Nguồn tin: Báo Đồng Khởi, 27/11/2019
Ngày cập nhật:
28/11/2019
Nuôi tôm theo chuỗi giá trị giúp các thành phần tham gia chia sẻ quyền lợi và trách nhiệm với nhau, đảm bảo cho việc điều tiết cung cầu thị trường, truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Đây cũng là giải pháp nâng chất lượng sản phẩm tạo uy tín, phù hợp với xu thế xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm tôm của tỉnh Bến Tre.
Thu hoạch tôm thẻ tại huyện Thạnh Phú. Ảnh: Cẩm Trúc
Xây dựng chuỗi giá trị
Năm 2019, để nâng cao giá trị và xây dựng thành công chuỗi giá trị sản phẩm tôm, Chi cục Thủy sản phối hợp với các ngành, địa phương hỗ trợ duy trì hoạt động của 3 hợp tác xã (HTX): Dịch vụ thủy sản Định Trung (Bình Đại), HTX nuôi tôm công nghiệp Vĩnh An (Ba Tri), HTX nông nghiệp Mỹ An (Thạnh Phú) để phát triển và liên kết với các doanh nghiệp cung cấp vật tư thiết bị và bao tiêu sản phẩm.
Kết quả triển khai liên kết theo chuỗi giá trị, HTX Mỹ An, HTX Vĩnh An đã ký hợp đồng mua thức ăn, cung cấp sản phẩm xử lý cải tạo môi trường trong nuôi trồng thủy sản và bán tôm nguyên liệu cho một số công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, HTX Vĩnh An ký bản ghi nhớ với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm 2 giai đoạn miễn phí cho xã viên HTX. Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để người dân tiếp cận kỹ thuật mới, nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo đáp ứng yêu cầu của thị trường hiện nay.
Giám đốc HTX Vĩnh An cho biết, tổng sản lượng tôm thương phẩm thu hoạch từ đầu năm đến nay có khoảng 70% được nuôi theo quy trình tôm sạch không sử dụng hóa chất, kháng sinh cấm. Giá bán tôm sạch được các đại lý thu mua cao hơn so với tôm không xét nghiệm kháng sinh khoảng 10.000 đồng/kg. Nhìn chung, các hộ nuôi tham gia HTX thu hoạch có lãi chiếm hơn 60%, còn lại hòa vốn hoặc lỗ.
Chi cục Thủy sản đã phối hợp với công ty, doanh nghiệp hỗ trợ tư vấn, chuẩn bị thủ tục đánh giá chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP cho HTX Mỹ An, Vĩnh An với tổng diện tích trên 140ha/160 hộ nuôi tham gia. Ngoài ra, chi cục còn phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Thạnh Phú xây dựng thêm 1 tổ hợp tác (THT) nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao Thạnh Phong. THT liên kết với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam thông qua đại lý Bảy An (Thạnh Phú) hoạt động rất hiệu quả, tỷ lệ các hộ nuôi thành công hơn 90%. Tập đoàn Thủy sản Minh Phú khảo sát, mời tư vấn chuẩn bị các thủ tục chứng nhận THT đạt tiêu chuẩn ASC.
Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Huỳnh Văn Cung cho biết, được sự quan tâm phối hợp và hỗ trợ của các ngành, địa phương và Dự án AMD Bến Tre nên các THT, HTX được thành lập và đi vào hoạt động. Các mô hình liên kết sản xuất bước đầu được hình thành góp phần định hướng phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm tôm biển ngày càng được nâng cao. Đa số hộ tham gia THT có tâm huyết, mong muốn tham gia liên kết sản xuất, tăng thu nhập.
Sắp tới, Chi cục Thủy sản tiếp tục phối hợp với các đơn vị có liên quan trong hỗ trợ hoạt động của các HTX, THT để điều hành sản xuất ngày càng tốt hơn. Tiếp tục làm cầu nối, giới thiệu để liên kết trong cung cấp vật tư đầu vào và tiêu thụ tôm nguyên liệu cho các THT, HTX được ổn định hơn. Đồng thời hỗ trợ thực hiện các hoạt động dịch vụ có liên quan tạo nguồn thu để THT, HTX hoạt động như: cải tạo ao, sửa ao, kéo lưới…; hỗ trợ các THT, HTX duy trì các tiêu chuẩn đã được chứng nhận như: VietGAP, ASC.
Xây dựng chỉ dẫn địa lý
Bên cạnh việc xây dựng chuỗi giá trị con tôm biển thì tỉnh đã quan tâm xây dựng chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” trên sản phẩm con tôm càng xanh (TCX). Theo nhận định của ngành chức năng, TCX là một trong những đối tượng thủy sản nước ngọt có giá trị kinh tế cao nhưng thời gian qua tình hình nuôi chưa đồng bộ. Đến nay, diện tích TCX đạt khoảng 1,5 ngàn héc-ta, chủ yếu được nuôi xen trong mương vườn dừa, một số nuôi trong vuông tôm và đang có hướng chuyển đổi nuôi TCX trong ruộng lúa (Thạnh Phú), sản lượng 700 tấn, theo quy hoạch đến năm 2020 và 2025 lần lượt đạt 1,8 - 1,9 ngàn héc-ta, sản lượng có thể đạt từ 810 - 915 tấn. Con TCX tỉnh có chất lượng, được thị trường công nhận.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh, phong trào nuôi TCX đang phát triển mạnh, nhu cầu giống TCX hàng năm khá lớn (200 - 300 triệu giống/năm). Tuy nhiên, toàn tỉnh chỉ có 5 trại sản xuất giống TCX ở quy mô nhỏ, công nghệ, thiết bị còn thô sơ, đơn giản, quy trình chưa ổn định, nên chưa chủ động được nguồn giống. Mặt khác, việc nông dân mua giống TCX trôi nổi, các cơ sở sản xuất chưa đồng nhất quy trình cũng đã làm ảnh hưởng đến năng suất trong quá trình nuôi thương phẩm và làm giảm hiệu quả sản xuất của nông dân.
Để TCX được thị trường trong và ngoài nước biết đến, tỉnh đã triển khai thực hiện dự án Xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý “Bến Tre” dùng cho sản phẩm TCX của tỉnh Bến Tre. Dự án được triển khai với các nội dung như: đánh giá thực trạng nuôi, khai thác và tiêu thụ TCX; xác lập quyền sở hữu chỉ dẫn địa lý; xây dựng và vận hành hệ thống chỉ dẫn địa lý; phát triển thị trường và nâng cao năng lực.
Từ khi được triển khai, dự án sẽ tiến hành xây dựng hệ thống văn bản, làm cơ sở cho công tác quản lý chỉ dẫn địa lý; xây dựng hệ thống nhận diện, quảng bá chỉ dẫn địa lý (tem, nhãn, sổ tay hướng dẫn, phim tư liệu...); thử nghiệm mô hình tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý, dự kiến nộp và theo dõi đơn công nhận chỉ dẫn địa lý từ tháng 5-2020 đến 1-2021, đến tháng 2-2021 hoàn thành việc chuẩn bị các công cụ phương tiện cho hoạt động quản lý chỉ dẫn địa lý.
Phó trưởng phòng Quản lý chuyên ngành Sở Khoa học và Công nghệ Huỳnh Tú Quyên cho biết, đơn vị đang tiến hành khảo sát, thu thập số liệu để phục vụ cho việc xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với con TCX. Khi xây dựng thành công, sản phẩm TCX mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ sẽ có giá trị cao hơn so với các sản phẩm không được mang chỉ dẫn địa lý. Đồng thời với chỉ dẫn địa lý, con TCX Bến Tre sẽ có cơ hội nâng cao danh tiếng, mở rộng thị trường trong và ngoài nước, gia tăng nguồn thu nhập cho nông hộ.
“Để các THT, HTX thủy sản hoạt động ổn định, hiệu quả trong thời gian tới, góp phần thực hiện thành công chuỗi giá trị tôm biển, các đơn vị có liên quan cần tiếp tục tuyên truyền sâu rộng đến cả hệ thống chính trị và người dân hiểu các nội dung của Luật HTX 2012. UBND các huyện nuôi tôm biển ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng như đường, điện… để phục vụ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; hỗ trợ nâng cao trình độ quản lý, điều hành giúp HTX, THT hoạt động ngày một tốt hơn” (Ông Huỳnh Văn Cung - Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh)
Phan Hân - Thanh Đồng
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.