Nguồn tin: Báo Phú Thọ, 27/01/2019
Ngày cập nhật:
28/1/2019
Ông Bùi Văn Chữ - Trưởng làng nghề cá chép đỏ Thủy Trầm kiểm tra chất lượng cá chép đỏ để chuẩn bị đến mùa thu hoạch, xuất bán ra thị trường.
Trong tâm thức người Việt, “cá vượt vũ môn” hay “cá chép hóa rồng” mang biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí đi tới thành công. Bởi vậy, phóng sinh cá chép ngày Tết ông Công ông Táo ngày 23 tháng Chạp từ lâu đã trở thành nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc ta.
Kế thừa truyền thống văn hóa tâm linh của dân tộc, người dân xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê (tỉnh Phú Thọ) như có “lộc” với nghề nuôi cá chép. Và nghề này cũng được xuất phát từ sự tích riêng của địa phương…
Ông Bùi Văn Chữ sinh ra và lớn lên gắn bó với vùng quê Tuy Lộc, năm nay đã bước sang tuổi 68 nhưng trong tiềm thức của ông vẫn còn nguyên vẹn những “tích chuyện” cá chép đỏ - “linh vật” không chỉ thể hiện văn hóa tâm linh mà còn giúp nhiều gia đình trong làng xóa đói giảm nghèo. Vừa nhấp chén trà thơm, ông Chữ vừa kể về sự tích “làng cá chép Thủy Trầm”…
Lứa cá chép đỏ Thủy Trầm chuẩn bị thu hoạch, xuất bán vào dịp 23 tháng Chạp năm nay.
Vào những năm 60, hàng năm cứ vào mùa hè tháng 5, tháng 6 khi nước sông Hồng lên to, người dân Tuy Lộc quê ông lại mang dụng cụ ra sông đo bột cá tự nhiên như: Cá trắm, trôi, chép, mè, măng… mang về thả ao nhà ương nuôi thành cá giống. Vô tình trong số những loài cá mang về ương nuôi, người dân phát hiện có một loài cá rất khác biệt, càng nuôi lớn cá càng có màu sắc đỏ, ánh vàng toàn thân hoặc pha chút chấm đen rất đẹp. Thấy vậy, người dân giữ lại nuôi làm cá cảnh và ngày càng sinh sôi nảy nở nhiều. Thấy loài cá đẹp, thay vì “sắm sửa” phương tiện cho ông Táo về trời bằng loài cá chép ta, người dân đã chọn cá chép đỏ “hóa rồng” để tiễn ông Công ông Táo về trời. Từ đó, nhiều người ở Tuy Lộc đã nuôi cá chép đỏ thành cá bố mẹ, cho đẻ trứng, nuôi thành cá bột, cá hương, cá cân đem bán. Dần dần, do nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng cao, nuôi cá chép đỏ đã trở thành nghề ở Tuy Lộc giúp dân xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống. Năm 2011, tỉnh đã chính thức công nhận Làng nghề cá chép Thủy Trầm cấp tỉnh và ông Chữ được tín nhiệm làm trưởng làng nghề. Với sản phẩm cá chất lượng, đặc sắc, mẫu mã đẹp, cá chép đỏ của làng Thủy Trầm đã thu hút được thị trường tiêu thụ và tạo được thương hiệu không chỉ trong tỉnh mà còn nhiều tỉnh lân cận biết đến.
Làng Thủy Trầm hiện nay có 500 hộ thì có hơn 350 hộ trực tiếp sản xuất, kinh doanh cá chép đỏ, với tổng diện tích hơn 30ha, sử dụng trên 1.200 lao động tại chỗ. Doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trung bình mỗi năm đạt khoảng 80 tỷ đồng, thu nhập bình quân của các hộ gia đình đạt khoảng 25 triệu đồng/người/năm.
Dù năm nay đã gần 70 tuổi, nhưng bà Trần Thị Chức, thôn Thủy Trầm vẫn hàng ngày ra thăm cá, cho cá ăn như một thói quen đã gắn bó nhiều đời nay.
Cá chép đỏ có chu kỳ sinh trưởng từ 3-5 tháng, mỗi năm chỉ sản xuất một vụ cung cấp vào dịp 23 tháng Chạp cuối năm. Theo những người dân trực tiếp sản xuất, cá chép đỏ dễ nuôi, ít dịch bệnh, kỹ thuật chăm sóc cũng như nguồn thức ăn cho cá cũng giản đơn, cá chỉ cần ăn cám, bèo tấm, củ quả nghiền bột. Cá giống được cung cấp bởi một số hộ trong làng nên đảm bảo chất lượng. Cách đong đếm tính số lượng cá giống của người dân cũng khá phong phú, thời xưa người dân đong bằng đấu, xúc bằng bát, đến nay đa số họ dùng cách cân. Mỗi lạng cá giống khoảng 300 con, nuôi cho đến lúc bán mỗi kg được 50-80 con là vừa thị hiếu người tiêu dùng.
Hiện nay, cá chép đỏ Thủy Trầm đã đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng ở nhiều tỉnh trên cả nước. Nghề nuôi cá chép đỏ đã tạo việc làm cho đa số lao động tại địa phương, mang lại thu nhập ổn định cho nhiều gia đình, góp phần tích cực phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, để phát triển sản phẩm cá chép đỏ Thủy Trầm trở thành thương hiệu mạnh của tỉnh thì cần có những giải pháp hỗ trợ đồng bộ từ khâu quản lý đầu vào cho tới thị trường đầu ra cho sản phẩm, tỉnh đã xây dựng, thực hiện dự án “Tạo lập, quản lý, phát triển nhãn hiệu tập thể cá chép đỏ Thủy Trầm, xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê”. Sau gần 2 năm thực hiện, đến nay, cá chép đỏ Thủy Trầm đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) chứng nhận bảo hộ độc quyền nhãn hiệu của sản phẩm trên thị trường, tạo cơ hội để làng nghề tiếp tục phát triển bền vững.
Một năm mới đang đến gần, không khí những ngày cuối năm chuẩn bị đón Tết đang tràn ngập trên khắp các con phố, đường quê. Trong tâm thức của mỗi người Việt, ngày 23 tháng Chạp được coi như “sự kiện” mở đầu cho chuỗi các hoạt động tâm linh của mỗi gia đình khi Tết đến, xuân về. Và… cá chép Thủy Trầm lại có mặt ở muôn nơi với ý nghĩa “phương tiện” tiễn đưa ông Công ông Táo về trời, thể hiện nét đẹp văn hóa tâm linh của người Việt đã có từ ngàn đời, cầu mong sự may mắn, thịnh vượng trong một năm mới.
Huyền Nga
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.