Nguồn tin: Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, 06/01/2019
Ngày cập nhật:
8/1/2019
Ngư trường ngày càng cạn kiệt. Nhiều chuyến biển chỉ từ hòa tới lỗ nhưng nhiều ngư dân vẫn quyết tâm bám biển và mong một năm mới 2019 thành công với những chuyến tàu đầy ắp cá tôm.
Chuyến biển trúng 4 tấn cá thu của gia đình ông Nguyễn Đình Ngọc hồi tháng 4-2018.
Sáng cuối năm, tại một quán nước trong cảng Incomap (phường 5, TP. Vũng Tàu), ông Nguyễn Đình Ngọc (phường 2), chủ tàu cá lưới rê Ngọc Quỳnh 03 khoan thai thưởng thức từng ngụm cà phê sữa. Với ông Ngọc, năm 2018 là một năm thắng lợi. “Năm nay, 3 tàu lưới rê nhà tôi làm đạt. Sau 12 chuyến biển, mỗi người bạn ghe được chia 120 triệu đồng. Trong thời điểm đi biển khó khăn, nguồn lợi thủy sản giảm sút như hiện nay, đó là kết quả đầy may mắn!”, ông thật thà nói.
Ông Ngọc tâm đắc kể: “Sướng nhất vẫn là chuyến biển vào tháng 4. Khi ấy, tàu nhà tôi đánh bắt tại ngư trường Côn Đảo, gặp đàn cá thu di cư, mỗi giác lưới kéo lên là hàng trăm con dính lưới. Trong đó, nhiều con dài cả mét, nặng hàng chục kg, nhìn đã mắt lắm”. Chuyến biển đó, tàu nhà ông đánh được 4 tấn cá thu, doanh thu 540 triệu đồng, sau khi trừ chi phí, mỗi bạn ghe được chia 17 triệu đồng. Theo ông Ngọc, năm 2018 ngư dân hành nghề lưới cản, rê nổi, lưới rút đánh cá nổi sống được, còn hành nghề rê đáy, giã cào đánh cá chìm thì rất khó khăn.
Thật vậy, trái ngược với sự hân hoan của ông Ngọc là vẻ mặt thoáng buồn của ông Nguyễn Văn Thiên (phường 5, TP. Vũng Tàu), người sở hữu 7 chiếc tàu hành nghề lưới rê đáy. Ông Thiên cho biết: “Năm nay lưới rê đáy làm không đạt. Những chuyến đầu năm không có cá nên chỉ từ hòa tới lỗ. Rất may, 2 chuyến cuối cũng có chút đỉnh chia cho anh em bạn ghe”.
Như nhiều ngành nghề khác, đi biển có chuyến đạt, chuyến thua. Nhưng điều buồn nhất với những chủ tàu như ông Thiên là bạn ghe bỏ mình khi thua lỗ. Nhiều người còn giật luôn cả tiền ứng trước. “Để có bạn đi biển, chủ tàu thường phải ứng trước cho mỗi người từ 8-10 triệu đồng. Nếu chuyến đi trúng cá thì khi về họ sẽ có tiền trả lại. Nhưng chuyến nào thua lỗ, về đến bờ là họ “nhảy” qua tàu khác và quỵt nợ luôn”, ông Thiên kể.
Rời cảng Incomap, chúng tôi đến cảng Bến Đá cùng ở phường 5 - nơi được xem là cảng cá nhộn nhịp của TP. Vũng Tàu nói riêng và tỉnh BR-VT nói chung. Ghé vào một tiệm bán ngư cụ trong cảng bắt chuyện hỏi thăm về tình hình đi biển, chúng tôi gặp anh Võ Minh Vương - chủ tiệm, trước đây cũng là bạn ghe. Anh Vương cho biết, khoảng 10 năm trước, đi biển có nhiều cá, anh được chủ tàu chia phần cả chục triệu đồng mỗi chuyến, đủ tiền nuôi vợ con. Những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt nên thu nhập cũng thấp hơn. Phiên thì được chia vài ba triệu, phiên thì lỗ chẳng được đồng nào nên gia đình rất khó khăn. “Vì vậy, tôi quyết định bỏ biển về bờ buôn bán kiếm đồng lời qua ngày, tuy ít mà được đồng nào chắc đồng đó, lại không phải đối mặt hiểm nguy như đi biển”, anh Vương tâm sự.
Hướng tay chỉ về phía cặp tàu giã cào neo đậu tại cảng, anh Vương cho biết, đó là cặp tàu của ông Phạm Mai, đã kêu bán cả năm nay nhưng không ai mua. Theo anh Vương, vợ chồng ông Mai đóng cặp tàu này cho anh em trong gia đình hành nghề biển. Vài năm đầu, ông Mai cũng làm ăn được nhưng 3 năm trở lại đây, việc đánh bắt gặp khó khăn, chỉ từ hòa tới lỗ, bạn ghe bỏ đi, chủ tàu thì không kham nổi nên đành phải bán. “Thế nhưng, ngư trường ngày càng khan hiếm nên kêu bán mãi mà không ai hỏi mua. Vì vậy, ông phải neo tàu tại cảng. Tàu phơi mưa phơi nắng lâu dễ xuống cấp, thiết bị hỏng hóc, giá trị cũng giảm”, anh Vương nói.
Trong tháng 9 và 10-2018, hàng ngàn chiếc tàu trên địa bàn tỉnh cũng đã phải nằm bờ tại các cảng Bến Đá, Incomap, Phước Tỉnh… vì biển không có cá. Ngư dân Nguyễn Văn Nhỏ (ấp Tân An, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền) có 3 cặp tàu lưới kéo cho hay, gần đây, nguồn lợi từ các ngư trường suy giảm nên việc đánh bắt không thuận lợi, sản lượng giảm. “Nhiều chuyến biển gần đây của gia đình tôi không có lãi, thậm chí thua lỗ. Tôi và nhiều chủ tàu phải để tàu nằm bờ, thậm chí có người kêu bán tàu nhưng không ai mua”, ông Nhỏ nói.
Khi được hỏi về mong ước trong năm mới, các chủ tàu, tài công và bạn ghe mà chúng tôi tiếp xúc đều có chung câu trả lời: Mong trời yên biển lặng, không có bão tố và “mẹ Biển” ban lộc để có những chuyến tàu đầy ắp tôm cá. “Chúng tôi sinh ra từ biển thì cũng quyết sống chết với nghề ông cha để lại, vẫn tiếp tục vươn khơi bám biển!”, một chủ tàu khẳng định.
Bài, ảnh: SA HUỲNH
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.