• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Quảng Trị: Người tiên phong áp dụng hấp cá bằng điện ở Gio Linh

Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 17/12/2019
Ngày cập nhật: 19/12/2019

Nhận thấy hiệu quả thiết thực từ hệ thống hấp cá bằng điện thay vì bằng củi đốt, anh Lê Văn Hiếu (sinh năm 1968) đã xây dựng lò hấp cá bằng điện. Từ đó, nhiều gia đình khác học tập làm theo.

Anh Hiếu kiểm tra hệ thống điện hấp cá. Ảnh: TT

Vừa qua, chúng tôi có dịp đến nhà anh Hiếu ở Khu phố 2, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh (tỉnh Quảng Trị). Tiếp chuyện chúng tôi, anh Hiếu cho hay, gia đình anh làm nghề hấp cá từ năm 2007. Lúc bấy giờ, anh xây dựng một lò hấp cá ở Khu phố 2 với số vốn ban đầu khoảng 40 triệu đồng. Lò hấp này hoạt động bằng củi đốt, vì thế anh thường xuyên phải tìm mua củi ở nhiều nơi. Trung bình 1 tấn cá, lò hấp của anh Hiếu tiêu tốn từ 350 – 400 ngàn đồng tiền củi. “Với lò hấp cá bằng củi thì phải có nhân công trực chất thêm củi vào lò để đảm bảo nhiệt độ. Việc đốt củi cũng gây ra hao nhiệt, nóng bức trong lò hấp, tạo nhiều khói bụi gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn. Mỗi khi hấp xong một mẻ lại tốn thêm công dọn đáy lò. Ngoài ra, sử dụng lò hấp bằng củi đốt thì tuổi thọ của lò rất ngắn, cứ 3 năm 1 lần tôi phải xây lại lò mới. Mỗi lần làm lại như vậy tốn khoảng 40 triệu đồng”, anh Hiếu nói.

Qua quá trình tìm hiểu, anh Hiếu nhận thấy có thể xây lò hấp cá bằng hệ thống điện như các cơ sở sản xuất bún. Tháng 4/2019, anh thuê thợ xây dựng lò mới ở Khu phố 1, thị trấn Cửa Việt và lắp đặt hệ thống điện. Đây là mô hình hấp cá bằng điện thay cho củi đốt đầu tiên của huyện Gio Linh. “Tổng kinh phí xây dựng lò hấp cá bằng điện hết 150 triệu đồng. Trong đó, Trung tâm Khuyến công huyện Gio Linh hỗ trợ 56 triệu đồng. Lò hấp được xây dựng trên diện tích khoảng 100m2 ”, anh Hiếu chia sẻ khi dẫn chúng tôi xem lò hấp cá bằng điện cách nhà anh không xa.

Lò hấp cá bằng điện của anh Hiếu sử dụng 3 nồi hấp, mỗi nồi hấp có công suất khoảng 36.000W. Về tổng thể, lò hấp cá bằng điện của anh Hiếu cũng giống lò hấp cá bằng củi. Điểm khác biệt rõ rệt nhất là phần đáy nồi hấp được xây kín, không chừa khoảng không chứa củi đốt ở dưới. Thay vào đó, dưới mỗi nồi là hệ thống tạo nhiệt bằng điện. Cạnh đó là hệ thống bảng điện được đấu nối khoa học, chính xác và đảm bảo an toàn khi vận hành. Mỗi nồi hấp sẽ có 1 bảng điện riêng biệt. Khi vận hành hấp cá, anh Hiếu chỉ cần gạt công tắc là hệ thống hoạt động nhẹ nhàng, an toàn. “Hệ thống hấp cá bằng điện này hoạt động rất thuận tiện, êm và sạch sẽ. Vì không đốt củi nên không có khói bụi. Các nhân công làm việc cũng thuận lợi, an toàn hơn, chỉ hấp và phơi cá chứ không lo thêm việc củi lửa, dọn dẹp vệ sinh như trước. Có thể nói là vừa tiện lợi, sạch sẽ, vừa tiết kiệm chi phí”, anh Hiếu nói.

Anh Hiếu chia sẻ thêm, trung bình 1 tấn cá, nếu hấp bằng củi sẽ tốn 350- 400 ngàn đồng, trong khi đó, nếu hấp bằng điện thì chỉ tốn 300-320 ngàn đồng. Với 1 tấn cá, lò hấp bằng điện sẽ tiết kiệm thời gian từ 20-30 phút so với lò hấp bằng củi đốt. Nếu hoạt động hết công suất thì mỗi ngày, lò hấp cá bằng điện của anh Hiếu có thể hấp được trên 8 tấn cá.

Hiện tại, 2 lò hấp cá bằng củi và bằng điện của anh Hiếu hoạt động song song, tạo việc làm cho 30 lao động ở địa phương. Trung bình mỗi năm, 1 lò hấp cá của anh Hiếu hấp được khoảng 150 tấn cá nục, cá cơm và xuất bán ra thị trường chủ yếu là Trung Quốc. “Mặc dù có một số khó khăn như nguồn điện phục vụ sản xuất chưa ổn định, đầu ra cho sản phẩm còn bấp bênh nhưng tôi vẫn quyết tâm làm tới cùng. Vì hiệu quả từ lò hấp cá bằng điện rõ ràng là hơn hẳn lò hấp bằng củi đốt”, anh Hiếu cho biết.

Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Trần Văn Quảng cho biết, để đảm bảo môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất, một số cơ sở hấp sấy cá đã chủ động ứng dụng mô hình hấp cá bằng điện thay cho củi đốt và mang lại hiệu quả cao, hạn chế ô nhiễm môi trường. Đến nay đã có 2 cơ sở hấp cá ứng dụng hệ thống hấp cá bằng điện đi vào hoạt động và một số cơ sở khác đang trong quá trình xây dựng. Các cơ sở này được huyện hỗ trợ một phần kinh phí từ nguồn vốn khuyến công. Thời gian tới, huyện sẽ tăng cường hỗ trợ và khuyến khích người dân chuyển đổi dần các cơ sở hấp cá bằng củi sang bằng điện để tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.

Trần Tuyền

Các tin mới:

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang