• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thêm thu nhập từ tận thu ốc đinh

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 18/10/2019
Ngày cập nhật: 20/10/2019

Khoảng 5 năm trở lại đây, khi thương lái thu mua ốc đinh để bán cho các chủ bè nuôi tôm hùm xanh, người dân tại các vùng đìa nuôi trồng thủy sản ở thị xã Ninh Hòa, huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa)… lại có thêm thu nhập từ việc tận thu loại ốc này.

Mới tờ mờ sáng, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hải (thôn Xuân Mỹ, xã Ninh Thọ, thị xã Ninh Hòa) đã chuẩn bị đồ nghề là chiếc cào tự chế, những chiếc bao để đựng ốc rồi ra những đìa nuôi ốc hương vừa mới thu hoạch xong để tận thu ốc đinh. “Trước đây, tôi làm công cho 1 trại nuôi ốc hương trong thôn. Vì ốc đinh cạnh tranh thức ăn với ốc hương nên hầu như ngày nào người làm cũng vệ sinh, dọn bỏ ốc đinh, thậm chí chủ đìa phải tìm cách diệt ốc đinh trong ao nuôi. Khoảng 5 năm trở lại đây, thương lái tìm mua ốc đinh, bao nhiêu họ cũng mua nên rất đông người dân trong thôn đi cào ốc để bán. Vợ chồng tôi cũng thu mua ốc đinh từ người đi khai thác để bán lại cho thương lái, mỗi ngày mua được khoảng 4 - 5 tấn ốc. Ở vùng đìa Ninh Thọ, Ninh Hải có 6 - 7 điểm thu mua ốc đinh tương tự gia đình tôi”, ông Hải kể.

Tìm hiểu được biết, việc tận thu ốc đinh chỉ thực hiện sau khi chủ đìa xuất bán hết ốc hương, tôm nuôi trong đìa để tránh xáo trộn nguồn nước. Với những người cào ốc ở ngoài mép biển, dọc theo các con mương dẫn nước vào đìa nuôi thủy sản thì họ tập trung cào ốc khi con nước xuống, bởi ốc nằm len lỏi trong cát bùn. Ở mỗi vùng đìa có hàng chục người đi khai thác ốc đinh. Người làm nghề này cũng rất vất vả khi phải dầm mình nhiều giờ liền trong nước lạnh, chân thường xuyên bị cắt bởi những vỏ hàu sắc nhọn…

Trước đây, khi giá ốc đinh còn thấp (khoảng 1.000 đồng/kg), cứ sau khi thu hoạch tôm, ốc xong, chủ đìa thường cho người quen đến cào ốc đinh để bán. Hiện nay, để tận thu, chủ đìa bán cho thương lái hoặc người đi khai thác ốc đinh bằng cách ăn chia, cứ 1 bao ốc chừng 50kg thu được, người khai thác trả cho chủ đìa 50.000 đồng. Nhờ giá ốc đinh hiện khá cao (khoảng 3.000 đồng/kg) nên người đi khai thác có lãi khá. 1 đìa nuôi ốc trung bình cào được khoảng 150 - 200 bao (khoảng 150.000 đồng/bao), thậm chí nhiều hơn. Những người khỏe mạnh, siêng làm có thể kiếm được tiền triệu mỗi ngày.

Sau khi khai thác, ốc đinh được đóng bao, bán cho các chủ bè nuôi tôm hùm xanh.

Ốc đinh cũng mang lại nguồn thu đáng kể đối với nhiều hộ nông dân ở các xã: Vạn Hưng, Vạn Lương, Vạn Long, Vạn Khánh và một số địa phương khác ven biển huyện Vạn Ninh. Bà Nguyễn Thị Sáu chuyên thu mua ốc đinh tại khu vực xã Vạn Long cho hay: “Trung bình mỗi ngày, tôi thu mua hơn 10 tấn ốc đinh từ người dân khu vực Tu Bông. Sau khi gom đủ số lượng, ốc sẽ được đưa vào Cam Ranh; tại đây, người kinh doanh thức ăn tôm hùm sẽ chia nhỏ ra từng bao 10kg để bán cho chủ bè nuôi tôm hùm với giá khoảng 6.000 - 7.000 đồng/kg. Ngoài ra, ốc đinh còn được bán cho các cơ sở chế biến thức ăn gia súc. Huyện Vạn Ninh có diện tích ao đìa lớn nên ốc đinh rất nhiều, vì vậy gần như ngày nào cũng có người đi khai thác, mang ốc đến bán, mỗi người 1 ngày cào được 3 - 4 bao ốc, thu nhập từ 450.000 - 600.000 đồng”.

Theo đại diện Chi cục Thủy sản, ốc đinh có thân dài, đuôi nhọn, thường sống ở vùng bãi bùn dọc theo mép biển. Ngoài ra, trong các đìa nuôi ốc hương, tôm thẻ chân trắng, loại ốc này cũng khá nhiều. Thời gian gần đây, phong trào nuôi tôm hùm xanh phát triển mạnh trên địa bàn tỉnh, nguồn ốc đinh tận thu trong các đìa nuôi thủy sản được bán cho các bè nuôi tôm hùm xanh để sử dụng trong giai đoạn tôm cần tăng cường canxi. Ngoài ra, nếu so với các loại thức ăn nuôi tôm hùm khác như cá tạp hiện có giá hơn 20.000 đồng/kg thì sử dụng ốc đinh với giá rẻ là lựa chọn của nhiều người nuôi tôm hùm xanh nhằm giảm bớt chi phí. Sau mỗi vụ nuôi, người dân có thể tận thu hàng trăm tấn ốc đinh trong ao đìa, đây là nguồn thu khá lớn cho nhiều hộ dân ven biển.

HẢI LĂNG

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang