Nguồn tin: Báo Bình Thuận, 09/10/2019
Ngày cập nhật:
11/10/2019
Gió bấc bắt đầu thổi, vụ cá nam chuẩn bị kết thúc trong không khí có phần ảm đạm. Chưa bao giờ các cảng cá, làng chài trong tỉnh Bình Thuận lại đìu hiu như thời điểm này. Mùa làm ăn được nhất trong năm lại thất bát, nhiều tàu thuyền chẳng buồn ra khơi nữa vì hầu như chuyến biển nào cũng từ hòa đến lỗ vốn.
Đang ngồi vá lại lưới sau hơn 1 tháng lênh đênh trên biển trở về, ngư dân Trần Văn Hào (phường Hưng Long, Phan Thiết) thở dài khi nghe tôi hỏi vụ cá nam năm nay: “Nếu những năm trước, những nghề khác thất bát thì cá cơm vẫn phải được mùa nhất. Nhưng năm nay, nhiều ghe thuyền đánh bắt cá cơm toàn nằm bờ, chả hiểu cá lặn đâu mất tăm. Ghe nhà tôi đi mành chà suốt 2 tháng trời toàn lỗ phí tổn, bạn thuyền bỏ lên bờ đi kiếm ăn hết rồi”. Theo anh Hào, những năm trước, mỗi chuyến biển vươn khơi tàu anh thu về 4 – 5 tấn cá các loại, nhưng vài năm trở lại đây, thu về vài tạ cá là còn may. Không riêng gì anh Hào, mà nhiều ngư dân khác cũng đang trong tình trạng muốn bỏ biển vì mùa cá nam năm nay nguồn thủy sản vô cùng khan hiếm. Anh Tính – một ngư dân khác ở phường Phú Hài than thở: “Người ta thường bảo “đi biển có năm, nuôi tằm có lứa”, nhưng vài năm trở lại đây, năm nào tàu thuyền của gia đình cũng lỗ, chắc phải làm gì thêm mới đủ ăn”.
Biển ngày càng cạn kiệt, chi phí cho chuyến biển lại tăng cao, nên nhiều ghe thuyền không mạnh dạn ra khơi đành cho tàu nằm bờ. Nhưng càng nằm bờ, thì bạn thuyền sẽ đi nơi khác tìm kế sinh nhai, cứ thế luẩn quẩn, chồng chất khó khăn. Theo kinh nghiệm của nhiều ngư dân tại cảng cá Cồn Chà, những ngày qua, vài ghe thuyền vào cảng bốc đá, nhu yếu phẩm ra khơi là vì họ hy vọng chuyến biển cuối vụ nam sẽ cho lộc bù lại những lỗ phí tổn vừa qua. Phó Chủ tịch UBND phường Phú Hài cho biết: “Năm nay ngư dân gặp nhiều khó khăn do thời tiết từ đầu vụ cá nam không thuận lợi. Hơn nữa ngư trường đang cạn kiệt, nhiều nơi đánh bắt kiểu tận diệt nên cá, tôm ngày càng khan hiếm. Đây là thời điểm cá cơm nhiều nhất trong năm, năm nay cũng chả thấy đâu. Chính vì thế, mà nhiều công ty, xí nghiệp sản xuất nước mắm trong tỉnh không đủ nguyên liệu để chượp, đành phải mua cá cơm từ những tỉnh, thành khác với giá cao hơn”.
Theo ngành chức năng, ngư dân địa phương còn gặp khó khăn về nguồn vốn để sửa chữa, mua công cụ đi biển và đóng mới tàu thuyền công suất lớn nên phần nào đã hạn chế khả năng khai thác. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi phương thức đánh bắt thủy, hải sản của ngư dân còn chậm, do vậy việc đánh bắt xa bờ hạn chế, nhất là trong tình hình khó khăn như hiện nay. Hơn nữa, việc thiếu lao động biển cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng góp phần cho chuyến biển thành công hay thất bại.
Thời gian qua, UBND tỉnh đã triển khai nhiều chương trình cho ngư dân vay vốn theo chính sách ưu đãi của Chính phủ, đóng mới tàu lớn vươn khơi, thành lập các “Tổ ngư dân tự quản”, “Tổ đoàn kết khai thác hải sản” nhằm liên kết, hỗ trợ phòng chống tai nạn; giúp ngư dân tiết kiệm nhiên liệu, đánh bắt hiệu quả và nhất là cùng nhau giám sát để ngăn chặn việc sử dụng thuốc nổ đánh bắt hải sản. Do đó, ngư dân cần phát huy thế mạnh của các tổ đoàn kết này, thay đổi suy nghĩ, cách làm thì mới mong biển không “bạc” mình.
M.Vân
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.