Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 13/09/2019
Ngày cập nhật:
16/9/2019
Với lợi thế có diện tích sâu trũng ven đê sông Vạc, xã Khánh Thượng (huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình) đã quy hoạch vùng nuôi thủy sản tập trung và vận động nhân dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mở rộng sản xuất các con nuôi thủy sản có giá trị trên cơ sở nắm bắt nhu cầu và quy luật của thị trường.
Mô hình nuôi cá trên ao nổi của gia đình ông Vũ Văn Thắng, xã Khánh Thượng (Yên Mô).
Tới thăm mô hình nuôi cá trên ao nổi của gia đình ông Vũ Văn Thắng, thôn Thắng Động, xã Khánh Thượng, chúng tôi khá ấn tượng với quy mô và mức đầu tư cho mô hình. Trên diện tích hơn 5 mẫu mặt nước, ông Thắng quy hoạch thành 3 ao nuôi với bờ ao được kiên cố hoàn toàn bằng bê tông. Ngoài quạt khí, ông còn đầu tư máy cho cá ăn, máy bơm công suất lớn và cần cẩu thu hoạch cá.
Ông Thắng cho biết: Toàn bộ diện tích ao nuôi này trước đây được cấy lúa nhưng kém hiệu quả. Nhận thấy điều kiện tự nhiên ở đây phù hợp cho phát triển thủy sản, cách đây 3 năm ông bàn với gia đình mạnh dạn đầu tư chuyển đổi sản xuất sang nuôi cá trên ao nổi. Mô hình đang phát huy hiệu quả tốt với các loại cá: trắm đen, trắm trắng, chép, mè...
Hiện nay, 3 ao được bố trí nuôi theo quy trình khép kín, tức là cá giống loại nhỏ bằng ngón tay được ương nuôi riêng, khi đạt trọng lượng từ 5 lạng đến 1 kg sẽ được chuyển sang ao nuôi thịt. Mỗi năm ao nuôi cá thịt quay vòng 3 lứa, mỗi lứa xuất bán ra thị trường từ 12-17 tấn cá.
Như vậy, một năm gia đình ông Thắng xuất bán trên 40 tấn với trọng lượng cá đạt từ 3-5kg/con, sau khi trừ chi phí cho lãi từ 400-500 triệu đồng. “Nuôi cá trên ao nổi có rất nhiều ưu điểm và lợi thế, chỉ cần đào sâu từ 30-50cm, sau đó lấy lớp đất màu đắp thành bờ cao từ 1,5-2m, chi phí bằng 1/3 so với đào ao chìm.
Hơn nữa do mặt nước thông thoáng đón được nhiều gió và ánh sáng mặt trời, thoát khí tốt nên lượng mùn và bã phân hủy nhanh, lượng lắng đáy ít, môi trường nước ít ô nhiễm, cá lớn nhanh hơn. Mặt khác, ao nổi thay nước đáy dễ dàng hơn, thuận lợi khi thu hoạch và cải tạo trước khi vào vụ nuôi mới”. - Ông Thắng chia sẻ.
Cũng xây dựng mô hình nuôi thủy sản ven đê, gia đình ông Vũ Bá Bình, thôn Thắng Động đang sở hữu hơn 1 ha ao nuôi cá theo hình thức bán thâm canh. Cách đây hơn chục năm, gia đình ông Bình đấu thầu đất ven đê của xã để nuôi cáy và tận dụng con nước thu rươi. Tuy nhiên nguồn thu này không ổn định, do tình trạng ô nhiễm môi trường nên lượng rươi giảm rõ rệt, có vụ gần như không có.
Do vậy, 2 năm trở lại đây, gia đình ông đã chuyển hướng sang nuôi thủy sản, chủ yếu là các con nuôi truyền thống. Mỗi năm nuôi 2 vụ cá, mỗi vụ thu 10 tấn, trừ chi phí ông có lãi 100 triệu đồng/vụ. Nhờ chuyển đổi mô hình sản xuất, gia đình ông đã có điều kiện đầu tư nâng cao chất lượng cuộc sống.
Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, ông Bình cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã có rất nhiều hộ đang chuyển hướng sang nuôi thủy sản ứng dụng công nghệ cao mang lại hiệu quả cao hơn so với phương pháp nuôi truyền thống. Do đó, tôi đang ấp ủ dự định chuyển đổi từ sản xuất thủy sản bán thâm canh sang nuôi cá trên ao nổi”.
Ông Ngô Xuân Hanh, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Thượng cho biết: Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Khánh Thượng đã quy hoạch các vùng sản xuất, trong đó có vùng nuôi thủy sản ven đê sông Vạc với diện tích hơn 40 ha. Đến nay, nhân dân trong xã đã phát triển hơn 23 ha thủy sản, trong đó 7 ha nuôi cá trong ao nổi, 16 ha lúa - cá.
Ngoài mở rộng quy mô sản xuất, nhân dân trong xã còn tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao chất lượng, năng suất của con nuôi. Nhìn chung, các mô hình nuôi thủy sản đang phát huy tốt lợi thế về đất đai, cho giá trị cao, nhất là những diện tích chuyển đổi sang mô hình ao nổi. Mỗi năm nhân dân có thể nuôi 3 lứa cá thương phẩm và doanh thu ước đạt trên 230 triệu đồng/ha.
Trên cơ sở các hộ nuôi thủy sản, xã đã thành lập Tổ hợp tác thủy sản với 17 thành viên tham gia. Các thành viên trong Tổ luôn tương trợ, giúp nhau về công đoạn thu hoạch cá, về kỹ thuật thả và chăm sóc cá, cùng nhau đăng ký mua cám tập thể. Việc đẩy mạnh nuôi thủy sản đã góp phần phát triển kinh tế của địa phương, nâng giá trị thu nhập bình quân đạt 115 triệu đồng/ha canh tác; thu nhập bình quân đầu người toàn xã đạt 39 triệu đồng/năm. Đây cũng là một trong những động lực quan trọng giúp xã hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới và về đích vào cuối năm nay.
Trong thời gian tới, khi thực hiện điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới, xã Khánh Thượng sẽ bổ sung 10 ha diện tích sâu trũng để nuôi thủy sản. Khuyến khích nhân dân mở rộng sản xuất khi tín hiệu thị trường cho phép, tránh trường hợp sản xuất tràn lan, cung nhiều hơn cầu.
Địa phương đã giao Hội Nông dân xã tổ chức các buổi tham quan học hỏi kinh nghiệm mô hình phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh để nhân dân áp dụng và tổ chức ký kết mua nguồn cám đảm bảo cung ứng cho bà con. Mặt khác, xã cũng tiếp tục tạo mọi điều kiện thuận lợi về thủ tục, hồ sơ, đất đai; phối hợp với các ngành liên quan tập huấn kỹ thuật, đồng thời kêu gọi các dự án hỗ trợ về giống, thức ăn cho cá..., giúp bà con nông dân đẩy mạnh sản xuất, nâng cao thu nhập.
Bài, ảnh: Giáng Hương
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.