Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 19/10/2019
Ngày cập nhật:
21/10/2019
Hằng năm, từ đầu tháng 7 cho đến cuối tháng 9 (âm lịch) là thời điểm cá nâu con xuất hiện nhiều trên sông Hiếu, đoạn chảy qua thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh và xã Triệu An, huyện Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị). Ngư dân hai bên bờ sông Hiếu bắt đầu rộn rịp chuẩn bị thuyền nhỏ, vợt xăm để ra sông đánh bắt cá nâu con về nuôi hoặc bán cho các hộ nuôi cá lồng thương phẩm trên sông.
Thuyền ngư dân ngược sông Hiếu để đánh bắt cá nâu con
Từ tờ mờ sáng, tôi theo chân anh Nguyễn Văn Khai ở thị trấn Cửa Việt mang theo vợt xăm, thùng xốp đựng nước sông rồi lên chiếc thuyền nhỏ di chuyển ra sông Hiếu bắt đầu đánh bắt cá nâu con. Anh Khai cho biết, nghề đánh bắt cá nâu con (cá nâu hay có tên gọi khác là cá dìa bông) về làm giống đã có từ lâu. Trước đây, ngư dân ở hai bên bờ sông Hiếu chỉ việc mang vợt xăm đi dọc bờ sông Hiếu là có thể vớt cá nâu con. Những năm gần đây, nhiều ngư dân dùng thuyền máy loại nhỏ để xuôi theo sông Hiếu đánh bắt cá. Đây chỉ là nghề phụ và mang tính chất thời vụ của một số ngư dân trên địa bàn xã Triệu An và thị trấn Cửa Việt. Cá nâu con đánh bắt được bán cho thương lái hoặc nếu hộ nào nuôi cá lồng bè thương phẩm trên sông thì thả trực tiếp vào nuôi.
“Thời gian tốt nhất để đánh bắt cá nâu con là từ 5 giờ đến 9 giờ sáng và từ 3 giờ đến 5 giờ chiều vì đây là khoảng thời gian dễ phát hiện đàn cá nâu con nhất. Lúc này, mặt nước trở nên yên tĩnh, cá nâu thường bơi theo đàn vào sát bờ để kiếm ăn. Khi phát hiện đàn cá nâu thì chúng tôi dùng vợt vớt lên bỏ vào thùng nước để sẵn trên thuyền. Nói thì nghe dễ dàng vậy, chứ làm nghề đánh bắt cá nâu con cũng đòi hỏi sự kiên nhẫn và người trên thuyền không được gây tiếng động ồn ào (gây tiếng động đàn cá nâu con sẽ lặn sâu vào lòng sông). Cứ im lặng đứng trên con thuyền đang xuôi chầm chậm theo dòng nước ở những nơi gần bờ hoặc các đám bèo, rác đang trôi nổi trên sông, tay cầm vợt, mắt quan sát. Khi nào phát hiện có đàn cá thì phải thao tác nhanh, gọn để vớt cá. Đặc điểm của cá nâu con là đi theo đàn, nên việc đánh bắt cũng như dụng cụ sử dụng cho đánh bắt rất đơn giản. Ngoài ra, để đánh bắt được nhiều cá nâu con cũng phải biết dựa vào dòng nước chảy, phải biết bơi, giữ thuyền theo ý mình; biết chọn đúng thời điểm, nơi thường xuyên có cá nâu con kiếm ăn. Nghề đánh bắt cá nâu con còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Bởi lúc trời động, mưa to gió lớn, nước sông Hiếu trở nên đục ngầu thì không thể đánh bắt được…”, anh Khai vừa vớt cá, vừa giải thích cho tôi biết.
Nghề đánh bắt cá nâu con khá nhàn nhã, dù chỉ xuất hiện với thời gian rất ngắn trong năm, nhưng lại cho thu nhập cao, nên thu hút khá nhiều ngư dân làm nghề này. Và cá nâu thả nuôi trong lồng bè không có khả năng sinh sản nên người nuôi cá lồng bè thương phẩm trên sông chưa chủ động được nguồn giống, phải phụ thuộc vào việc đánh bắt cá nâu con trên sông của các ngư dân. Vào thời điểm chính vụ, mỗi ngày bình quân mỗi ngư dân đánh bắt được từ 1.000 - 2.000 con cá nâu con (bình quân cá nâu con có giá 2.000 - 3.000 đồng/con), cho thu nhập khoảng 1 - 2 triệu đồng. Nhiều ngư dân sau khi đánh bắt cá nâu thả nuôi thêm một thời gian cho đến khi cá nâu con lớn bằng hai ngón tay mới bán với giá 10.000 - 15.000 đồng/con.
Ngồi trên thuyền xem anh Khai vớt cá, mới thấy đây đúng là nghề “làm chơi, ăn thật”. Khi gặp trúng đàn cá nâu con, mỗi lần vớt lên đến hơn mấy trăm con. Sau khoảng mấy giờ quần thảo ven bờ sông Hiếu, anh Khai đưa thuyền về bền sông. Cá nâu con được anh Khai nhanh chóng mang về nhà cho vào bể cá lớn có trang bị máy sục khí để nuôi thêm một thời gian nữa mới xuất bán cho các hộ nuôi cá lồng bè thương phẩm trên sông. Anh Khai cho biết thêm, cá nâu thân dẹp tròn, da trơn màu nâu xám, vây sắc xanh nhạt, trên thân hình có những chấm nâu đen, đầu nhỏ, mắt đen tròn. Cá thường sống trong các ghềnh đá, bãi rạn san hô nên rất khó đánh bắt. Ở cùng độ tuổi, cá nâu đực có khối lượng lớn hơn cá nâu cái. Cá nâu ngoài tự nhiên thường đánh bắt được cỡ 70 - 300g/con (cá có thể lớn tối đa đến 1,2 kg/con). Cá thường sinh sản sau 1 năm tuổi (đạt cỡ 150 - 350g) mùa sinh sản kéo dài từ tháng 7 đến tháng 9 âm lịch. Vào mùa sinh sản, cá nâu thường bắt cặp và di cư ra những rạn san hô, nơi có độ mặn cao để sinh sản. Cá nâu đẻ đến hàng trăm nghìn trứng mỗi lần, cá con sau khi nở sẽ trôi dạt vào các cửa sông, vũng, vịnh ven bờ, sử dụng tảo, động vật phù du làm thức ăn, khi lớn cá ăn các loài rong rêu, động vật đáy, tôm cá nhỏ và mùn bã hữu cơ. Cá nâu nổi tiếng thơm ngon và bổ dưỡng nên có giá trị cao về kinh tế (cá nâu thương phẩm có giá từ 200 - 300 nghìn đồng/kg).
Hoàng Tiến Sĩ
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.