Nguồn tin: Báo Gia Lai, 17/11/2019
Ngày cập nhật:
18/11/2019
Tận dụng mặt nước lòng hồ thủy lợi và thủy điện trên địa bàn, người dân một số địa phương đã đầu tư nuôi cá diêu hồng, cá trắm, cá trê… trong lồng. Mô hình này bước đầu đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân, mở ra hướng phát triển kinh tế đầy triển vọng.
Cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông quốc gia kiểm tra mô hình nuôi cá thác lác cườm tại xã Ia Tô (huyện Ia Grai). Ảnh: N.D
Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản Ia Grăng (huyện Ia Grai, Gia Lai) được thành lập vào năm 2017 với 7 thành viên, chuyên nuôi cá nước ngọt trong lồng tại hồ thủy điện Ia Grai 1. Đến nay, số thành viên HTX đã tăng lên 26 người; quy mô nuôi cá tăng từ 8 lồng lên 30 lồng, đảm bảo nguồn cá thương phẩm cung cấp thường xuyên cho người tiêu dùng trong tỉnh. Ông Nguyễn Văn Yên-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX-cho biết: Nuôi cá lồng thuận lợi và hiệu quả hơn so với nuôi thả tự nhiên vì kiểm soát được chất lượng nguồn nước và các loại dịch bệnh. Mỗi lồng nuôi 2,5-3 tấn cá diêu hồng, trắm cỏ… khoảng 6 tháng thì thu hoạch. Mỗi năm, HTX thu hoạch 3 đợt, mỗi đợt 8-10 tấn cá. Giá cá thường phụ thuộc vào thị trường nhưng nếu xuống thấp cũng có lãi 5 triệu đồng/tấn. Năm 2018, HTX thu lãi 150 triệu đồng. Còn từ đầu năm đến nay, HTX đã xuất bán ra thị trường trên 10 tấn cá thương phẩm với giá 35.000 đồng/kg. Nhìn chung, hiệu quả từ nuôi cá lồng ổn định hơn so với vật nuôi khác.
Thấy mô hình đem lại hiệu quả, từ năm 2018 đến nay, thay vì chia lợi nhuận cho các thành viên, HTX Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản Ia Grăng dùng số tiền này tiếp tục đầu tư làm lồng bè mở rộng diện tích nuôi các loại cá có giá trị kinh tế cao hơn. 30 lồng cá hiện tại của HTX được nuôi thành nhiều lứa để tạo nguồn hàng thường xuyên bán ra thị trường. Dù nuôi cá lăng 2 năm mới được thu hoạch nhưng các thành viên đều đồng lòng với phương án lấy ngắn nuôi dài để hướng đến xây dựng thương hiệu cá lăng Gia Lai.
Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai, phong trào nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện hiện phát triển khá mạnh. Đến nay, trên địa bàn huyện có 3 HTX chuyên nuôi cá lồng. Ngoài ra, các hộ dân tự đầu tư nuôi cá trên lòng hồ thủy lợi Ia Năng, thủy điện Phan Vũ, Sê San 4… Ông Đào Lân Hưng-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ia Grai-cho hay: “Với hiệu quả kinh tế từ việc nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện, thủy lợi mang lại, khoảng 2 năm trở lại đây, huyện xuất nguồn vốn sự nghiệp nông nghiệp khoảng 100 triệu đồng hỗ trợ người dân triển khai mô hình này. Huyện cũng mở các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật nuôi cá lồng cho người dân học tập… Theo tính toán, tổng sản lượng cá lồng thu hoạch được của huyện trong năm 2019 đạt khoảng 150 tấn”.
Tương tự, tại huyện Chư Pah, phong trào nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện cũng đang phát triển mạnh. Ông Vũ Văn Đông (làng Jut, xã Ia Phí) cho hay: Gia đình tôi nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Ia Ly suốt 5 năm nay với các loại cá như diêu hồng, bống, trê… Từ đầu năm đến nay, gia đình xuất bán 45 tấn cá diêu hồng với giá 45.000 đồng/kg, lãi khoảng 400 triệu đồng. Tôi thấy nuôi cá lồng trên lòng hồ hiệu quả và ổn định hơn so với các loại vật nuôi khác.
Năm 2017, UBND huyện Chư Pah đã triển khai dự án nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Sê San 3A với sự tham gia của 30 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Ia Kreng. Địa phương đang tiếp tục hỗ trợ người dân xã Ia Phí triển khai mô hình này. Ông Võ Văn Tấn-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Pah-cho biết: “Để thúc đẩy việc nuôi cá phát triển, từ nguồn vốn sự nghiệp khoa học và công nghệ cấp tỉnh hỗ trợ, Trung tâm đang triển khai mô hình nuôi cá lồng trên lòng hồ thủy điện Ia Ly cho người dân xã Ia Phí học tập”.
Theo ông Phạm Hữu Phước-Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản tỉnh: “Phong trào nuôi cá nước ngọt trong lồng trên địa bàn tỉnh đang phát triển khá mạnh. Đến nay, toàn tỉnh có trên 120 lồng cá nuôi trên lòng hồ thủy điện và thủy lợi. Do hiệu quả kinh tế khá ổn định nên nhiều hộ đầu tư. Đây sẽ là hướng đi mới trong phát triển nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh những năm tới”.
NGUYỄN DIỆP
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.