• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Tỉ phú đầm Cù Mông

Nguồn tin: Lao Động, 08/09/2019
Ngày cập nhật: 10/9/2019

Gia đình ông Hóa đang sở hữu 7ha ao đìa nuôi tôm, ốc hương và bè nuôi cá chẽm, cá bớp.

Trước khi là “tỉ phủ hải sản”, ông Lâm Xuân Hóa (48 tuổi, trú thôn Hoà Mỹ, xã Xuân Cảnh, TX.Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) đã có gần 10 năm lái xe tải đường dài. Công việc vất vả, đi sớm về khuya nhưng chỉ đủ sống qua ngày, nên ông quyết tâm thay đổi công việc, tính kế mưu sinh ngay trên những đầm phá ở quê hương mình.

“Vét” hết vốn mở rộng đầm

Đầm Cù Mông là một vùng biển nhỏ ở TX.Sông Cầu, có diện tích khoảng 26,55km2. Vùng đầm này dài nhưng hẹp, được bao bọc phía ngoài bởi khối núi Cù Mông chạy dài hơn 15km ra biển. Dọc đầm, những làng chài ven biển ẩn dưới hàng dừa xanh yên bình soi bóng.

Đi qua cầu Bình Phú (thuộc TX.Sông Cầu), hỏi về nhà “tỉ phú hải sản” Lâm Xuân Hóa ở đầm Cù Mông, ai ai cũng biết. “Cái nhà nào lớn nhất là nhà ổng” - nhiều người niềm nở.

Cái nắng như thiêu như đốt của Nam Trung Bộ cũng không thể khiến “biệt phủ” của “tỉ phú” đầm Cù Mông trở nên oi ả. Bởi, nhà ông nằm cạnh đầm Cù Mông, lồng lộng trong gió nước. Mặt đầm rộng lớn nằm bên hiên nhà chính là khu vực nuôi hải sản của gia đình ông Hóa.

Hớp vội ly nước đá, ông Hóa nhớ lại, trước khi đến với nghề nuôi trồng, kinh doanh thủy sản, ông có gần 10 năm lái xe tải đường dài, công việc vất vả nhưng chỉ đủ sống qua ngày. Nhận thấy tiềm năng nuôi trồng hải sản của vùng đất đầm Cù Mông trù phú này, vừa lái xe, ông Hóa vừa tính toán thay đổi công việc. Thế là từ đó, ông mua lại ao đìa của người dân trong vùng, vừa làm vừa học hỏi nâng cao tay nghề nuôi các loại tôm, cá.

Đến năm 2009, vợ chồng ông Hóa bắt đầu “chơi lớn” vay mượn tiền, của của người thân mạnh dạn mua 1.000m¬¬2 đất bãi bồi ven đầm Cù Mông để làm đìa nuôi tôm sú. “Khi đó, thửa đất bãi này trị giá 12 cây vàng. Từ kinh nghiệm những người đi trước, tui xác định kỹ thuật, cách phòng chống dịch bệnh là điều quyết định thành bại của nghề nuôi tôm. Vì thế, tui bắt tay ký kết với các kỹ sư để theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh tôm nuôi. Nhờ đó, ngay vụ tôm đầu, gia đình thu lãi thu lãi 60 triệu đồng” - ông Hóa nhớ lại.

Thế nhưng, đời không như mơ, trong thời gian đó, cũng là giai đoạn nghề tôm sú đang “tụt dốc không phanh” trên diện rộng. Nhiều chủ nuôi bắt đầu bỏ bê hoặc rao bán đìa tôm. Với dự định chuyển hướng nuôi tôm thẻ và các loại cá biển, vợ chồng ông Hóa tiến hành thương thảo mua lại các đìa kề cận. Rồi ông mở rộng diện tích nuôi, tập trung đầu tư các loại thiết bị máy móc hiện đại. Những vụ nuôi tiếp theo, lợi nhuận cứ thế tăng gấp nhiều lần.

Lợi nhuận từ nuôi thủy sản của gia đình ông Hóa đạt gần 5 tỉ đồng/năm.

Chưa dừng lại ở đó, dù đã có của ăn, của để nhưng ông Hóa vẫn cảm thấy chưa bằng lòng với việc sản phẩm nuôi luôn trong tình trạng thương lái ép giá. Thế là hai vợ chồng ông lại “thủ thỉ” với nhau, bàn cách làm sao có thể liên hệ trực tiếp với các công ty thủy sản để bán sản phẩm, không thông qua đầu nậu trung gian.

“Ngoài bán thủy sản nhà nuôi, vợ chồng tui còn thu mua sản phẩm của bà con quanh vùng. Thấy mình làm việc uy tín, nên cả công ty và bà con đều rất tin tưởng. Thấy hiệu quả ổn định, tôi sắm dần thêm được 4 xe tải đông lạnh loại 5 tấn” - ông Hóa hớn hở khoe.

Sống chết với nghề đầm phá

Đặc biệt, nhận thấy đầm Cù Mông phù hợp với việc nuôi cá bớp nên từ 3 năm trước, ông Hóa đã vào Nha Trang chọn giống và tiến hành nuôi cá ở đầm. Hiện tại, với 153 lồng (mỗi lồng có diện tích 4m2) gia đình ông thả nuôi tổng cộng 5.000 con cá bớp.

“Cá bớp là loài dễ nuôi, ít bệnh dịch nhưng nguyên tắc nuôi phải giữ được môi trường nước trong lành, nếu bị ô nhiễm cá rất dễ bị lở loét ở thân. Cũng có trường hợp lưới rách mà mình không biết nên cá thoát ra đầm. Vì vậy mỗi ngày, thợ đều phải lặn xuống nước soi từng lồng để kiểm tra, nếu lưới rách thì phải vá lại ngay, không để vết rách dù là nhỏ nhất. Vì vậy, tụi tui phải thường xuyên kiểm tra lưới trong các lồng bè để tránh trường hợp cá thoát khỏi lồng bơi ra đầm Cù Mông” - ông Hóa kể.

Thời điểm nuôi cá khoảng 8 tháng, bắt đầu từ tháng 1 dương lịch đến trước mùa mưa bão thì gia đình ông tiến hành thu hoạch. Khi cá đạt chuẩn 6kg mỗi con thì bắt đầu xuất bán với giá 150.000đồng/kg, nhờ vậy mỗi vụ ông Hóa có thể thu về 1 tỉ đồng.

Hiện tại, gia đình ông Hóa đang sở hữu 7ha ao đìa nuôi tôm, ốc hương và bè nuôi cá chẽm, cá bớp; mức lợi nhuận từ nuôi thủy sản đạt gần 5 tỉ đồng/năm. Bên cạnh đó, công việc đầu mối thu mua, kinh doanh thủy sản của gia đình đạt lợi nhuận 1 - 1,5 tỉ đồng/năm. Hai mảng này đang giải quyết công việc cho hơn 50 lao động thường xuyên, với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng; cùng khoảng 100 lao động thời vụ, thu nhập 200.000 đồng/người/ngày.

Với 153 lồng gia đình ông Hóa thả nuôi tổng cộng 5.000 con cá bớp.

“Cuộc mưu sinh nào mà không cực nhọc, nhất là ban đầu gầy dựng. Thế nhưng, mình phải liên tục bươn tới, mạnh dạn đầu tư cho ý hướng, thất bại thì coi lại, sửa sai, lập kế làm tiếp. Thế nhưng, tui luôn tìm thấy niềm vui trong việc sản xuất, kinh doanh các mặt hàng hải sản. Lúc này thì chuyện làm ăn đã đi vào nề nếp” - ông Hóa bộc bạch.

Ông Lê Văn Cảnh - Chủ tịch UBND xã Xuân Cảnh - cho hay, gia đình ông Hóa hiện là một trong những hộ làm ăn kinh tế hàng đầu ở xã, có tầm nhìn và tính toán bài bản, nên liên tục gặt hái thành công ở mảng nuôi trồng và mua bán hải sản. Ngoài ra, cơ sở kinh doanh của ông Hóa đang giải quyết việc làm ổn định cho hàng chục lao động địa phương.

“Ngoài việc đóng góp thuế đầy đủ, vợ chồng anh hiện cũng là những người làm từ thiện xã hội hiệu quả tại địa phương, mỗi năm từ 30 - 40 triệu đồng. Vừa qua, gia đình anh Hóa còn góp trên 250 triệu đồng để xây dựng đường liên thôn” - ông Cảnh nói.

Còn theo ông Huỳnh Văn Dũng - Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Phú Yên - ông Hóa là người giàu bản lĩnh làm ăn, giỏi nắm bắt thị trường. Nhờ đó, các mô hình nuôi trồng của gia đình luôn có sự chắc chắn, hiệu quả cao. Ông Hóa còn có tư duy kinh doanh lớn khi tự tìm hợp đồng đầu ra để bán sản phẩm của chính mình và các hộ nuôi trong vùng. Cơ sở kinh doanh của anh đã và đang có nhiều đóng góp phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

NGUYỄN VĂN

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang