Nguồn tin: Báo Phú Yên, 21/11/2019
Ngày cập nhật:
22/11/2019
Đoàn công tác của Cơ quan Nghiên cứu KH-CN Liên bang Australia đang tham quan mô hình nuôi tôm hùm thương phẩm trong bể trên bờ của Công ty TNHH Thủy sản Đắc lộc. Ảnh: ANH NGỌC
Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc (Công ty Đắc Lộc), tỉnh Phú Yên, vừa làm việc với một số chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực thủy sản của Cơ quan Nghiên cứu KH-CN Liên bang Australia (CSIRO) để đầu tư công nghệ nuôi thủy sản tiên tiến nhất hiện nay trên thế giới. Trong đó, doanh nghiệp này chú trọng công nghệ nuôi tôm hùm trên bờ, sản xuất tôm hùm giống và kiểm soát dịch bệnh đối với thủy sản nuôi.
Nuôi tôm hùm trong bể trên bờ
Hiện Công ty Đắc Lộc đang triển khai dự án nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể trên bờ quy mô hàng hóa, đây là mô hình được triển khai đầu tiên trong cả nước. Dự án này là đề tài KH-CN quy mô cấp Nhà nước thuộc chương trình đổi mới công nghệ của quốc gia do Bộ KH-CN là cơ quan chủ quản, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III là đơn vị chuyển giao công nghệ.
Mô hình nuôi tôm hùm trong bể trên bờ này áp dụng công nghệ RAS (hệ thống nuôi trồng thủy sản tuần hoàn) với các trang thiết bị phụ trợ hiện đại như hệ thống ổn định nhiệt, UV (đèn khử trùng nước trong nuôi trồng thủy sản), lọc sinh học, trống lọc, skimmer (thiết bị loại bỏ các hợp chất hữu cơ bị phân giải và các chất độc hại khác)…
Bà Trần Thị Lưu, cán bộ kỹ thuật của Công ty Đắc Lộc, cho biết: Công ty đang triển khai nuôi 18 bể với số lượng khoảng 2.000 con tôm hùm tại khu sản xuất giống thủy sản công nghệ cao của công ty ở xã Xuân Hải (TX Sông Cầu). Nhờ ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến do Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III chuyển giao, đến nay tôm nuôi đã được 6 tháng tuổi, phát triển rất tốt, ít hao hụt và có trọng lượng trên dưới 0,3kg/con. Dự kiến mô hình này sẽ cho thu hoạch nhanh hơn 3-4 tháng so với kiểu nuôi truyền thống.
Theo ông Lê Hữu Tình, Phó Giám đốc Công ty Đắc Lộc, để giám sát, kiểm tra chất lượng con giống, công ty đã đầu tư hàng chục tỉ đồng xây dựng hệ thống phòng thí nghiệm như phòng PCR, phòng vi khuẩn, phòng quản lý chất lượng nước, phòng quản lý chất lượng tôm… với trang thiết bị hiện đại. Bên cạnh việc đào tạo nhân sự, công ty còn liên kết với các nhà khoa học trong lĩnh vực thủy sản để đáp ứng giám sát một cách tốt nhất chất lượng sản phẩm tôm giống đến khi xuất xưởng. Ngoài ra, Công ty Đắc Lộc còn thường xuyên gửi mẫu tới các viện nghiên cứu lớn để kiểm tra đối chứng.
Đầu tư công nghệ để phát triển bền vững
Ông Lê Hữu Tình cho biết, ứng dụng KH-CN vào sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu để phát triển bền vững. Do đó, công ty đã và đang áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến như công nghệ sinh học phân tử chẩn đoán nhanh các bệnh nguy hiểm trên tôm; công nghệ truy xuất bằng mã QR Code; công nghệ kiểm tra tốc độ tăng trưởng và đếm chính xác số lượng tôm.
Nhờ vậy, Công ty Đắc Lộc được Bộ NN-PTNT, Bộ KH-CN và UBND tỉnh giao thực hiện một số dự án KH-CN. Điển hình như các dự án Hoàn thiện công nghệ nuôi thương phẩm tôm hùm trong bể trên bờ quy mô hàng hóa tại vùng bãi ngang tỉnh Phú Yên; Nghiên cứu và hoàn thiện quy trình nuôi thương phẩm tôm thẻ chân trắng trên cát bằng nước biển ven bờ ở miền Trung đảm bảo an toàn thực phẩm và an toàn dịch bệnh; Hoàn thiện quy trình và xây dựng mô hình nuôi tôm hùm lồng Nauy theo hướng bền vững tại các vùng ven biển tỉnh Phú Yên… Không dừng lại ở đó, Công ty Đắc Lộc còn đầu tư nuôi các đối tượng thủy sản mới, phương thức nuôi mới gắn với ứng dụng công nghệ nuôi tiên tiến nhằm mục tiêu phát triển bền vững hơn.
Theo TS Hoàng Tùng, Trưởng ban Nghiên cứu bệnh thủy sản và công nghệ nuôi của CSIRO, qua làm việc và tham quan cơ sở sản xuất giống và nuôi thủy sản của Công ty Đắc Lộc, đoàn công tác đánh giá rất cao về các mô hình nuôi, công tác quản lý, cơ sở hạ tầng… Hiện nay, nuôi thủy sản trong nhà đang là xu hướng phát triển bền vững trên thế giới, đặc biệt là các nước tiên tiến như Nauy, Mỹ, Australia, Canada và một số nước châu Âu.
Tuy nhiên, để thực hiện mô hình nuôi thủy sản trong nhà cần phải ứng dụng công nghệ cao, chi phí đầu tư lớn mới có thể thành công. Hiện Australia là quốc gia duy nhất trên thế giới sở hữu công nghệ và đã sản xuất thành công con giống tôm hùm với quy mô lớn. Đây là cơ hội để Công ty Đắc Lộc có thể tiếp cận công nghệ, hợp tác hoặc nhận chuyển giao để sản xuất giống tôm hùm tại Việt Nam.
“Australia cũng chỉ mới bắt đầu có mô hình nuôi tôm hùm trên bờ. Công nghệ nuôi của mô hình này có một số điểm khác với công nghệ nuôi tôm hùm trong bể trên bờ của Công ty Đắc Lộc. Nếu Công ty Đắc Lộc kết hợp những ưu điểm của hai mô hình trên và ứng dụng nuôi thành công thì Công ty Đắc Lộc có thể hoàn thiện quy trình nuôi phù hợp, sau đó có thể chuyển giao công nghệ nuôi này cho các địa phương trong nước và các nước khác”, TS Hoàng Tùng nói.
Ông Lê Hữu Tình, Phó Giám đốc Công ty Đắc Lộc: Đối với mô hình nuôi tôm hùm thương phẩm trong bể trên bờ, nếu đạt hiệu quả, doanh nghiệp sẽ chuyển giao công nghệ cho người nuôi thủy sản trong và ngoài tỉnh khi họ có nhu cầu.
ANH NGỌC
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.