Nguồn tin: Nhân Dân, 11/12/2019
Ngày cập nhật:
12/12/2019
Bài 2: Hướng tới nghề nuôi biển ‘sạch’
Bên cạnh những thành quả đạt được, nghề nuôi trồng thủy sản và sản xuất giống tại khu vực Nam Trung Bộ đang phải đối mặt nhiều trở ngại lớn như biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp; công tác quy hoạch nghề nuôi biển chưa tốt gây ra tình trạng phát triển ồ ạt, chồng chéo; ô nhiễm môi trường nuôi trồng ngày càng nặng... Tất cả đã khiến cho quá trình phát triển nghề nuôi biển gặp nhiều thách thức lớn...
Báo động ô nhiễm môi trường
Tại Phú Yên, địa phương có thế mạnh về nuôi biển trong khu vực nam miền trung, chúng ta có thể dễ dàng thấy hai vấn đề chính là sự lộn xộn trong quy hoạch và tình trạng ô nhiễm của môi trường nuôi trồng. Tại vùng nuôi trọng điểm là thị xã Sông Cầu, nhiều năm nay, câu chuyện này đang diễn ra nóng bỏng. Tại đầm Cù Mông và vịnh Xuân Đài, trong tổng số diện tích được quy hoạch là 1.000 ha và có tới 91.280 lồng nuôi tôm hùm thì chỉ có 44.516 lồng nằm trong quy hoạch, còn số lồng nuôi ngoài quy hoạch là 46.764 lồng, tương đương hơn 50% là nuôi tự do, tự phát.
Chính tình trạng nuôi trồng tự phát, không kiểm soát là một trong những nguyên nhân chính gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh. Năm 2019, tại thị xã Sông Cầu có 89,75 ha nuôi tôm thẻ chân trắng bị bệnh hoại tử gan tụy cấp. Bệnh trên tôm hùm xảy ra trong hai ngày 27, 28-3-2019, tại vùng nuôi thuộc khu vực Núi Con, thôn Trung Trinh, xã Xuân Phương đã làm 13 nghìn con tôm hùm bông và tôm hùm xanh của 27 hộ nuôi bị chết, gây thiệt hại hàng tỷ đồng mà nguyên nhân ban đầu xác định là do ảnh hưởng môi trường nước. Rồi các loại bệnh trên cá mú, cá hồng nuôi đìa và nuôi lồng, hay bệnh trên ốc hương.
Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Sông Cầu Hải Anh cho rằng: Để xảy ra tồn tại nêu trên, ngoài nguyên nhân khách quan do thời gian qua, lượng giống tôm hùm nhập về quá nhiều, giá thấp cho nên nhân dân tập trung thả nuôi làm gia tăng số lượng lồng, bè, nguyên nhân chủ quan là do trách nhiệm quản lý của các cơ quan nhà nước, cụ thể là chậm ban hành quy định giao, cho thuê quyền sử dụng khu vực biển để sử dụng vào mục đích nuôi trồng thủy sản lồng, bè. Việc giao, cho thuê mặt nước biển nuôi trồng thủy sản còn chậm, do đó chưa đủ cơ sở để quản lý chặt chẽ mật độ lồng, bè nuôi và môi trường vùng nuôi, thực hiện xử lý đối với các trường hợp thả lồng, bè nuôi ở ngoài vùng quy hoạch.
Nuôi trồng đã như vậy, lĩnh vực sản xuất con giống cũng gặp nhiều khó khăn. Gần đây, tại tỉnh Khánh Hòa, nhiều cơ sở sản xuất giống thủy sản ở thị xã Ninh Hòa phải thu hẹp sản xuất, thậm chí đóng cửa. Nguyên nhân là do từ cuối năm 2018 đến nay, ốc hương thương phẩm gặp khó khăn trong khâu tiêu thụ. Cụ thể, giá ốc hương thương phẩm trên địa bàn giảm liên tục, hiện chỉ ở mức 130 nghìn đồng/kg ốc hương kích cỡ 150 con/kg. Ngoài ra, ốc hương nuôi ở một số địa bàn như Ninh Hòa, Vạn Ninh bị thiệt hại do dịch bệnh cho nên người nuôi không dám mạo hiểm nuôi ốc hương thương phẩm. Do đó, giá ốc giống cũng giảm theo làm các hộ sản xuất đành thu hẹp, tạm ngừng sản xuất.
Chất lượng môi trường nuôi ngày càng giảm sút, biến đổi khí hậu, thời tiết diễn biến bất thường đã tạo điều kiện cho bệnh dịch trên thủy sản phát triển. Hạ tầng vùng nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu, phần lớn các vùng nuôi không có kênh cấp, kênh thoát riêng biệt. Nghề nuôi phát triển mang tính tự phát, không theo quy hoạch cho nên hầu hết hộ nuôi chỉ có một đến hai ao/hộ, diện tích nuôi nhỏ (2.000 đến 5.000 m2) và không có ao lắng, xử lý nước trước khi thả nuôi. Do đó, khi có dịch bệnh xuất hiện, người nuôi không chủ động được nguồn nước đã qua xử lý để cấp, dẫn tới tình trạng lấy nguồn nước mang mầm bệnh vào ao nuôi, làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Cần những đột phá về công nghệ
Muốn khắc phục tận gốc những bất cập nêu trên, trước hết các địa phương phải sớm tiến hành đồng bộ và khoa học công tác quy hoạch nuôi biển. Thí dụ, tại vịnh Nha Trang có ba vùng được quy hoạch: Vùng mặt nước đảo Bích Đầm phát triển nuôi lồng truyền thống, diện tích khoảng 6 ha. Vùng mặt nước giữa đảo Bích Đầm và Đầm Bấy được quy hoạch nuôi công nghiệp khoảng 50 ha. Vùng mặt nước đảo Trí Nguyên (Hòn Miễu) phát triển nuôi lồng truyền thống, diện tích khoảng 14 ha. Vùng vịnh Cam Ranh cũng được quy hoạch ba vùng nuôi là vùng mặt nước tại Bình Ba với diện tích 100 ha, chủ yếu nuôi lồng chìm. Vùng mặt nước tại Cam Lập, diện tích khoảng 500 ha, chủ yếu nuôi lồng chìm. Vùng mặt nước tại Bình Hưng, diện tích khoảng 30 ha, nuôi lồng chìm và lồng nổi. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Khánh Hòa Lê Tấn Bản cho rằng, hiện nay ngư dân vẫn nuôi theo quy trình truyền thống, cho nên độ rủi ro về môi trường, thiên tai, dịch bệnh rất lớn. Thực tế này đòi hỏi muốn phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững, các địa phương phải có định hướng, có chính sách khuyến khích người dân chuyển sang nuôi công nghiệp, hình thành các trang trại trên biển, như trang trại của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I; trang trại của Công ty TNHH Thủy sản AUSTRALIS trên vịnh Vân Phong...
Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các mô hình tổ chức sản xuất; khuyến khích phát triển các mô hình liên kết, liên doanh giữa người sản xuất với các nhà máy chế biến, nhà đầu tư... nhằm hình thành chuỗi giá trị, nâng cao giá trị sản phẩm thủy sản nuôi. Kết quả bước đầu, tại thôn Bình Ba, xã Cam Bình (Cam Ranh) đã hình thành một hợp tác xã nuôi trồng thủy sản lồng bè với 12 thành viên; tại đảo Trí Nguyên, phường Vĩnh Nguyên (Nha Trang) đã hình thành sáu tổ, đội liên kết nuôi trồng thủy sản với khoảng 100 hộ nuôi lồng bè...
Đáng chú ý, phải áp dụng tiến bộ về khoa học, công nghệ vào những lĩnh vực mũi nhọn như nghiên cứu, sản xuất giống để tạo nên đột phá. Theo kỹ sư Phan Thanh Tịnh, phụ trách Công ty giống Việt Úc (Phú Yên) thì cần rà soát lại quy hoạch trên cơ sở sắp xếp lại các cơ sở sản xuất giống hiện có theo hướng an toàn sinh học, sản xuất các chủng loại giống chất lượng cao. Triển khai thực hiện việc truy xuất nguồn gốc đối với giống thủy sản nhằm tạo ra sản phẩm bảo đảm an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường cung cấp cho người nuôi thương phẩm; triển khai các chương trình nghiên cứu, chọn tạo các con giống có chất lượng, những loài thủy sản có giá trị kinh tế, đồng thời có khả năng thích ứng biến đổi khí hậu; triển khai các chương trình giám sát dịch bệnh để có biện pháp xử lý kịp thời hạn chế tác hại của dịch bệnh trong thời gian tới.
Mới đây, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III (Khánh Hòa) đã xây dựng thành công quy trình nuôi thương phẩm tôm hùm bông bằng thức ăn công nghiệp trong hệ thống bể sử dụng nước tuần hoàn gồm bể nuôi và bể lọc sinh học, và chọn lựa được các thiết bị phụ trợ như máy bơm, máy xử lý nước, máy ổn định nhiệt độ môi trường nuôi, máy cung cấp ô-xy nguyên chất, thiết bị lọc… Nhóm tác giả bước đầu đã chủ động sản xuất được thức ăn công nghiệp dạng viên sử dụng hoàn toàn nguyên liệu sẵn có trong nước, thay thế hoàn toàn thức ăn tươi. Chi phí thức ăn để sản xuất tôm hùm bông ước tính 300 nghìn đến 400 đồng/kg tùy vào cỡ tôm. Nuôi tôm hùm trong bể tuần hoàn nước bằng thức ăn công nghiệp là mô hình nuôi tiên tiến, chủ động kiểm soát chất lượng đầu vào (nước, thức ăn) do đó, giúp hạn chế dịch bệnh và tạo sản phẩm sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Mô hình nuôi trong bể cũng giúp giảm được rủi ro như bão, lũ lụt, ô nhiễm môi trường, ít lệ thuộc vào thiên nhiên là hướng đi phù hợp để phát triển bền vững nghề nuôi tôm hùm của Việt Nam.
Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III đã tham gia thực hiện nhiều chương trình bảo tồn các nguồn gien và giống thủy sản khu vực miền trung nói chung và Khánh Hòa nói riêng, hiện đang bảo tồn, lưu giữ 21 nguồn gien và giống thủy sản. Trong đó, có nhiều nguồn gien lần lượt được nghiên cứu thành công về mặt sinh sản nhân tạo, đưa vào khai thác và phát triển nguồn lợi thủy sản như: cá chẽm, cá măng biển, cá mú đỏ, cá mú cọp, cua hoàng đế, cá ngựa xám… Việc nghiên cứu thành công nêu trên đã góp phần phục tráng nguồn gien, tái tạo nguồn lợi thủy sản; phục vụ phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững của các tỉnh ven biển… (ĐÀO VĂN TRÍ - Phó Viện trưởng Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản III)
TÂM THỜI, CÁT HÙNG, TRÌNH KẾ VÀ PHONG NGUYÊN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.