• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hành trình Việt hóa thành công giống cá ngoại

Nguồn tin: Báo Bắc Ninh, 24/12/2019
Ngày cập nhật: 28/12/2019

Cá Chép là loài nuôi nước ngọt phổ biến với giá trị dinh dưỡng và hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, gần đây hiện tượng thoái hóa giống xuất hiện làm giảm chất lượng và năng suất nuôi trồng. Vì vậy, đề tài Nghiên cứu sản xuất nhân tạo giống cá Chép Séc tại Bắc Ninh do doanh nghiệp tư nhân (DNTN) Trung tâm Phát triển Công nghệ Thủy sản Việt Nam (Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) được triển khai thành công, góp phần phát triển công nghệ sản xuất giống một loài cá mới, nhằm đa dạng hóa các giống loài có giá trị kinh tế trong hệ thống nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Bà Nguyễn Thị Hà, Chủ nhiệm đề tài với con cá Chép Séc bố mẹ được nuôi tại DNTN Trung tâm Phát triển Công nghệ Thủy sản Việt Nam (Đình Bảng, thị xã Từ Sơn).

Theo bà Nguyễn Thị Hà, Chủ nhiệm đề tài, là cán bộ khoa học có nhiều năm kinh nghiệm tại Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 1, sau những lần đi công tác, tìm hiểu tại các nước châu Âu, bà nhận thấy, cá Chép nuôi tại nước Cộng hòa Séc có nhiều ưu điểm nổi bật như khả năng kháng bệnh tốt, sức sống cao, thích nghi tốt trong dải nhiệt rộng từ dưới 0oC tới 40oC nên chịu được mùa đông lạnh hơn một số giống cá thuần Việt. Cá Chép Séc thương phẩm có ngoại hình đẹp, thân trường, đầu nhỏ vừa, chất lượng thịt ngon nên được thương lái ưa chuộng. Năm 2015, được sự giúp đỡ của Trường đại học Nam Bohemia (Cộng hòa Séc) và Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và PTNT) cấp phép, DNTN Trung tâm Phát triển Công nghệ Thủy sản Việt Nam nhập nội 5 dòng cá Chép từ Cộng hòa Séc để chọn lựa, ương nuôi, xây dựng đàn cá bố mẹ, làm vật liệu thực hiện một số nội dung nghiên cứu phát triển tại Việt Nam.

Đầu năm 2017, Trung tâm Phát triển Công nghệ Thủy sản Việt Nam đăng ký với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh thực hiện đề tài “Nghiên cứu sản xuất nhân tạo giống cá Chép Séc tại Bắc Ninh” với mục tiêu của bổ sung đàn cá bố mẹ có chất lượng cao để sản xuất giống và nuôi thương phẩm. Trong thời gian từ tháng 5-2017 đến tháng 4-2019, đề tài đã xây dựng các quy trình kỹ thuật: nuôi vỗ cá Chép Séc bố mẹ đạt tỷ lệ thành thục cao; quy trình cho cá Chép Séc bố mẹ sinh sản bằng biện pháp nhân tạo; kỹ thuật ấp trứng và nuôi dưỡng cá bột; ương cá bột lên cá hương; ương cá hương lên cá giống; quy trình nuôi cá Chép Séc thương phẩm. Kết quả nghiên cứu thực nghiệm nuôi vỗ cá Chép Séc bố mẹ bằng thức ăn công nghiệp có tỷ lệ phát dục đạt 87-90%. Dùng kích dục tố với liều lượng phù hợp để tiêm cho cá cái sinh sản, tỷ lệ đẻ đạt hơn 90%, năng suất trứng đạt 145.000 hạt/kg. Trứng cá Chép Séc sau khi thụ tinh được ấp trong bình weiss, cho ra tỷ lệ cá nở đạt gần 60%, ương cá bột lên cá hương trong giai lưới cho tỷ lệ sống đạt hơn 67%, ương trong ao đất mật độ 100 con/m2 cho tỷ lệ sống đạt 65%. Ương cá hương lên cá giống trong ao đất mật độ 35 con/m2 sau 45 ngày cho cá giống đạt 9-10 cm, khối lượng hơn 10g/con, tỷ lệ sống hơn 86%. Kết quả đề tài đã sản xuất được hàng trăm ngàn con cá giống cỡ 8-10 cm đáp ứng cho các hộ nuôi trồng thủy sản trong tỉnh và một số tỉnh như Hải Dương, Hưng Yên, Hòa Bình… để nuôi cá thương phẩm. Từ đó, nuôi cá Chép Séc thương phẩm với mật độ 1 con/m2, cỡ giống thả từ 9-10cm, sau 12 tháng nuôi cho cá đạt khối lượng 2,4kg/ con, tỷ lệ sống đạt hơn 90%, sản lượng đạt 22 tấn/ha.

Anh Lưu Quang Chín, một hộ được chuyển giao nuôi cá Chép Séc tại thôn Thanh Hà, xã An Thịnh, huyện Lương Tài cho biết: “Tôi đã có 20 năm nuôi cá với rất nhiều giống khác nhau. Từ cuối năm 2017, khi được giới thiệu nuôi thử nghiệm con cá giống Chép Séc, tôi duy trì nuôi 7.000 con/ vụ, một năm 2 vụ. Cá Chép Séc tăng trưởng rất tốt, 6 tháng có thể đạt 1,7kg, giá cá cao do mẫu mã đẹp. Vì vậy, tôi đã nhập và ương thêm cá giống để cho các hộ xung quanh cùng sản xuất loài cá này”.

Theo đánh giá từ Sở Khoa học và Công nghệ, các nhà khoa học và quản lý chuyên ngành, việc nghiên cứu biện pháp sản xuất giống nhân tạo cá Chép Séc tại Bắc Ninh có ý nghĩa khoa học và thực tiễn. Kết quả đề tài góp phần phát triển loài cá Chép có nguồn gen quý tại địa phương, bổ sung đối tượng nuôi mới có giá trị kinh tế, giúp chủ động con giống đáp ứng cho yêu cầu nuôi cá thương phẩm trên địa bàn và các tỉnh lân cận. Thời gian tới Sở Khoa học và Công nghệ cùng đơn vị thực hiện đề tài sẽ tích cực phổ biến và chuyển giao kỹ thuật sản xuất giống, nuôi thương phẩm cá Chép Séc và một số đối tượng nuôi mới có hiệu quả kinh tế, từng bước nâng cao hiệu quả nuôi trồng thủy sản theo hướng bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Song Giang

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang