Nguồn tin: Báo An Giang, 06/02/2019
Ngày cập nhật:
7/2/2019
Những ngày cuối năm, có dịp về phường Vĩnh Nguơn (TP. Châu Đốc, tỉnh An Giang), chúng tôi được người dân giới thiệu về người đàn ông có khả năng “dẫn dụ” cá thiên nhiên, mỗi ngày “bỏ” tiền túi từ 250.000-500.000 đồng mua thức ăn nuôi cá. Đó là ông Phạm Văn Cường (Năm Cường, 64 tuổi, ngụ tổ 5, khóm Vĩnh Chánh 1).
Bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Dẫn chúng tôi xuống nhà dưới mé sông được cất từ hàng trăm cây căm xe, sao, cà chắc, ông Năm Cường chỉ tay xuống sông: “Thú cưng của tôi ở dưới đó”. Mời chúng tôi ly trà mát lạnh, ông Năm Cường bảo: “Mấy tháng nay, báo, đài trong và ngoài tỉnh về phỏng vấn nhiều lắm. Tôi thấy ngại vì mình làm âm thầm nhưng những người quen biết chuyện nên truyền tai nhau”.
Kể cho chúng tôi về cơ duyên với đàn “thú cưng” đặc biệt của mình, ông Năm Cường cho biết: “Trước đây, tôi làm nhiều nghề lắm! Từ thu mua lúa, bán vật liệu xây dựng, rồi đến làm xưởng gỗ. Làm lụng vất vả nuôi con cái khôn lớn, thành đạt, đứa nào cũng có gia đình, việc làm ổn định. Có ít vốn trong tay, 2 vợ, chồng quyết định nghỉ dưỡng già. Năm 2014, tôi cất nhà mát này để có chỗ ngồi hóng mát, nhâm nhi trà, tâm sự với bạn bè, hàng xóm. Dưới mé sông, tôi chất đống chà rồi dùng mồi nhử cá đến ăn ngắm cho vui. Không ngờ cá kéo đến khá nhiều, với đủ loại: cá he, cá mè vinh, cá tra… Có lẽ, do tôi chỉ “dẫn dụ” và nuôi dưỡng chúng mà không bắt bán hay ăn thịt nên đàn cá kéo đến ngày càng đông”.
Vừa rải thức ăn cho cá, vừa trò chuyện với chúng tôi, ông Năm Cường cho biết, mỗi ngày cho cá ăn 2 lần (7 giờ sáng và 4 giờ chiều). Mỗi ngày, chúng ăn khoảng 1 bao thức ăn, nhưng nếu có khách đến xem nhiều thì khoảng 1,5-2 bao thức ăn, chi phí từ 280.000-500.000 đồng/ngày. Việc “dẫn dụ” cá xuất phát từ ý tưởng muốn ngắm cá cho vui, nhưng rồi chúng rủ vào ăn nhiều và ở luôn trong đống chà. Mặt khác, những năm gần đây, người dân thường phóng sinh vào rằm lớn nhưng nạn đánh bắt cá lớn, nhỏ khá phổ biến nên tôi mong muốn góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản thông qua việc “dẫn dụ” và cho cá ăn mỗi ngày.
Chỉ tay về đám lục bình dưới sông, ông Năm Cường bảo: “Tôi đang mướn 2 người dọn bớt lục bình và nới rộng diện tích từ 400 lên 500m2. Tôi cặm cây tre, tràm thưa thớt vậy nhưng cá vẫn không ra ngoài. Rào lại chủ yếu là để bảo vệ đàn “thú cưng” tránh bị mắc lưới do người dân kéo chài. Mặt khác, giữ đám lục bình không bị nước trôi”. Ở nhà mát, ông Năm Cường bố trí võng, bàn gỗ và ghế salon. Xung quanh trồng lan, có cả dàn âm thanh để nghe nhạc và ca cổ. Khoảng giữa nhà mát và mặt nước, ông Năm Cường đóng cầu thang xuống mé sông để tiện việc đi xuống chăm sóc đàn “thú cưng”.
Độc đáo, hấp dẫn
Cái lạ là cá vào ăn xong không bơi ra sông, mà chúng sống ở đây suốt 4 năm. Những con cá tra lứa đầu tiên nặng khoảng 7 - 10kg. Hiện nay, ước tính đàn cá khoảng 6-7 tấn. Do cá về ngày càng nhiều nên lượng thức ăn cũng tăng. Từ số tiền của 4 người con gửi mỗi tháng (4 triệu đồng/người) ông Năm Cường dành mua thức ăn để nuôi dưỡng đàn “thú cưng”. “Có nhiều du khách xem trên mạng xã hội rồi họ đến xem, chụp hình, quay phim và giới thiệu cho bạn bè, người thân cùng biết. Khách trong tỉnh có, ngoài tỉnh cũng nhiều. Xem như mình tạo ra một sản phẩm mới cho du lịch địa phương. Có một vài người dân địa phương và các địa phương lân cận đến xem và “hùn” vài bao thức ăn cho cá” - ông Năm Cường cho biết.
Đang trò chuyện với chúng tôi thì có vài khách vào xem, chụp hình. Chị Nguyễn Thị Tâm (ngụ xã Đa Phước, An Phú) nói: “Xem trên mạng xã hội, tôi thấy mô hình này rất độc đáo. Mùa nước nổi vừa rồi, tôi và bạn bè đến đây cho cá ăn thấy rất thích, nước cao nên có thể sờ, nựng được cá luôn. Chúng dạn lắm! Con nào cũng lớn. Hôm nay có mấy con cá nhỏ, chắc lứa mới”.
Theo Phó Trưởng khóm Vĩnh Chánh 1 (phường Vĩnh Nguơn) Lê Nhâm Thân, chưa có ai làm được việc “dẫn dụ”, nuôi dưỡng cá thiên nhiên, mà không hề bắt bán hay ăn thịt như ông Năm Cường (vợ, chồng đều ăn chay trường). Điểm nuôi cá thiên nhiên ngày càng có nhiều người dân, du khách đến tham quan như điểm du lịch “0 đồng” của địa phương. Đây là mô hình hay, có ý nghĩa, là việc làm thiết thực trong việc bảo vệ nguồn cá thiên nhiên. Mặt khác, thông qua mô hình của ông Năm Cường góp phần nâng cao ý thức của người dân và du khách trong việc chung tay bảo vệ nguồn lợi thủy sản”.
Khi chúng tôi đặt vấn đề về “tương lai” của đàn “cá cưng”, ông Năm Cường không chần chừ bảo: “Tôi còn sức khỏe là còn nuôi chúng nó tiếp. Rồi còn con, cháu tôi sẽ tiếp tục làm theo ý nguyện của tôi. Tôi chỉ có một mong muốn làm thế nào mỗi người, mỗi nhà sẽ góp chút ít công sức từ những việc đơn giản, như: không dùng xung điện đánh bắt cá con; thường xuyên phóng sinh, thả cá… và ý thức hơn trong việc bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản”.
THẢO NGUYỄN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.