Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 26/01/2019
Ngày cập nhật:
28/1/2019
Gia Viễn là huyện đi đầu trong phong trào nuôi cá nước ngọt nội đồng của tỉnh Ninh Bình. Theo Phòng Nông nghiệp & PTNT huyện, hiện nay toàn huyện có 1.723,5 ha nuôi trồng thủy sản, trong đó nuôi thâm canh chiếm khoảng 386 ha. Hàng năm cung ứng ra thị trường khoảng 15,5 nghìn tấn cá nước ngọt, chủ yếu là các đối tượng cá trắm cỏ, cá chép dài, cá trắm đen.
Thu hoạch cá dịp cuối năm ở huyện Gia Viễn.
Mặc dù nghề nuôi thủy sản thời gian gần đây phát triển khá ổn định, trình độ kỹ thuật của người nuôi và mức độ thâm canh ngày càng được nâng cao... nhưng do tốc độ mở rộng diện tích quá nhanh trong khi cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng đủ; ý thức của người dân về sử dụng hóa chất, kháng sinh và quản lý vùng nuôi chưa tốt dẫn đến môi trường nước bị ô nhiễm, nguy cơ bùng phát dịch bệnh luôn hiện hữu.
Để giải quyết tình trạng này, góp phần tăng hiệu quả cho người nuôi trồng thủy sản, Chi cục Thủy sản Ninh Bình đã khuyến khích và hướng dẫn hộ dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật cải tạo nguồn nước nuôi, nhằm hạn chế dịch bệnh trong nuôi trồng thủy sản.
Đồng chí Đặng Thị Thu Trang, Trạm thủy sản Nho Quan-Gia Viễn cho biết: Giải pháp kỹ thuật cải tạo nguồn nước ao nuôi đã được ứng dụng là lọc nước cơ học và lọc nước tuần hoàn sử dụng công nghệ vi sinh. Lọc nước cơ học là giải pháp truyền thống hiện đang được nhiều hộ dân áp dụng trong sản xuất với nước từ kênh mương được đưa vào qua bể lọc ngược qua các ngăn lọc thô, sau đó được đưa sang ngăn lọc tinh của bể lọc và cấp vào các ao nuôi. Giải pháp này có ưu điểm: Đơn giản, chi phí thấp, không đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao…tuy nhiên phụ thuộc vào nguồn nước từ ngoài môi trường và chỉ đáp ứng được cho các hộ có ao sản xuất nhỏ.
Giải pháp kỹ thuật lọc nước tuần hoàn sử dụng công nghệ vi sinh hiện đang được các hộ nuôi tại xã Gia Phương; Gia Vượng, Gia Hòa áp dụng vào sản xuất đã mang lại hiệu quả cao cả về mặt môi trường và kinh tế. Nước được lấy một lần từ kênh mương của vùng hoặc nước được vận chuyển từ các hệ thống ao nuôi vào ao lắng.
Tại đây, nước được diệt khuẩn, diệt tạp bằng các hóa chất được Bộ Nông nghiệp cho phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản, sau đó liên tục chạy máy quạt nước để các loại hóa chất hết tác dụng; rồi sử dụng Chế phẩm sinh học có chứa các chủng vi khuẩn có lợi để làm tăng hàm lượng oxy, ổn định pH và các chỉ số môi trường trong ao nuôi; tăng sinh khối nhanh nguồn vi sinh có lợi; cung cấp nhóm ôxy hóa amonia làm tăng hiệu quả trong việc phân hủy các chất thải do phân, thức ăn dư thừa trong quá trình nuôi. Khi nước tại ao lắng này đạt chất lượng đảm bảo nuôi trồng thủy sản sẽ được đưa sang ao chứa, “sẵn sàng” để cấp trở lại cho các ao nuôi.
Theo ông Hoàng Thanh Liêm, xã Gia Phương, một trong những hộ áp dụng giải pháp này vào sản xuất của gia đình chia sẻ: Gia đình ông hoàn toàn chủ động về nguồn nước trong sản xuất, không bị phụ thuộc từ kênh mương của vùng nhất là vào mùa khô hoặc khi một vài hộ trong vùng bị dịch bệnh. Đặc biệt không bị ảnh hưởng của hoạt động phun thuốc trừ sâu hoặc thuốc BVTV của bà con trồng lúa xung quanh.
Tuy nhiên, để có kết quả này, bản thân ông đã phải mất rất nhiều thời gian tìm tòi học hỏi và được sự hướng dẫn nhiệt tình từ cán bộ kỹ thuật của Chi cục Thủy sản trong việc sử dụng và nuôi cấy các chủng vi sinh vật vào ao xử lý nước của gia đình. Hai năm trở lại đây, nhờ áp dụng kỹ thuật mới này vào quản lý nước ao nuôi, hầu như các ao nuôi của gia đình không bị mắc các bệnh dịch do môi trường nước bị ô nhiễm gây ra, cá phát triển nhanh, năng suất tăng 1,5 lần.
Giải pháp kỹ thuật xử lý nước ao nuôi mới được đưa vào áp dụng đã thực sự góp phần giúp các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện Gia Viễn chủ động trong sản xuất; tiết kiệm nguồn nước; kìm hãm, hạn chế mầm bệnh phát triển; ổn đinh môi trường vùng nuôi. Giải pháp này đang được áp dụng ở nhiều hộ sản xuất đã tạo ra nguồn thủy sản sạch bệnh, giúp tăng giá trị chất lượng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu của thị trường về sản phẩm “sạch”, phù hợp với điều kiện nuôi thủy sản của người dân nội đồng.
Bài, ảnh: Trường Sinh
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.