Nguồn tin: Báo Đắk Nông, 07/11/2019
Ngày cập nhật:
11/11/2019
Từ đầu năm 2019 đến nay, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản của tỉnh Đắk Nông có bước phát triển mạnh, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, bù đắp một phần vào những thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh xảy ra đối với ngành Nông nghiệp tỉnh.
Gia đình chị Trần Thị Lan, thôn 6, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) đang nuôi cá trong hơn 1 sào mặt nước. Chị Lan cho biết, nhiều năm nay, gia đình đã nuôi thành công nhiều loại cá như cá trắm, rô phi, diêu hồng. Các loại cá này đều có những đặc điểm như ăn tạp, thích nghi tốt với sự thay đổi của thời tiết, sinh trưởng, phát triển tốt. Hàng năm, gia đình cũng xuất bán được khoảng 2 tấn cá ra thị trường với giá khoảng 60.000 - 70.000 đồng/kg, đem lại nguồn thu nhập khoảng hơn 120 triệu đồng.
Gia đình chị Trần Thị Lan, thôn 6, xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) tăng vụ nuôi cá từ 1 lên thành 2 vụ/năm
Chị Lan chia sẻ: “Thực tế việc nuôi các loại cá này cũng không khó nhưng để cá phát triển cần chú ý cho cá ăn đúng bữa, khoảng 2 bữa/ ngày, cho ăn vào một thời điểm nhất định và đúng nhu cầu, đủ lượng để cá sinh trưởng, phát triển nhanh. Năm nay, do giá cả nông sản xuống thấp nên gia đình đã tăng vụ nuôi cá từ 1 vụ/1 năm lên 2 vụ/1 năm”.
Hơn 5 năm nay, gia đình ông Đào Ngọc Được ở tổ 5, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) đã nuôi các loại cá nước ngọt trong 4 ao nhỏ được múc phía dưới rẫy với diện tích hơn 1 sào. Theo ông Được, việc nuôi cá được ông kết hợp với trồng trọt, bởi ao vừa nuôi cá, vừa tích trữ nước tưới cho cà phê vào mùa khô. Nguồn thu từ ao cá hàng năm cũng đáng kể, được trên 100 triệu đồng, chi phí bỏ ra tiền giống khoảng 10 triệu đồng. Còn thức ăn, gia đình chủ yếu cắt cỏ, lá cây, tận dụng các loại phế phẩm nông nghiệp. Cá được nuôi khoảng 1 năm mới xuất bán và luôn được người tiêu dùng ưa chuộng vì không sử dụng thức ăn công nghiệp.
Toàn tỉnh hiện có khoảng 1.800 ha mặt nước nuôi trồng thủy sản. Nếu như cả năm 2018, tổng sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt 5.424 tấn thì 10 tháng đầu năm 2019, tổng sản lượng thủy sản là 5.590 tấn (tăng 166 tấn), đạt 103% so với kế hoạch năm.
Ông Được cho biết thêm, để phòng bệnh cho cá, hàng năm, vào mùa khô, khi thu hoạch cá, gia đình tiến hành vệ sinh ao bằng cách hút hết nước ra ngoài, phơi khô, rải vôi bột để khử trùng. Cách làm này giúp ông giảm độ phèn trong đất và nước, ổn định pH nước, diệt các mầm bệnh trong ao. Vôi cũng giúp cho mùn bã đáy ao được phân hủy, làm đáy ao tốt hơn do được khoáng hóa, chất lượng nước cũng được cải thiện.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp- PTNT, từ đầu năm đến nay, việc nuôi trồng thủy sản đã có bước tăng trưởng mạnh. Cùng với việc nuôi thủy sản trong các ao hồ, nhiều hộ dân còn tận dụng các diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện, thủy lợi để phát triển sản xuất đem lại mức sản lượng khá lớn.
Bài, ảnh: Trần Lê
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.