Nguồn tin: Khuyến Nông VN, 28/10/2019
Ngày cập nhật:
2/11/2019
Phát huy lợi thế trên 12.000 ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản, trong đó có trên 8.400 ha diện tích mặt nước hồ thủy điện, hàng nghìn ha hồ thủy lợi và hàng trăm kilomet mặt sông, nhiều tổ chức, hộ gia đình ở Tuyên Quang đã và đang phát triển kinh tế bền vững từ nghề nuôi cá lồng trên sông hồ theo quy trình VietGAP, nâng cao chất lượng, đảm bảo sản phẩm đầu ra, tạo niềm tin cho nhiều khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Hợp tác xã (HTX) sản xuất, kinh doanh Cá chiên Thái Hòa (huyện Hàm Yên, tỉnh Tuyên Quang) là một trong những đơn vị điển hình trong việc nuôi cá lồng trên sông hồ theo hướng VietGAP. Với lợi thế 9 km sông chảy qua các thôn trong xã, như Soi Long, Hồng Thái, Ba Luồng... cùng với hệ thống ao hồ tương đối lớn, HTX đã tập trung đầu tư, phát triển chăn nuôi thủy sản, nhất là nuôi cá đặc sản trong lồng.
Ông Phạm Văn Bình, Giám đốc HTX cho biết, năm 2016, ông và các thành viên HTX được tham gia Diễn đàn Khuyến nông @ Nông nghiệp “Thực trạng và giải pháp phát triển nuôi cá lồng bền vững trên sông, hồ vùng Trung du miền núi phía Bắc” do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức tại Tuyên Quang. Được các chuyên gia của Diễn đàn tư vấn, hướng dẫn thực hiện nuôi cá lồng theo hướng VietGAP, ông và các hộ xung quanh đã áp dụng theo. Năm 2017, HTX của ông được công nhận chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP, nhờ đó giá cá bán dao động từ 450.000 - 480.000 đồng/kg, cao hơn so với thông thường từ 100.000 - 150.000 đồng/kg. Do kiểm soát tốt các yếu tố liên quan đến môi trường nước nên cá luôn khỏe mạnh, ít dịch bệnh, giảm khá nhiều chi phí phụ, mỗi hộ thành viên thu lãi từ 50 - 60 triệu đồng/1 lồng cá.
Ông Bình kiểm tra cá lồng nuôi trên sông Lô
Hiện nay, HTX có 12 hộ thành viên nuôi tổng cộng 64 lồng cá, trong đó có 51 lồng cá chiên và 13 lồng cá bỗng, sản lượng cá thu hoạch hàng năm đạt trên 4 tấn. Đặc biệt hiện nay, HTX sản xuất, kinh doanh Cá chiên Thái Hòa đã nuôi thành công cá cấp 1 (có chiều dài 5 - 7 cm) do Trung tâm Thủy sản tỉnh cung cấp lên cá cấp 3 (có chiều dài 25 - 30 cm), để cung cấp cho các hộ thành viên trong HTX. Gia đình ông Bình nuôi 19 lồng, trong đó 14 lồng cá chiên và 5 lồng cá bỗng. Vụ thu hoạch vừa qua, sản lượng cá chiên gia đình ông đạt trên 1,3 tấn, trừ chi phí cho thu lãi hơn 400 triệu đồng.
Cũng như HTX sản xuất, kinh doanh Cá chiên Thái Hòa (Hàm Yên), Công ty TNHH Lâm sản và Dịch vụ Long Giang (Thành phố Tuyên Quang) là đơn vị nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện Chiêm Hóa với 30 lồng nuôi cá đặc sản như cá lăng, cá bỗng, cá chiên, cá nheo… đã được Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) công nhận cơ sở nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP.
Anh Lê Anh Tuấn - Phó Giám đốc Công ty cho biết, việc áp dụng tiêu chuẩn an toàn và chất lượng thực phẩm đã giúp Công ty có điều kiện gắn kết với các doanh nghiệp chế biến thủy sản trong và ngoài tỉnh, giảm rủi ro, giảm chi phí sản xuất, ổn định về chất lượng, đồng thời tăng giá trị sản phẩm đạt hiệu quả kinh tế cao. Công ty đã lập kế hoạch tiếp tục mở rộng sản xuất, ngoài cung cấp thực phẩm tươi sẽ mở thêm dịch vụ chế biến sẵn để tiêu thụ sản phẩm ở các chuỗi nhà hàng, siêu thị thực phẩm an toàn…
Anh Trần Văn Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh khẳng định, các mô hình nuôi trồng thủy sản theo VietGAP đang mở ra hướng phát triển cho ngành thủy sản Tuyên Quang. Tuy nhiên, để phát triển thủy sản thành hàng hóa gắn với tiêu thụ, đòi hỏi phải có sự tham gia phối hợp đồng bộ ở tất cả các khâu, từ đầu tư quy hoạch hệ thống hạ tầng thiết yếu ở các vùng nuôi và sản xuất giống tập trung, đến kiểm soát tốt chất lượng các vật tư đầu vào và lựa chọn con giống, trong đó ưu tiên đầu tư nghiên cứu phát triển con giống chất lượng cao, sinh trưởng nhanh, chống chịu dịch bệnh tốt. Trong quá trình nuôi, tùy theo điều kiện từng vùng mà áp dụng công nghệ nuôi mới, thân thiện với môi trường. Khuyến khích việc liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm hoặc hình thành hợp tác xã, tổ hợp tác xã… vừa tiện áp dụng quy trình kỹ thuật nuôi theo VietGAP vừa thuận cho việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm và xây dựng thương hiệu đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và xuất khẩu./.
Vũ Ngọc Tuyên - Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.