Nguồn tin: Nhân Dân, 11/10/2019
Ngày cập nhật:
13/10/2019
Từ đầu tháng 10 đến nay, người dân nuôi cá bớp trong lồng bè tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Ninh Thuận) ngày càng lo lắng trước tình trạng cá bỏ ăn và chết ngày càng tăng nhưng không rõ nguyên nhân, khiến nhiều hộ nuôi đang đứng trước nguy cơ trắng tay.
Vịnh Vĩnh Hy, một trong những vịnh đẹp nhất của Việt Nam, tỉnh Ninh Thuận đang triển khai phát triển nơi này thành khu du lịch đẳng cấp của quốc gia và khu vực.
Tại buổi làm việc với phóng viên báo Nhân Dân điện tử sáng 11-10, lãnh đạo xã Vĩnh Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hải Đăng xác nhận, từ ngày 5-10 đến thời điểm này, có tình trạng cá bớp đang nuôi được sáu tháng tuổi tại vùng vịnh Vĩnh Hy có trọng lượng từ 2-3 kg bị bệnh, khiến cá bỏ ăn, dẫn đến sụt cân và chết, không rõ nguyên nhân.
Khi nhận được thông tin từ nhiều hộ nuôi, xã đã có báo cáo về huyện và các cơ quan chức năng để có biện pháp ngăn chặn bệnh lây lan. Ngày 9-10, Chi cục Thủy sản (Sở Nông ngiệp và Phát triển nông thôn) có đoàn công tác đến xã kiểm tra việc quy hoạch vùng nuôi thủy hải sản gắn với phát triển du lịch, xã đã báo cáo thực trạng, đoàn công tác hẹn sẽ cử cán bộ kỹ thuật đến tận nơi để hỗ trợ người nuôi xử lý.
Theo nhận định ban đầu của đoàn công tác Chi cục Thủy sản, việc nuôi cá bớp có những điều kiện riêng, nhưng người nuôi không nằm vững kỹ thuật chăm sóc và môi trường nước, nên dễ dẫn đến hệ lụy. Khi nhiệt độ nước biển đạt từ 25 độ C trở xuống, bản thân cá bớp sẽ tiết ra chất nhờn, và ở môi trường nước như vậy, chất nhờn sẽ sản sinh ra một loại vi khuẩn nhanh chóng tiếp cận, vây bám vào thân, miệng của cá để gây lở loét miệng, khiến cá khó ăn thức ăn, dần bỏ ăn, sụt trọng lượng và chết.
Cùng với đó là việc vệ sinh môi trường nuôi của các chủ bè lồng nuôi không bảo đảm sạch sẽ, thường là bỏ qua việc dọn sạch thức ăn sau khi cho cá ăn trong lồng mỗi ngày, nên lượng thức ăn thừa từ lồng nuôi chìm xuống nước, gặp nhiệt độ không ổn định đã nổi trào lên lại lồng, làm cho vi khuẩn gây bệnh có điều kiện phát triển mạnh hơn và gây hại nhiều hơn cho cá.
Vài năm gần đây, vịnh Vĩnh Hy thu hút nhiều du khách đến tham quan trong khi công tác bảo vệ môi trường chưa đạt như mong muốn, thêm vào đó số lượng người nuôi cá bớp lồng bè tăng rất nhanh, khiến môi trường nuôi ngày càng xấu hơn.
Nhiều hộ nuôi cá bớp ở Vĩnh Hy cho biết, nghề nuôi bắt đầu từ năm 2010, từ lúc thả con giống nuôi đến khi thu hoạch là 12 tháng, cá đạt trọng lượng ít nhất là 5kg/con thì mới xuất bán. Nhưng hiện tại, cá chỉ nặng từ 1,5-2kg, thương lái không muốn thu mua, nếu có thì ép giá thu mua dưới 100 nghìn đồng/kg (giảm hơn 50 nghìn đồng/kg so với nhiều mùa vụ trước đó), nên người nuôi cầm chắc thua lỗ.
Một số lồng bè nuôi cá bớp bị chết chưa rõ nguyên nhân của người dân tại vịnh Vĩnh Hy.
Hiện tại, nhiều lồng bè nuôi gần bờ vịnh Vĩnh Hy bị phát bệnh nhanh, vì nơi này nhiệt độ nước dưới 25 độ C và môi trường nước không sạch như phía ngoài xa vịnh. Dấu hiệu phát sinh bệnh là cá bớp bỏ ăn, nổi lên mặt nước, trên da, mép, miệng cá nổi đốm trắng như bị lở loét và chết lác đác ngày càng tăng. Có hộ cá chết gần 40% số lồng nuôi.
Ông Nguyễn Thành Bình ở thôn Vĩnh Hy thả nuôi 32 lồng, cho biết, chi phí đầu tư khoảng 100 triệu đồng/lồng/năm, nếu ổn định, mỗi năm xuất bán, thu lãi vài trăm triệu đồng/lồng. Nay cá còn nhỏ và chết không rõ nguyên nhân, nên rất khó bán, nếu kéo dài bệnh lây lan, xem như trắng tay.
Trong số 78 hộ thả nuôi, ít nhất là 2 lồng/hộ và nhiều nhất là các hộ Đinh Văn Cường (21 lồng); Nguyễn Văn Thành (20 lồng); Đinh Hồng Lai (30 lồng)… tổng mức đầu tư hàng tỷ đồng, nhưng gặp tình trạng này, bà con đang rất điêu đứng, một số hộ phải xẻ thịt cá để phơi khô, hoặc bỏ….
Ông Nguyễn Hải Đăng cho biết thêm, theo quy hoạch của tỉnh trước đây, vùng này chỉ đáp ứng cho khoảng 30 hộ nuôi/hơn 3 ha mặt nước, tuy nhiên đến nay đã tăng lên 78 hộ nuôi với 527 lồng nuôi. Mật độ lồng bè dày cộng với việc chăm sóc không bảo đảm kỹ thuật, và thời điểm từ tháng 10 đến tháng 12 hàng năm là mùa mưa lũ, nước từ thượng nguồn đổ về, khiến độ pH của nước không ổn định, nhiệt độ nước biển không bảo đảm, nên dẫn đến hệ lụy nói trên.
Chiều ngày 11-10, trao đổi qua điện thoại, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Ninh Thuận Đặng Văn Tín cho biết, đơn vị đã cử cán bộ kỹ thuật xuống tận vùng nuôi, qua khảo sát nhận thấy, nơi này thả nuôi quá nhiều lồng, trong khi đó nguồn nước lưu thông rất hạn chế (vì nằm gần bờ vịnh); bà con lại cho cá bớp ăn thức ăn sống, nhưng không dọn vệ sinh bảo đảm, nên khiến môi trường nước bị ảnh hưởng tiêu cực, dẫn đến nảy sinh mầm bệnh gây hại cho cá.
Chi cục Thủy sản tỉnh đã lấy mẫu phân tích để làm rõ nguyên nhân, khi có kết quả sẽ phối hợp Chi cục Chăn nuôi và Thú y, chính quyền địa phương hướng dẫn người nuôi cách phòng bệnh và hỗ trợ kỹ thuật, giúp xã tổ chức lại nghề nuôi để tránh thiệt hại.
Cá bớp là loại thủy sản có giá trị kinh tế cao, nếu thuận lợi cho việc thả nuôi, sẽ đem lại nguồn thu nhập khá cho người nuôi. Trước tình trạng trên, tỉnh Ninh Thuận cần sớm chỉ đạo các cơ quan chức năng nhanh chóng xác định nguyên nhân, đồng thời triển khai các giải pháp để ngăn ngừa bệnh lây lan, giảm thiệt hại cho người nuôi, vì thời gian cho thu hoạch đúng mùa vụ còn kéo dài đến quý I năm 2020.
Về lâu dài, Ninh Thuận cần quy hoạch cụ thể vùng nuôi, số lượng lồng nuôi… để bảo đảm môi trường, không ảnh hưởng đến phát triển du lịch tại vịnh Vĩnh Hy như mục tiêu mà tỉnh đã đề ra.
NGUYỄN TRUNG
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.