• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Chiếm biển nuôi hàu

Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 07/11/2019
Ngày cập nhật: 12/11/2019

Hiện nay, tại khu vực bãi biển thôn Tân Đức Đông (xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) có hàng chục héc-ta mặt nước bị người dân cắm cọc nuôi hàu trái phép. Tuy chính quyền đã nhiều lần giải quyết nhưng sự việc vẫn chưa có tiến triển.

Đua nhau khoanh nuôi

Việc cắm cọc nuôi hàu ở Vạn Lương mới diễn ra vài năm gần đây. Trước đó, khu vực này là nơi ngư dân thường xuyên đặt bẫy nhử tôm hùm. Từ năm 2015, một số hộ thấy có hàu bám nên đã cắm trụ chiếm biển dụ hàu. Thấy hiệu quả kinh tế cao nên các hộ khác cũng đem cọc ra khu vực bãi biển gần bờ cắm khoanh vùng. Tình trạng này diễn ra rầm rộ vào năm 2017. Ban đầu chỉ vài hộ, đến nay toàn khu vực đã có 38 hộ cắm trụ nuôi hàu. Bình quân mỗi gia đình quản lý khoảng gần 4.000 trụ với diện tích nuôi trồng lên đến cả chục héc-ta mặt nước. Khu vực bị lấn chiếm nuôi trồng trái phép kéo dài từ vùng tiếp giáp với bãi biển Vạn Giã đến hết thôn Tân Đức Đông, xã Vạn Lương.

Diện tích nuôi hàu trên địa bàn xã Vạn Lương lên đến hàng chục héc-ta.

Ông Thành (người nuôi hàu ở thôn Tân Đức Đông) cho biết: “Gia đình tôi nuôi hàu cách đây 4 năm. Thấy người ta nuôi mình cũng nuôi kiếm thêm. Khu này nghe nói là không thuộc vùng quy hoạch nuôi trồng nhưng hồi đó cắm cọc không thấy ai có ý kiến gì. Thú thật, mấy năm nay biển đói quá nên mới đầu tư làm nghề này. Chứ làm vậy cũng không được bao nhiêu, mỗi năm thu hoạch được 4 tháng thôi”. Theo ông Thành, người nuôi hàu chủ yếu là dân thôn Tân Đức Đông, một số ít ở thị trấn Vạn Giã do không có nơi cắm cọc nên cũng xuống đây chiếm biển. Hàu nuôi ở đây chủ yếu bán cho các hộ nuôi tôm hùm, giá trị kinh tế không cao. Các hộ nuôi xem đây là nguồn thu nhập thêm trong giai đoạn nguồn lợi bị cạn kiệt.

Việc nuôi trồng ồ ạt như vậy đã khiến nhiều người dân trong khu vực lo ngại về việc ô nhiễm môi trường. Trong các lần tiếp xúc cử tri, nhiều lần vấn đề này được người dân phản ánh và yêu cầu chính quyền có biện pháp ngăn chặn, xóa bỏ điểm nuôi hàu trái phép. Tuy nhiên, các hộ cắm cọc chiếm biển lại cho rằng như vậy là không thỏa đáng. “Dân biển thì phải sống nhờ biển thôi. Chúng tôi cắm cọc nuôi hàu như thế này không ảnh hưởng gì đến môi trường. Lúc nào Nhà nước thu hồi làm kè thì chúng tôi trả”, ông Tú (thôn Tân Đức Đông) cho biết.

Nan giải việc xử lý

Việc nuôi hàu trái phép trên vùng biển Vạn Lương đã diễn ra nhiều năm nay. Chính quyền địa phương cũng đã 3 lần mời các hộ nuôi hàu lên làm việc và yêu cầu trả lại diện tích mặt nước nhưng đến nay vẫn chưa có chuyển biến.

Ông Ngô Xuân Phúc - Chủ tịch UBND xã Vạn Lương cho biết, trước đây khi chưa có quy hoạch về nuôi trồng thủy sản, người dân cắm cọc nuôi hàu chính quyền có biết nhưng không thể cấm họ. Đa phần những người nuôi hàu làm nghề đi biển, gia cảnh hết sức khó khăn. Khoảng chục năm trước, đi biển còn kiếm được tôm, cá, nhưng nguồn lợi thủy sản ven bờ đang bị cạn kiệt nên người dân chuyển sang cắm cọc nuôi hàu.

“Năm 2017 khi cơn bão số 12 ập vào, chuyện hỗ trợ người nuôi thủy sản bị thiệt hại bắt đầu nóng lên. Những gia đình nuôi trong vùng quy hoạch và thống kê ngay từ đầu thì được Nhà nước hỗ trợ thỏa đáng. Từ đó, vấn đề quy hoạch được quan tâm và người dân triệt để tuân theo. Trong khi toàn bộ diện tích nuôi hàu lại không nằm trong vùng quy hoạch. Xã đã nhiều lần mời các hộ này lên làm việc và yêu cầu tháo dỡ, di chuyển vào vùng quy hoạch để bảo đảm đúng các quy định pháp luật, nhưng không hộ nào đồng ý, thậm chí người dân còn nói muốn cưỡng chế thì chính quyền tự làm. Họ cho rằng nếu đi vào vùng quy hoạch thì xa mà lại không có hàu. Người dân cũng cam kết nếu có dự án làm kè bảo vệ bờ biển hay dự án nào của Nhà nước thì sẵn sàng bàn giao mà không đòi hỏi hỗ trợ hay bồi thường. Việc này hiện đã vượt quá thẩm quyền giải quyết của xã nên xã báo cáo UBND huyện chờ chỉ đạo xử lý”, ông Phúc nói.

Cũng theo lãnh đạo xã Vạn Lương, việc xử lý không đơn giản, không chỉ vì sự phản đối của người dân mà diện tích nuôi quá lớn, hàng trăm nghìn cọc đã cắm xuống biển nên dỡ bỏ không dễ. Ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, tới đây huyện sẽ mời UBND xã lên báo cáo tình hình để tìm hướng giải quyết. Tuy nhiên, quan điểm của huyện là cương quyết xử lý, yêu cầu tháo dỡ toàn bộ cọc trụ hàu, nếu người dân không hợp tác sẽ cưỡng chế trả lại diện tích mặt nước và bảo đảm các quy định của pháp luật.

Đ.LÂM - M.HÙNG

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang