Nguồn tin: Báo Ninh Bình, 10/10/2019
Ngày cập nhật:
14/10/2019
Cùng với các loại con nuôi thủy sản vùng ven biển như tôm, cua, ghẹ..., hiện nay sản xuất hàu giống đang là một trong những thế mạnh, đem lại thu nhập cao, ổn định cho nhiều ngư dân vùng ven biển Kim Sơn (tỉnh Ninh Bình). Tuy nhiên, để nghề nuôi hàu giống phát triển rất cần có sự vào cuộc của các cơ quan quản lý nhà nước cũng như ngành Nông nghiệp nhằm sớm xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hàu giống Kim Sơn.
Sản xuất hàu giống tại hộ gia đình ông Đinh Hữu Ước, xã Kim Trung (Kim Sơn).
Gia đình anh Nguyễn Minh Lý, xóm 5, xã Cồn Thoi - một trong những hộ đầu tiên nuôi thả hàu, ngao giống. Anh Lý cho biết, anh bắt đầu nuôi tôm từ năm 1991, đến nay gia đình anh đã có gần 30 năm kinh nghiệm trong nghề nuôi thủy sản. Tuy nhiên, do chủ yếu nuôi quảng canh nên không ổn định, nhiều năm mất trắng. Cách đây 2 năm, qua tìm hiểu nhu cầu thị trường, anh Lý quyết định vay vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT chi nhánh Bình Minh 800 triệu đồng để đầu tư hệ thống bể lọc hiện đại, khu nuôi thả hàu, ngao giống...
Theo anh Nguyễn Minh Lý, việc sản xuất hàu, ngao giống cần đầu tư vốn lớn, kỹ thuật cao nên ít người làm. Để có được nguồn giống tốt phải đảm bảo hệ thống lọc nước, bể nuôi đúng tiêu chuẩn về độ mặn, môi trường và các khoáng chất cần thiết. Chính vì môi trường sản xuất an toàn nên việc tổn thất do chịu tác động của thiên nhiên, dịch bệnh giảm rất nhiều. Nếu tính toán đúng thời vụ, khả năng thu lãi cao, hiệu quả hơn nuôi trồng các loại thủy sản khác.
Ước tính, trung bình mỗi năm gia đình anh Lý có thể xuất từ 5-7 vụ với trên 5.000 chùm hàu giống và 3 nghìn chùm ngao giống cho thị trường các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng, Nghệ An... Ngay sau năm đầu tiên đi vào sản xuất, gia đình anh Lý đã thu lãi gần 700 triệu đồng. Dự tính trong thời gian tới anh tiếp tục áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tăng năng suất con giống trên cùng một diện tích và sẽ hướng dẫn những hộ dân có nhu cầu chuyển đổi mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất con giống như gia đình anh.
Hiện nay, các trang trại sản xuất hàu giống chủ yếu tập trung ở địa bàn xã Kim Trung và đặc biệt là khu phía Tây khu nuôi tôm công nghiệp xã Kim Trung. Chỉ tính riêng trên địa bàn xã Kim Trung có 39 hộ nuôi hàu, ngao kết hợp với diện tích trên 26ha, đem lại lợi nhuận trên 20 tỷ đồng trong năm 2018.
Đánh giá về hiệu quả của việc nuôi hàu giống và định hướng phát triển con nuôi đặc sản này trong thời gian tới, ông Vũ Trường Thu, Chủ tịch UBND xã Kim Trung cho biết: Kim Trung có địa hình phù hợp với nuôi hàu giống, hệ thống kênh mương được tu sửa thường xuyên, tạo điều kiện cấp nước cho các hệ thống nhà nuôi hàu.
Cùng với đó, UBND xã đã phối hợp với các đơn vị tư vấn, trình HĐND xã điều chỉnh quy hoạch xây dựng nông thôn mới, tạo điều kiện để nhân dân sản xuất hàu tập trung ven hệ thống kênh cấp I có diện tích khoảng 20ha, từ đó giúp bà con làm giàu từ nuôi hàu giống.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, từ năm 2016 trở lại đây, việc sản xuất hàu giống đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người sản xuất giống trên địa bàn. Chi phí sản xuất giống hàu chủ yếu trong khâu xây dựng cơ bản như nhà cho đẻ, bể ương nuôi ấu trùng, còn chi phí dành cho công lao động, chi phí hàu bố mẹ, thức ăn, hóa chất rất thấp, đầu ra sản phẩm ổn định.
Ông Phạm Văn Hải, Trạm trưởng Trạm thủy sản Kim Sơn - Yên Khánh cho biết: Trên địa bàn vùng nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ Kim Sơn hiện có 108 cơ sở sản xuất giống thủy sản nhuyễn thể, trong đó có 60 cơ sở sản xuất hàu giống, gần 40 cơ sở sản xuất ngao giống. Trong 9 tháng đầu năm nay, toàn huyện đã sản xuất được 1.425 triệu con. Có thể khẳng định, nuôi hàu giống là hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn nuôi tôm, cua biển, lại không ảnh hưởng nhiều đến môi trường.
Điều đáng nói là giống hàu ở Kim Sơn chất lượng tốt hơn hẳn ở các địa phương khác cũng như giống hàu nhập ngoại, thời gian sinh trưởng kéo dài hơn, sản lượng, năng suất cao hơn..., do vậy hiện giống hàu Kim Sơn có giá cao hơn và được ưa chuộng ở hầu hết các tỉnh như Quảng Ninh, Hải Phòng...
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Hải cũng đánh giá, hoạt động sinh sản nhân tạo giống ngao, hàu đang có chiều hướng mở rộng nhưng còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất giống như khó khăn về điều kiện môi trường, nguồn giống bố mẹ... dẫn đến tỷ lệ thành công chưa cao.
Cùng với đó, công tác quản lý sản xuất và dịch vụ giống còn nhiều hạn chế, các cơ sở dịch vụ giống thủy sản còn nhỏ lẻ, thiếu sự gắn kết, trách nhiệm với người nuôi. Việc đầu tư hạ tầng cơ sở chưa đồng bộ, hệ thống thuỷ lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản còn nhiều bất cập.
Do vậy, để nghề nuôi hàu giống phát triển bền vững, cũng rất cần sự quan tâm của các ngành chức năng trong việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ thuật sản xuất cho người dân. Sớm có quy hoạch vùng sản xuất thủy sản để người dân yên tâm đầu tư cơ sở vật chất, vay vốn mở rộng sản xuất.
UBND huyện Kim Sơn cũng đã chỉ đạo phòng chuyên môn và các địa phương khảo sát, nghiên cứu đánh giá những tác động về kinh tế, xã hội, môi trường từ chuyển đổi nuôi tôm công nghiệp sang sản xuất giống ngao, hàu.
Đối với Khu nuôi tôm công nghiệp Kim Trung, định hướng chuyển đổi từng phần thành hợp tác xã ngành hàng, từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ và xây dựng thương hiệu ngao, hàu giống vùng bãi bồi ven biển huyện Kim Sơn.
Bài, ảnh: Nguyễn Thơm
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.