• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Thừa Thiên Huế: Quản lý chặt nuôi tôm trên cát ở Ngũ Điền

Nguồn tin: Báo Thừa Thiên Huế, 14/12/2019
Ngày cập nhật: 15/12/2019

Môi trường vùng nuôi ngày càng ô nhiễm; việc người dân mở rộng ao nuôi không tuân thủ quy hoạch đang đặt nghề nuôi tôm trên cát ven biển Ngũ Điền (Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế) trước nguy cơ rủi ro ngày càng cao.

Mô hình nuôi tôm trên cát ở Phong Hải còn thiếu hồ xử lý

Bất chấp quy định

Hơn 10 năm nay, phong trào nuôi tôm trên cát ở Ngũ Điền bùng phát mạnh, người dân ồ ạt đào ao nuôi bất chấp các quy định, quy hoạch của cơ quan chức năng. Từ đó, dịch bệnh bắt đầu xảy ra triền miên, tôm chết hàng loạt và nhiều vụ nuôi liên tiếp thua lỗ, nợ nần chồng chất.

Ngành nông nghiệp xác định rõ, ngoài không tuân thủ lịch thời vụ, hầu hết các hộ dân chỉ đầu tư ao nuôi, không xây dựng ao lắng dùng để lọc nước trước khi đưa vào ao nuôi, xử lý nước trước khi thải ra môi trường bên ngoài. Đó là những nguyên nhân chính khiến vùng nuôi, ao nuôi bị ô nhiễm, nguồn nước trước khi đưa vào nuôi không đảm bảo vệ sinh môi trường khiến dịch bệnh thường xuyên xảy ra.

Vài vụ gần đây, người dân bắt đầu quan tâm đến việc đầu tư xây dựng ao lắng, xử lý nguồn nước trước khi đưa vào ao nuôi cũng như xả thải, cộng với chấp hành yếu tố khung lịch thời vụ nên đạt năng suất cao. Thấy nhiều hộ nuôi tôm lãi lớn, gần đây, nhiều hộ dân đầu tư đào ao hồ nuôi tôm trên cát, tập trung lớn nhất ở xã Phong Hải, Điền Hòa…

Hầu hết các hộ mới bắt đầu nuôi tôm đều không có ao lắng. Ngoài ra vẫn còn hơn một nửa diện tích ao hồ cũ (trong tổng diện tích trên 300 ha) chưa có ao lắng là điều đáng lo ngại, nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao.

“Hầu hết người dân đều ý thức được việc xây dựng ao lắng là điều cần thiết trong việc bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, người dân “đánh liều” không xây dựng ao lắng là do kinh phí đầu tư khá lớn. Diện tích, trị giá mỗi ao lắng tương đương một ao nuôi, chừng 300 triệu đồng/hồ. Theo quy định, cứ ba ao nuôi có một ao lắng. Trong khi các hộ chưa có sự liên kết, hợp tác trong sản xuất nên việc đầu tư ao lắng gặp khó khăn”, Chủ tịch UBND xã Phong Hải, ông Hoàng Văn Sửu lý giải.

Cần hợp tác sản xuất

Ông Võ Thanh - một hộ nuôi tôm ở xã Phong Hải cho rằng, trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn đầu tư nuôi tôm trên cát, các hộ dân cần có sự hợp tác, liên kết trong quá trình sản xuất là điều tất yếu. Mỗi hộ cá nhân thường đầu tư nuôi 1-2 hồ thì việc đầu tư một ao xử lý nước có thể sẽ lãng phí, thậm chí không có điều kiện về vốn. Vì vậy, các hộ cần có sự liên kết với nhau, cứ ba hồ nuôi xây dựng một ao lắng thì mỗi người chỉ góp 100 triệu đồng, thay vì không hợp tác buộc phải đầu tư cá nhân trên dưới 300 triệu đồng.

Hợp tác, liên kết sản xuất còn có nhiều thuận lợi khác. Khi có đầy đủ nguồn nhân lực thì quá trình xử lý ao hồ, chăm sóc tôm, thu hoạch có thể không nhất thiết phải thuê thêm nhiều nhân công, hạn chế nguồn chi phí tương đối lớn. Theo các hộ nuôi, cứ mỗi lần thuê nhân công thu hoạch phải tốn chi phí vài chục triệu đồng; hoặc thuê nhân công chăm sóc mỗi tháng 6-7 triệu đồng/người. Nếu liên kết sản xuất, có đầy đủ đội ngũ chăm sóc, quản lý, cho ăn, thậm chí cả thu hoạch… sẽ hạn chế nguồn chi phí khá lớn.

Theo quy hoạch tổng thể nuôi tôm trên cát huyện Phong Điền với diện tích gần 900 ha. Đến nay huyện đã phê duyệt quy hoạch bổ sung và chi tiết hạ tầng ở vùng cát ven biển xã Phong Hải 166,55 ha, Điền Hòa gần 67 ha, Điền Hương 386,16 ha. Vụ tôm cuối năm nay, toàn huyện đã đưa vào nuôi khoảng 300 ha…

Trong quá trình sản xuất lâu dài khó tránh khỏi những rủi ro, dịch bệnh, thua lỗ sẽ gặp khó khăn trong việc tái sản xuất. Các hộ khi hợp tác với nhau sẽ thuận lợi hơn trong việc chia sẻ, xoay xở nguồn lực tài chính để tái đầu tư. Khi có tình trạng lái buôn ép giá, các hộ hợp tác tìm đối tác, đại lý bao tiêu sản phẩm cũng thuận lợi hơn.

Chủ tịch UBND xã Điền Hòa, ông Nguyễn Đăng Phúc đánh giá, phần lớn các hộ nuôi tôm trên cát tại địa phương chủ yếu hộ cá nhân. Mỗi hộ thường nuôi một hồ, một số hộ có điều kiện nuôi đến 2-3 hồ. Các hộ chưa có sự hợp tác, liên kết trong quá trình sản xuất để chia sẻ, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là nguồn tài chính. Chính quyền đã và đang đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân hợp tác đầu tư sản xuất, tuân thủ các quy định, quy hoạch của cơ quan chức năng, hướng đến nuôi tôm trên cát ngày càng chuyên nghiệp.

Ông Nguyễn Đăng Thành, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phong Điền thông tin, trên cơ sở tham khảo ý kiến của các địa phương, người dân, ngành nông nghiệp, huyện Phong Điền cũng đã xây dựng quy hoạch nuôi tôm trên cát Ngũ Điền. Theo đó, huyện đã đầu tư xây dựng hệ thống kênh mương, thủy lợi, điện lưới… cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất. Riêng các chủ hồ phải tự đầu tư hệ thống ao lắng, tuy nhiên phần lớn hiện nay các hộ vẫn chưa tuân thủ. Sắp đến, huyện sẽ có biện pháp chấn chỉnh, xử lý đối với các hộ vi phạm, không tuân thủ quy định nhằm hướng đến mô hình nuôi tôm trên cát an toàn, bền vững và hiệu quả.

Bài, ảnh: Hoàng Triều

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang