• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thái Bình: Thu tiền tỷ từ việc nuôi tôm ‘không kháng sinh’

Nguồn tin: Khuyến Nông VN, 28/08/2019
Ngày cập nhật: 29/8/2019

Mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, với việc sử dụng loại enzim (EM) được chế biến từ tỏi, mô hình nuôi tôm “không kháng sinh” của chị Nguyễn Thị Thủy ở huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) đã mang lại hiệu quả kinh tế cao…

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất thuần nông, trước đây chị Nguyễn Thị Thủy đã có nhiều năm gắn bó với các hoạt động sản xuất nông nghiệp như nuôi gà, nuôi lợn thịt… Song thị trường biến động đã không ít lần làm cho những cố gắng của chị Thủy “đổ sông, đổ bể”. Điển hình như năm 2017, với đàn lợn nái 10 con, lợn thịt 40 con nhưng chị Thủy phải chịu lỗ hơn 70 triệu đồng do giá lợn xuống thấp. Từ đó, chị Thủy quyết định tập trung vào nuôi tôm chứ không đầu tư tràn lan. Tìm hiểu hoạt động nuôi tôm của các hộ xung quanh, nhận thấy, do người dân lạm dụng quá nhiều kháng sinh, chất kích thích tăng trưởng trong nuôi trồng nên tôm nuôi thường xuyên bị dịch bệnh, hiệu quả kinh tế không cao.

Rút kinh nghiệm từ thực tiễn nghề nuôi tôm ở địa phương, chị Thủy đã tích cực tìm đọc các tài liệu về khoa học kỹ thuật với quyết tâm để đàn tôm trong ao phát triển khỏe mạnh, an toàn và sạch bệnh. Đặc biệt, năm 2017, chị được tham gia lớp tập huấn khoa học kỹ thuật do Đoàn Thanh niên huyện Tiền Hải tổ chức. Sau đó, chị Thủy mạnh dạn áp dụng những kiến thức được tập huấn về nuôi tôm an toàn theo hướng hữu cơ vào quá trình nuôi tôm của gia đình trên diện tích 3,5 ha.

Theo đó, với 3,5 ha ao đầm nuôi tôm, chị Nguyễn Thị Thủy chia làm 3 ao nuôi, các ao đều có hệ thống xử lý chất thải, lắng lọc riêng và bắt đầu chế biến chế phẩm từ tỏi để nuôi tôm. Enzim (EM) tỏi được sản xuất từ EM gốc ngâm ủ với bột tỏi. EM gốc là một chế phẩm sinh học với 80 loại vi sinh vật có ích thuộc nhóm vi khuẩn lactic, vi khuẩn quang hợp và vi khuẩn nấm men. Để tăng hiệu quả trong nuôi tôm, chị Thủy sử dụng EM gốc trộn với rượu và nước mía ngâm ủ yếm khí trong 2 ngày, sau đó trộn hỗn hợp chế phẩm này với tỏi đã xay nhuyễn rồi ngâm ủ trong 1 tuần để tạo ra EM tỏi cho tôm ăn. Kết quả thu được nằm ngoài mong đợi của chị. Đàn tôm nuôi trong ao có sức đề kháng tốt, sinh trưởng nhanh; năng suất tôm tăng đáng kể và nhất là tôm khi thu hoạch hoàn toàn không có tồn dư kháng sinh, an toàn, sạch bệnh. Năm 2017, ao nuôi tôm của chị Thủy đạt sản lượng hơn 4 tấn tôm, đạt doanh thu gần 500 triệu đồng. Năm 2018, với việc tăng mật độ nuôi, sau 3 lứa tôm, chị Thủy thu hoạch khoảng 10 tấn, doanh thu gần 1 tỷ đồng. Đặc biệt là môi trường ao nuôi luôn sạch, tôm khỏe nhờ sử dụng EM tỏi.

Một góc khu ao nuôi tôm “không kháng sinh” của gia đình chị Nguyễn Thị Thủy

Theo chị Thủy, tỏi có chứa Alixin là kháng sinh có khả năng kháng virus lây bệnh, glucozo và enlin có tác dụng diệt khuẩn và sát trùng. Ngoài ra, tỏi còn chứa các loại vitamin và khoáng chất giúp cho tôm tăng sức đề kháng và phòng được một số bệnh về tiêu hóa. Tuy thời gian triển khai chưa lâu nhưng mô hình nuôi tôm “không kháng sinh” của chị Nguyễn Thị Thủy đã cho hiệu quả rõ rệt. Bằng việc sử dụng chế phẩm sinh học Enzim (EM) tỏi thay thế kháng sinh và hóa chất trong nuôi trồng thủy sản, mô hình đã mở ra hướng phát triển hiệu quả và bền vững cho nông dân trong nuôi trồng thủy sản.

Được biết, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản nước lợ và nước ngọt của huyện Tiền Hải là hơn 3.100 ha; trong đó riêng xã Nam Phú có trên 1.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản. Song do thói quen sản xuất, hiện nay người dân chủ yếu nuôi tôm quảng canh và bán thâm canh kết hợp với nuôi cua, cá và trồng rong câu. Đối với con tôm thường bị bệnh còi cọc do nhiễm MBV, bệnh mềm vỏ, bệnh đốm trắng, bệnh đỏ thân và hội chứng chết sớm do chất lượng giống không bảo đảm; lạm dụng kháng sinh và chất kích thích tăng trưởng; ô nhiễm môi trường nước, biến đổi khí hậu… Vì vậy, mô hình nuôi tôm “không kháng sinh” của chị Nguyễn Thị Thủy được coi như một bước đột phá, mở ra cơ hội lớn cho nghề nuôi tôm ở địa phương.

Ông Nguyễn Văn Chuyển, Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phú cho biết: “Mô hình sử dụng chế phẩm sinh học EM tỏi thay thế kháng sinh và hóa chất trong nuôi tôm của chị Thủy bước đầu cho hiệu quả thiết thực và dễ nhân rộng. Mô hình này đã giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường, tồn dư chất kháng sinh trong con tôm thành phẩm. Đây là cách làm mới giúp các hộ nuôi tôm trong xã áp dụng để làm giàu từ nghề nuôi tôm truyền thống của quê hương”.

Tạ Quang Đạo

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang