chế biến sắn ở xóm 10 xã Nghĩa An, huyện Nghĩa Đàn - chia sẻ: Từ đầu năm 2019 đến nay cơ sở sản xuất được trên 300 tấn bột sắn. Các năm sản xuất được từng nào, thương lái thu mua hết với giá 12.000 đồng/kg để xuất bán sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch. Thế nhưng năm nay, tồn kho không bán được, để có kinh phí trang trải cơ sở phải bán bột sắn với giá hơn 8.000 đồng/kg cho thị trường nội địa được 200 tấn, hiện trong kho còn hơn 100 tấn tồn kho. Hiện trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn có 5 cơ sở chế biến sắn, đang tồn kho từ 4.000 - 5.000 tấn tinh bột sắn chưa bán được.

Theo ông Nguyễn Văn Lập - Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An, Trung Quốc không còn là thị trường “dễ tính”, từ đầu năm 2019, nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc qua đường chính ngạch, được áp dụng nhiều quy định mới liên quan đến chất lượng nông sản, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Trong đó, hai yêu cầu quan trọng là có mã số vùng trồng (chứng nhận vùng sản xuất) và mã số cơ sở đóng gói. Vì vậy, những thay đổi về yêu cầu của thị trường sẽ làm cho nông dân chuyển đổi tư duy sản xuất, khắc phục tình trạng nhỏ lẻ, manh mún, tăng liên kết với các doanh nghiệp, xây dựng các chuỗi sản xuất.

Đối với các mặt hàng thủy hải sản, hiện nay Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với chính quyền địa phương, các ngành và bà con ngư dân hướng dẫn cho từng tàu thuyền khai thác hải sản đúng địa chỉ, nguồn gốc hợp pháp, đặc biệt hướng dẫn các đơn vị chế biến hải sản các thủ tục, công đoạn truy xuất nguồn gốc sản phẩm…

Có thể thấy yêu cầu từ phía Trung Quốc là thách thức, nhưng đồng thời cũng là cơ hội tốt cho cả doanh nghiệp và nông dân Nghệ An. Bởi, các hợp đồng mua bán, xuất nhập khẩu giữa 2 bên có tính pháp lý cao hơn, là cơ hội để thị trường nông sản ổn định, bền vững và ngày càng chuyên nghiệp hơn.

Hoàng Trinh

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang