Nguồn tin: Nhân Dân, 15/10/2019
Ngày cập nhật:
16/10/2019
Với lực lượng, phương tiện đánh bắt hùng hậu cùng hệ thống hồ, đập nuôi tập trung gắn phát triển trung tâm cung cấp giống thủy sản cho cả vùng, thủy sản đã, đang khẳng định là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An).
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao ở xã Quỳnh Thọ (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An).
Mũi nhọn đánh bắt
Huyện Quỳnh Lưu có bờ biển dài 19,5km với hai cửa lạch (lạch Quèn và lạch Thơi) và chín xã vùng biển, nơi ngư dân luôn đi đầu trong việc huy động các nguồn lực để đóng mới, cải hoán tàu, thay dần thuyền nhỏ để vươn khơi bám biển, đánh bắt hải sản có giá trị kinh tế cao.
Nghệ An là tỉnh đứng thứ ba cả nước về số tàu xa bờ đóng mới theo Nghị định 67/CP với 104 tàu thì huyện Quỳnh Lưu đã chiếm 50% số tàu. Theo Quyết định 87 của UBND tỉnh Nghệ An về hỗ trợ từ 150 đến 300 triệu đồng/tàu đóng mới có công suất từ 400 đến hơn 700CV, trong bốn năm qua, ngư dân Quỳnh Lưu đã đóng mới 133 tàu với tổng kinh phí hỗ trợ là 32,1 tỷ đồng. Đó là chưa kể việc hỗ trợ làm hầm PU, lắp máy dò ngang, máy thông tin liên lạc tầm xa,... từ các chính sách khác hỗ trợ ngư dân khai thác vùng biển xa.
Bên cạnh đó, huyện Quỳnh Lưu đã đề ra các nghị quyết, đề án phát triển mũi nhọn kinh tế thủy sản, trong đó phát triển đội tàu khai thác xa bờ đi đôi với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Điển hình như, nhiệm kỳ 2010-2015, Quỳnh Lưu có chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề từ vùng lộng ra vùng khơi; nhiệm kỳ 2015-2020, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông, lâm, thủy sản. Nhờ vậy, hằng năm, Quỳnh Lưu bình quân đóng mới khoảng 40 tàu công suất 400CV trở lên. Từ những tàu thuyền công suất nhỏ, chủ yếu hoạt động khai thác gần bờ, đến nay, toàn huyện đã có gần 700 tàu có công suất từ 90CV trở lên (chiếm gần 50% toàn tỉnh), công suất bình quân 270CV/tàu, tăng gấp ba lần so năm 2008. Trong số này có 175 tàu có chiều dài từ 24m trở lên trong 234 chiếc toàn tỉnh.
Cùng việc đóng mới tàu, nâng công suất máy vươn ra ngư trường xa hơn, hiện nay toàn bộ tàu khai thác xa bờ đều lắp đặt máy dò cá và máy thông tin tầm xa (ICOM). Có nhiều tàu đã đầu tư máy dò cá trị giá cả tỷ đồng. Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, Hoàng Văn Bộ khẳng định, việc lắp đặt các trang thiết bị hàng hải và khai thác hải sản xa bờ là một bước phát triển mới trong nghề khai thác hải sản không chỉ Quỳnh Lưu, điều mà cách đây khoảng chục năm về trước vẫn còn là mơ ước của ngư dân Nghệ An.
Ngoài ra, nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ khai thác hải sản khác cũng được ngư dân đầu tư bài bản, như: lắp đặt thiết bị quản lý lưới rê khi hoạt động trên biển; làm hầm bảo quản lạnh trên tàu cá bằng vật liệu PU; lắp dàn đèn Led; hệ thống tời lưới và tời cá từ hầm cá lên boong tàu, làm tăng sản lượng và chất lượng sản phẩm đánh bắt, giảm sức lao động, giảm thiểu tai nạn rủi ro trên biển; đồng thời, thời gian hoạt động của một chuyến biển rút ngắn, chi phí giảm đem lại hiệu quả kinh tế cao cho ngư dân.
Ông Bùi Thành Tâm ở xã Quỳnh Long, có tàu công suất 720CV, lắp đầy đủ các thiết bị hỗ trợ đánh bắt cá, phấn khởi cho biết: “Nhờ có thiết bị dò tìm cá và hỗ trợ đánh bắt hiện đại, hầu như các chuyến đi biển đều duy trì được sản lượng đánh bắt có hiệu quả. Đây chính là động lực để ngư dân chúng tôi nỗ lực liên kết theo hình thức liên gia, góp vốn đóng tàu to, công suất lớn và lắp các thiết bị hỗ trợ để nghề đánh bắt thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao”.
Nhờ đó, sản lượng thủy hải sản khai thác hằng năm ở Quỳnh Lưu đạt từ 60-65 nghìn tấn (chiếm gần 50% sản lượng khai thác hải sản toàn tỉnh), trung bình tăng 10-15%/năm. Chỉ tính riêng sáu tháng đầu năm 2019, sản lượng đánh bắt toàn huyện đạt gần 34 nghìn tấn, nhiều loại sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao.
Cùng đội tàu xa bờ, dịch vụ hậu cần nghề cá ở Quỳnh Lưu cũng được củng cố và phát triển, như: nâng cấp cảng cá lạch Quèn và lạch Thơi có tổng sức chứa 800 tàu xa bờ cùng nâng cấp cơ sở hạ tầng, khu neo đậu tránh trú bão và đầu tư các cơ sở tiêu thụ, chế biến hải sản; cung cấp dầu, nước đá; sửa chữa, đóng mới tàu thuyền...
Ngoài ra, địa phương cũng quan tâm hình thành và phát triển một số làng nghề chế biến hải sản, như: chế biến nước mắm ở xã An Hòa, chế biến mực khô ở xã Quỳnh Long, nghề sản xuất và gia công lưới vây ở xã Quỳnh Long. Xây dựng được thương hiệu nước mắm 559 Quỳnh Thọ và mực khô Quỳnh Lưu.
Phát triển nuôi trồng thủy sản
Giống tôm thẻ chân trắng và giống ngao đang tạo nên thương hiệu mạnh cho Quỳnh Lưu khi có nhiều doanh nghiệp và cá nhân đầu tư vào lĩnh vực này. Chúng tôi có dịp thăm trại sản xuất giống tôm thẻ chân trắng của Công ty TNHH Việt Úc Nghệ An tại xã Quỳnh Minh và trại ngao giống của ông Thái Bá Khang ở Quỳnh Thọ.
Tuy diện tích tại mỗi cơ sở chỉ dăm ba héc-ta nhưng chủ đầu tư đã khéo sắp xếp, triển khai đồng bộ các hạng mục từ bể lắng lọc nước biển, đến khu vực nuôi tôm, ngao bố mẹ, bể ương nuôi, khu vực chuẩn bị ấu trùng, khu vực nuôi thực nghiệm... Với quy mô đầu tư hàng chục tỷ đồng, hai trại giống này đã sản xuất từ một đến hai tỷ con giống/năm. Đây được xem là một trong những trại tôm và ngao giống lớn nhất khu vực miền bắc. Theo lãnh đạo Công ty TNHH Việt Úc Nghệ An, hiện đơn vị đang cung cấp toàn bộ giống tôm sạch bệnh và chất lượng cao cho Nghệ An và các tỉnh ở khu vực phía bắc, góp phần tích cực nâng cao năng suất, sản lượng và chất lượng tôm thương phẩm.
Đến nay, trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu có 10 cơ sở sản xuất giống thủy sản; trong đó, tám cơ sở sản xuất tôm kết hợp cua giống, hai cơ sở sản xuất ngao và cá giống. Với chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất giống thủy sản sạch bệnh. Nhiều công nghệ mới được áp dụng vào sản xuất giống, như: hệ thống lọc và khử trùng nước bằng tia cực tím, hệ thống nâng nhiệt... đã tạo ra đàn giống chất lượng cung cấp cho người nuôi.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu, Bùi Xuân Trúc cho biết, từ chỗ hoàn toàn phụ thuộc con giống từ các tỉnh khác, đến nay, nguồn giống về cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu người nuôi trong huyện và xuất ra một số tỉnh khác. Sản lượng tôm thẻ và tôm sú giống hằng năm khoảng 1,5 tỷ con; ngao giống khoảng 1,2 tỷ con; cua giống, 18 triệu con và cá giống, 36 triệu con. Quỳnh Lưu trở thành trung tâm sản xuất giống thủy sản của tỉnh Nghệ An với tổng giá trị sản xuất đạt hơn 78 tỷ đồng/năm; tăng bình quân 10-15%/năm; Đặc biệt, sau khi Công ty TNHH Việt Úc Nghệ An đầu tư sản xuất thì tăng hơn 400% giá trị so với trước.
Thời gian gần đây, được sự quan tâm, đầu tư của nhà nước về cơ sở hạ tầng cùng sự năng động của người dân trong việc tận dụng lợi thế vùng ven biển đang đưa nghề nuôi trồng thủy sản ở Quỳnh Lưu có sự phát triển vượt bậc về mọi mặt, đối tượng nuôi trồng ngày một đa dạng; diện tích, năng suất nuôi trồng không ngừng tăng lên qua các năm.
Từ những năm đầu nuôi tôm sú theo hình thức quảng canh, đến nay Quỳnh Lưu là huyện có diện tích nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng lớn nhất Nghệ An với 465ha được nuôi thành 2-3 vụ/năm, sản lượng hằng năm từ 2.800-3.000 tấn, năng suất đạt 3,5-4 tấn/ha.
Gần đây, người nuôi tôm trên địa bàn đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và mở rộng diện tích nuôi tôm theo hướng thâm canh, siêu thâm canh, như: mô hình nuôi tôm trong bể xi-măng, mô hình nuôi tôm hai giai đoạn, nuôi tôm Semi-Biofloc, nuôi tôm VietGAP. Toàn huyện có ba vùng nuôi tôm tại xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Bảng, Quỳnh Lương với diện tích 107ha được công nhận nuôi tôm an toàn VietGAP…
Bên cạnh đó, nuôi ngao bãi triều ở Quỳnh Lưu được bà con phát triển từ năm 2001, từ những vùng đất bãi bồi hoang hóa ven biển. Đến nay, huyện Quỳnh Lưu phát triển bãi nuôi ngao Bến Tre với diện tích hơn 140ha, sản lượng hằng năm đạt từ 3.000 - 3.300 tấn, năng suất 20 - 25 tấn/ha. Cùng với đó, người dân tận dụng diện tích tự nhiên sẵn có, đầu tư thỏa đáng cho việc nuôi thủy sản nước ngọt. Hiện,
Quỳnh Lưu đã phát triển được tổng diện tích 1.635ha, chủ yếu nuôi cá truyền thống trong ao hồ nhỏ, hồ nước thủy lợi và cá ruộng lúa; sản lượng mỗi năm khoảng 4.000-4.500 tấn, năng suất bình quân 2,5-3,0 tấn/ha.
Nhiều đối tượng nuôi mới và mô hình nuôi mới được áp dụng vào sản xuất, như: mô hình nuôi cá “Sông trong ao”, mô hình nuôi thâm canh cá rô phi Đường Nghiệp, nuôi cá rô phi Israel, cá chép V1, trắm giòn, chép giòn... đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người nuôi. Nhờ vậy, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 9 – 10 nghìn tấn/năm; giá trị đạt hơn 330 tỷ đồng/năm…
Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu, Hoàng Văn Bộ cho biết, Quỳnh Lưu tiếp tục định hướng phát triển toàn diện kinh tế thủy sản trên ba mũi: khai thác, nuôi trồng và sản xuất giống. Quỳnh Lưu tiếp tục tập trung ưu tiên đầu tư hạ tầng, như: nâng cấp hệ thống cửa lạch, xây dựng hệ thống cấp nước biển trực tiếp vào vùng nuôi tôm công nghiệp và dịch vụ hậu cần nghề cá, gắn khai thác với chế biến, bảo đảm ổn định đầu ra cho ngư dân.
Tiềm năng lợi thế đó trở thành sức hấp dẫn mới thu hút các nhà đầu tư, tạo ra những tiền đề, điều kiện để ngành kinh tế thủy sản huyện Quỳnh Lưu phát triển trong giai đoạn mới.
Tàu xa bờ của huyện Quỳnh Lưu cập cảng lạch Quèn tiêu thụ hải sản.
THÀNH CHÂU
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.