• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Hướng đi mới cho nghề nuôi tôm

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 22/09/2019
Ngày cập nhật: 24/9/2019

Sau nhiều năm triển khai, đến nay, mô hình nuôi tôm an toàn sinh học ứng dụng công nghệ biofloc, semi biofloc tại trang trại của gia đình ông Lê Minh Chính (xã Ninh Phú, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đã mang lại hiệu quả cao. Mô hình này đang được nông dân nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh ứng dụng vào sản xuất.

Hiệu quả cao

Sau nhiều lần thất bại với con tôm thẻ chân trắng, được sự hỗ trợ của Dự án ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD), Trung tâm Khuyến nông tỉnh, năm 2013, ông Lê Minh Chính đã tiếp cận với nuôi tôm an toàn sinh học theo công nghệ biofloc. Cùng với sự hỗ trợ của các nhà khoa học, ông Chính đã thành công với công nghệ nuôi này, thậm chí ông còn phát triển quy trình nuôi tôm an toàn sinh học theo công nghệ semi biofloc (sử dụng 30% vi tảo trong ao nuôi để cân bằng môi trường nước) và quy trình nuôi tôm 3 giai đoạn áp dụng công nghệ biofloc và semi biofloc. Từ vài nghìn mét vuông nuôi thử nghiệm ban đầu, đến nay, gia đình ông Chính đã phát triển nuôi tôm an toàn sinh học lên 3ha.

Ao nuôi tôm thương phẩm an toàn sinh học tại trang trại của gia đình ông Lê Minh Chính.

Ông Chính chia sẻ: “Hiện nay, trang trại nuôi tôm an toàn sinh học của gia đình tôi đang áp dụng quy trình nuôi 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 và 2 chủ yếu là ương nuôi giống áp dụng công nghệ biofloc, giai đoạn 3 là nuôi thương phẩm áp dụng công nghệ semi biofloc. Quy trình này sẽ rút ngắn thời gian nuôi còn 90 ngày, ao nuôi được sử dụng để nuôi liên tục, do đó 1 năm có thể nuôi được 7 - 8 vụ, thay vì nuôi khoảng 3 vụ như cách nuôi truyền thống. Ngoài ra, tôm cũng rất ít hao hụt trong quá trình nuôi”. Theo ông Chính, để đảm bảo nuôi tôm an toàn sinh học theo 3 giai đoạn mà ông đang áp dụng, người nuôi cần đầu tư 1 ao xử lý nước, 1 ao lắng chứa chất thải và hệ thống các ao nuôi gồm: 1 bể ương đứng khoảng 200m3 nước để nuôi 50 vạn con tôm giống, sau khoảng 20 ngày thì bắt đầu đưa sang ương tiếp ở ao nuôi 700m3, tiếp tục khoảng 30 ngày nuôi mới chuyển sang nuôi thương phẩm trên ao đất lót bạt khoảng 1.600m3. Trong vòng 90 ngày, tôm sẽ thu hoạch được 1 đợt, sản lượng đạt 6 - 7 tấn; việc ương giống, nuôi vỗ được gối đầu liên tục.

Theo lãnh đạo UBND xã Ninh Phú, qua một thời gian triển khai, đến nay, mô hình nuôi tôm an toàn sinh học theo công nghệ biofloc, semi biofloc đã mang lại hiệu quả rất cao. Hiện nay, trên địa bàn có nhiều hộ áp dụng công nghệ nuôi này. Từ vài nghìn mét vuông nuôi ban đầu, đến nay, diện tích nuôi trên toàn xã đã tăng lên 10ha. Về năng suất, các hộ nuôi theo cách truyền thống chỉ đạt 4 - 5 tấn/ha/vụ, các hộ áp dụng công nghệ biofloc năng suất trung bình đạt hơn 20 tấn/ha/vụ; có những hộ nắm vững quy trình nuôi, năng suất lên đến 50 tấn/ha/vụ.

Ngoài ra, việc áp dụng quy trình công nghệ nuôi tôm an toàn sinh học còn góp phần làm thay đổi tập quán nuôi tôm lâu nay của người dân, từ lạc hậu, nhỏ lẻ sang quy mô, hiện đại hơn. Người nuôi cũng chủ động kiểm soát được các yếu tố môi trường, nguồn nước, quy trình nuôi, chất thải, không sử dụng kháng sinh… Nhờ đó, tôm rất ít bị bệnh, năng suất, chất lượng tôm thương phẩm cao hơn hẳn so với nuôi tôm truyền thống.

Nhân rộng mô hình

Từ hiệu quả của mô hình nuôi tôm theo công nghệ biofloc, UBND xã Ninh Phú đang vận động nông dân trên địa bàn chuyển đổi sang nuôi theo công nghệ này. Địa phương cũng đã thành lập hợp tác xã nuôi tôm an toàn sinh học để kết nối nhân rộng mô hình, ổn định đầu ra cho người nuôi.

Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 2.000ha nuôi tôm thương phẩm, trong đó có hơn 75% nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy diện tích nuôi lớn nhưng những năm qua, người nuôi tôm luôn đối diện với nhiều thách thức từ ô nhiễm môi trường, dịch bệnh, nông dân ở nhiều vùng nuôi rơi vào cảnh thiệt hại nặng. Do vậy, hiệu quả từ mô hình nuôi tôm an toàn sinh học theo công nghệ biofloc được xem là giải pháp hữu hiệu, cần nhân rộng để phát triển bền vững nghề nuôi tôm thương phẩm trên địa bàn. Một vấn đề cần quan tâm là để áp dụng quy trình nuôi 3 giai đoạn theo công nghệ biofloc và semi biofloc, người nuôi cần vốn đầu tư khá lớn, khoảng 1 tỷ đồng/ha, đây không phải là con số nhỏ đối với nhiều nông dân hiện nay. Ngoài ra, người nuôi cần chú trọng các yếu tố đầu vào như: Con giống, thức ăn, chăm sóc, đầu tư ao nuôi…

Ông Huỳnh Kim Khánh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết: “Nuôi tôm an toàn sinh học theo công nghệ biofloc, semi biofloc sẽ là hướng đi mới cho nghề nuôi tôm của địa phương. Từ hiệu quả của mô hình gia đình ông Chính đang áp dụng, chúng tôi sẽ lấy làm hạt nhân để nhân rộng, giới thiệu ra toàn tỉnh. Không chỉ vậy, hiện nay, nông dân các tỉnh miền Tây Nam bộ, Bà Rịa - Vũng Tàu… cũng đã tìm đến để học tập, áp dụng”.

Để nhân rộng mô hình này, gia đình ông Chính còn đầu tư trại thực nghiệm nuôi tôm an toàn sinh học, quy mô 1ha tại thôn Hang Dơi để hỗ trợ việc tham quan, học tập quy trình nuôi của các hộ nuôi trong và ngoài tỉnh. Đây cũng là nơi ông Chính dự kiến sẽ phục vụ cho việc thực tập của sinh viên theo học ngành nuôi trồng thủy sản trên địa bàn.

HẢI LĂNG

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang