Nguồn tin: Báo Phú Thọ, 28/11/2019
Ngày cập nhật:
1/12/2019
Các hộ dân ở xã Giáp Lai, huyện Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ) góp vốn đầu tư nuôi cá lồng tập trung trên đập Suối Cái.
Phát triển thủy sản thành vùng sản xuất tập trung, theo hướng hàng hóa với các giống mới năng suất cao, chất lượng tốt sẽ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh đã hình thành và phát triển 48 khu nuôi thủy sản tập trung, trên 140 trang trại và 12 hợp tác xã với quy mô diện tích trên 1.000ha phân bố ở các huyện: Lâm Thao, Cẩm Khê, Tam Nông, Thanh Thủy, Thanh Ba...
Xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê là một trong những điểm sáng nuôi thủy sản tập trung. Khác với các địa phương khác, ngoài phát triển cá thương phẩm, ở làng Thủy Trầm, người dân còn nuôi cá chép đỏ, phục vụ nhu cầu tâm linh. Cả làng Thủy Trầm có gần 300 hộ nuôi cá chép đỏ, với diện tích hơn 30ha, sử dụng trên 1.000 lao động tại chỗ. Trung bình mỗi năm cung cấp ra thị trường 50 tấn cá, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân. Để nghề nuôi cá chép đỏ phát triển bền vững theo hướng sản xuất hàng hóa, các hộ nuôi đã tích cực dồn ô, đổi thửa để tạo sự liền kề, thuận tiện cho chăm sóc, quản lý, đầu tư xây dựng bờ ao, bể chứa, thay đổi hình thức nuôi theo hướng công nghiệp để tăng năng suất và giá trị sản phẩm.
Cùng với xã Tuy Lộc, xã Văn Khúc đang tích cực khuyến khích người dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu giống nuôi thủy sản từ các loại truyền thống sang giống chất lượng cao. Trong đó, tôm càng xanh được lựa chọn là giống nuôi phù hợp để phát triển theo hướng hàng hóa bởi xã có diện tích mặt nước lớn, các ao, đầm chiêm trũng nằm liền kề nhau; mực nước và độ pH ổn định rất phù hợp với sự sinh trưởng, phát triển của tôm càng xanh. Từ một vài hộ nuôi với diện tích nhỏ lẻ, đến nay, toàn xã đã có hơn 20 hộ nuôi tôm càng xanh với diện tích trên 30ha. Ông Cao Văn Đức ở khu Gò Lạc, xã Văn Khúc cho biết: “Tôm càng xanh có thời gian nuôi từ 6 đến 8 tháng, khi thu hoạch có giá bán từ 280.000 - 350.000 đồng/kg, cao hơn gấp 4-5 lần so với các loại cá truyền thống nuôi trước đây. Hơn nữa, nếu các hộ biết cách kết hợp nuôi tôm và cá tại các khu ruộng chiêm trũng sẽ cho năng suất, lợi nhuận cao nhưng phải chú trọng đến cách chăm sóc quản lý, phòng trừ bệnh, nhất là xử lý môi trường nuôi trước khi xuống giống”.
Hiệu quả kinh tế trong phát triển thủy sản đã được khẳng định, từ sản xuất nhỏ lẻ, tự phát, người dân đã biết lựa chọn, quy hoạch vùng nuôi sản xuất tập trung với số lượng lớn. Những năm gần đây, nghề nuôi cá lồng cũng phát triển nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh duy trì trên 1.200 lồng cá, trong đó có khoảng 30% lồng nuôi cá được chứng nhận đảm bảo đủ điều kiện an toàn thực phẩm và từng bước xây dựng thương hiệu cá lồng sông Lô, sông Đà. Bên cạnh việc tận dụng diện tích mặt nước trên các sông, nhiều địa phương bắt đầu khôi phục nghề nuôi cá lồng trên các hồ chứa thủy lợi. Đập Suối Cái ở xã Giáp Lai, huyện Thanh Sơn trước đây chỉ là nơi chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhưng 3 năm nay đã trở thành nơi nuôi cá lồng tập trung của 9 hộ dân trong xã với 2 loại cá lăng và cá chép giòn. Hiện nay, các hộ duy trì 18 lồng nuôi và đang có xu hướng mở rộng lên 25 lồng để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ông Phạm Trần Đông ở xã Giáp Lai cho biết: Thời điểm này, giá các loại thủy sản giữ ở mức ổn định, dao động từ 130.000 - 150.000/kg cá chép giòn, 90.000 - 120.000 đồng/kg cá lăng. Thường chúng tôi tập trung thu hoạch những lồng đã đạt tiêu chuẩn về trọng lượng và chú trọng chăm sóc những lồng còn lại để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.
Hiện nay, ở các huyện, thành, thị có thế mạnh về nuôi trồng thủy sản đều xây dựng kế hoạch phát triển cụ thể, chú trọng đến thời vụ, cơ cấu giống, đối tượng nuôi thâm canh, xen canh phù hợp cho từng loại hình mặt nước; khuyến khích người dân nhân rộng các mô hình sản xuất thủy sản có hiệu quả và quy hoạch vùng sản xuất tập trung để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân.
Hà Nhung
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.