• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Xã An Hải (Tuy An, Phú Yên): Tôm hùm nuôi lần lượt chết, người dân lao đao

Nguồn tin: Báo Phú Yên, 14/02/2019
Ngày cập nhật: 15/2/2019

Người dân ở thôn Phước Đồng, xã An Hải (huyện Tuy An) chuẩn bị ra đảo Lao Mái Nhà để kiểm tra tôm hùm nuôi - Ảnh: ANH NGỌC

Gần một tháng qua, tôm hùm nuôi tại khu vực đảo Lao Mái Nhà (xã An Hải, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) bị bệnh và chết rất nhiều. Mặc dù cơ quan chức năng đã xác định nguyên nhân bệnh và có phác đồ phòng, trị bệnh cho tôm hùm nuôi nhưng việc áp dụng gặp khó khăn.

Nhiều hộ nuôi bị thiệt hại

Theo UBND xã An Hải, trước Tết Nguyên đán đến nay, tôm hùm nuôi tại khu vực Lao Mái Nhà xảy ra tình trạng bệnh và chết nhiều. Mặc dù người nuôi đã cố gắng chữa trị nhưng tôm nuôi vẫn tiếp tục chết.

Ông Nguyễn Hữu Sự ở thôn Phước Đồng, xã An Hải, cho biết: Gia đình tôi thả nuôi 1.200 con tôm hùm tại khu vực Lao Mái Nhà đã hơn 10 tháng. Trước Tết đến nay, mỗi ngày có vài chục con chết; đến nay, khoảng một nửa số tôm nuôi đã chết và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Đa số tôm nuôi chết có biểu hiện đen mang, đỏ thân.

Còn theo ông Tô Văn Hiệp cũng ở thôn Phước Đồng, gia đình ông Hiệp thả nuôi 1.500 con tôm hùm thì đến nay đã chết khoảng 350 con… Trước tình hình này, nhiều hộ nuôi ở thôn Phước Đồng đã xuất bán tôm non cỡ từ 300-600g/con với giá 1,2-1,5 triệu đồng/kg. Còn tôm chết chỉ bán được khoảng 200.000-300.000 đồng/kg.

Ông Huỳnh Hữu Minh, Phó Chủ tịch UBND xã An Hải cho biết: Tại vùng nuôi khu vực Lao Mái Nhà có 35 hộ ở thôn Phước Đồng nuôi 162 lồng với 30.965 con tôm hùm, trong đó có khoảng 16.250 con tôm hùm bông (sao). Từ giữa tháng 1/2019 đến nay, tôm hùm nuôi tại đây bị bệnh và chết rất nhiều.

Theo thống kê đến ngày 13/2, số lượng tôm hùm đã chết khoảng 5.090 con, chủ yếu là tôm hùm bông; kích cỡ tôm bệnh và chết từ 300-500g/con. Xã đã báo cáo lên UBND huyện và Sở NN-PTNT để có sự hỗ trợ tìm ra nguyên nhân bệnh và cách phòng trị bệnh cho tôm hùm ở vùng nuôi này…

Trước tình hình nói trên, Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN-PTNT) đã cử cán bộ đến vùng nuôi tiến hành kiểm tra và lấy mẫu gửi đến Chi cục Thú y vùng IV để xét nghiệm bệnh. Ông Nguyễn Minh Phát, Phó Chi cục trưởng chi cục này cho biết: Qua kiểm tra dấu hiệu bệnh lý lâm sàng thì mang tôm bị tổn thương, có màu nâu, đen ở những vùng bị tổn thương. Các tổ chức mô tại vị trí tổn thương bị phá hủy, có mùi hôi… Căn cứ dấu hiệu bệnh lý lâm sàng, chi cục nhận định tôm hùm nuôi tại khu vực đảo Lao Mái Nhà bị bệnh đen mang.

Sớm có phác đồ điều trị hiệu quả

Theo ông Nguyễn Minh Phát, nguyên nhân phát sinh bệnh trên tôm hùm ở vùng nuôi Lao Mái Nhà là do mật độ tôm nuôi trong lồng quá dày (bình quân khoảng 190 con/lồng), môi trường nuôi biến động do chịu ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh tăng cường, áp thấp nhiệt đới trong những tháng cuối năm 2018 nên tôm nuôi bị ảnh hưởng.

Mặt khác, vùng nuôi tôm hùm của các hộ dân ở thôn Phước Đồng là khu vực nuôi hở, thời tiết xấu (biển động) sẽ gây khó khăn trong việc cho ăn và quản lý, chăm sóc tôm. Do đó, sức đề kháng của tôm bị suy giảm nghiêm trọng. Cộng thêm mưa lớn, nước ngọt từ các sông đổ ra biển mang theo lượng lớn phù sa, chất bẩn làm cho nước vùng nuôi bị vẩn đục, chất bẩn gây cản trở hô hấp và tạo điều kiện mầm bệnh phát triển, gây bệnh cho tôm nuôi…

Cũng theo ông Phát, để phòng bệnh đen mang cho tôm hùm, người nuôi cần lựa chọn mua giống tôm hùm chất lượng tốt, khỏe mạnh, không có dấu hiệu bệnh lý; không nuôi với mật độ dày. Mật độ tôm nuôi trong lồng (đối với kích cỡ tôm 300-500g trở lên) từ 3-5 con/m2 lồng.

Người nuôi cần quản lý cho ăn tránh dư thừa, sử dụng thức ăn cho tôm ăn phải tươi, được bảo quản tốt và sát trùng (có thể ngâm thuốc tím nồng độ 3-5mg/l) trước khi cho tôm ăn. Hàng ngày, người nuôi phải thu gom thức ăn dư thừa chuyển vào bờ xử lý, không nên thải ra môi trường gây ô nhiễm. Người nuôi cũng cần tăng cường vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ, không để hàu, hà, rong rêu… bám làm bít lưới lồng, cản trở lưu thông nước.

Ngoài ra, người nuôi cần bổ sung các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C, khoáng chất, men tiêu hóa trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm; thường xuyên theo dõi tình hình sức khỏe tôm, loại bỏ những cá thể tôm mắc bệnh ra khỏi hệ thống nuôi để hạn chế nguy cơ lây lan mầm bệnh. Nếu xảy ra vấn đề bất thường, dịch bệnh cần báo cáo sớm cho thú y cơ sở để được hướng dẫn các giải pháp xử lý kịp thời.

Ông Huỳnh Hữu Minh cho biết: Xã An Hải đã nhận được hướng dẫn cách phòng, trị bệnh đen mang trên tôm hùm nuôi của Chi cục Chăn nuôi và Thú y. UBND xã đã photo tài liệu gửi đến từng hộ nuôi tôm hùm và phát trên đài truyền thanh xã để bà con biết, áp dụng phòng trị bệnh cho tôm hùm nuôi. Tuy nhiên, khu vực nuôi tôm hùm ở Lao Mái Nhà đa số bà con nuôi lồng găm (nuôi chìm) và khu vực này có sóng biển lớn nên việc trục vớt lồng nuôi lên mặt nước để điều trị cho tôm gặp nhiều khó khăn. Địa phương kiến nghị cơ quan chức năng có giải pháp và phác đồ điều trị khác hiệu quả hơn nhằm giảm thiểu thiệt hại cho người nuôi.

ANH NGỌC

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang