Nguồn tin: Báo Khánh Hòa, 11/03/2019
Ngày cập nhật:
15/3/2019
Việc thành lập Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh nuôi cá thương phẩm tại thôn Ngọc Diêm, xã Ninh Ích, thị xã Ninh Hòa (Khánh Hòa) đã mở ra hướng phát triển mới cho nghề nuôi trồng thủy sản trên địa bàn, hình thành nên mối liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
Hiệu quả bước đầu
Đưa chúng tôi ra bè cá chim vừa được thả nuôi vụ mới, bà Võ Thị Thu Thủy - Tổ trưởng Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh nuôi cá thương phẩm thôn Ngọc Diêm hồ hởi khoe về lợi nhuận vụ cá vừa qua. Với bè nuôi 30 ô, gia đình bà Thủy thu hoạch được gần 10 tấn cá các loại gồm: chẽm, hồng mỹ, bớp, chim. Sau khi trừ chi phí, lãi hơn 300 triệu đồng. Bà Thủy cho biết, trước đây, gia đình bà cũng như các hộ nuôi trong thôn mạnh ai nấy làm, theo kiểu tự phát, nuôi cá gì, dịch bệnh ra sao, lấy con giống ở đâu, đầu ra thế nào… chỉ có mình biết. Vì vậy, việc nuôi trồng ngày càng khó khăn do ô nhiễm môi trường, nguồn giống không đảm bảo, đầu ra bấp bênh, thường bị thương lái ép giá. Chưa kể, sau cơn bão số 12 năm 2017, hầu hết lồng bè, đìa của người dân đều bị thiệt hại, nhiều gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Thế rồi “cái khó ló cái khôn”, nhờ sự đoàn kết giúp đỡ nhau trong sản xuất thông qua tổ hợp tác, việc nuôi cá trong thôn lại được hồi sinh.
Đìa cá mú của gia đình bà Nguyễn Thị Kim Liên sắp cho thu hoạch.
Bà Ngô Thị Kim Liên, thành viên tổ hợp tác cho biết, cơn bão số 12 cuối năm 2017 đã làm 3 đìa nuôi cá với diện tích 17.000m2 của gia đình bị thiệt hại hoàn toàn. Đầu năm 2018, gia đình bà phải thuê nhân công cải tạo, sửa chữa lại đìa với chi phí gần 1 tỷ đồng và tham gia vào tổ hợp tác. Sau khi thảo luận, gia đình bà đăng ký nuôi cá chẽm và cá mú. “Nhờ được các thành viên trong tổ chia sẻ, gia đình biết áp dụng khoa học kỹ thuật, lấy được nguồn giống tốt nên cá phát triển nhanh. Cùng với đó, chúng tôi có sự thống nhất, không thu hoạch ồ ạt một lần, tránh để tiểu thương ép giá nên giá cả khá ổn định. Vụ mùa vừa qua, trừ chi phí, 2 đìa nuôi của tôi lãi hơn 200 triệu đồng. Khi tham gia tổ, gia đình thực hiện việc đăng ký số lượng, để nếu không may có bị thiên tai, dịch bệnh sẽ được Nhà nước hỗ trợ”, bà Liên chia sẻ.
Hỗ trợ nhau trong sản xuất
Theo bà Đặng Thị Thúy Hà - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Ninh Ích, những năm gần đây, mô hình nuôi cá trên địa bàn xã phát triển tương đối nhanh với quy mô ngày càng lớn, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Song, với việc nuôi trồng riêng lẻ theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm đã dần phát sinh nhiều vấn đề bất cập như: ô nhiễm môi trường, cạnh tranh thị trường tiêu thụ làm giảm giá trị sản phẩm. Cùng với đó, người dân không đăng ký nuôi theo Nghị định 02 của Chính phủ về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh nên đã gây khó khăn cho công tác thống kê và hỗ trợ khi hộ nuôi gặp rủi ro, nhất là sau cơn bão số 12 năm 2017.
Với tình hình đó, giữa năm 2018, Hội LHPN xã Ninh Ích đã thành lập Tổ hợp tác sản xuất và kinh doanh nuôi cá thương phẩm tại thôn Ngọc Diêm với 14 thành viên. Trung bình mỗi tháng, tổ sinh hoạt 1 - 2 lần, các thành viên sẽ thông tin về tình hình nuôi, quá trình phát triển cá của mình. Từ đó, nếu cá của hộ nào có vấn đề thì tổ hợp tác sẽ liên hệ với kỹ thuật đến khảo sát và bàn bạc tìm giải pháp khắc phục; cá bị dịch bệnh, thu gom sạch sẽ đưa đi tiêu hủy, không xả ra môi trường gây ô nhiễm, lây lan đến các hộ khác. Thức ăn cho cá được các thành viên chọn một chỗ mua uy tín với số lượng lớn nên giá rẻ hơn thị trường. Nhờ đó, vụ nuôi vừa qua, hầu hết các thành viên trong tổ đều có lãi. “Khó khăn lớn nhất của các thành viên hiện nay là nguồn vốn vay. Các thành viên trong tổ mới chỉ đóng quỹ tương trợ (500.000 đồng/thành viên) để thăm hỏi, động viên các gia đình khó khăn. Thời gian tới, tổ sẽ tính toán việc đóng góp lợi nhuận để có vốn cho các thành viên vay, xoay vòng mở rộng sản xuất”, bà Thủy cho biết.
“Hiện nay, tất cả các thành viên trong tổ đều được Hội LHPN xã tín chấp cho vay nguồn vốn giải quyết việc làm và vốn vệ sinh môi trường. Tuy nhiên, các nguồn vốn này khá hạn chế, trong khi vốn đầu tư nuôi cá rất lớn. Vừa qua, Hội LHPN tỉnh cũng hỗ trợ 100 triệu đồng, tổ đã cho 3 thành viên vay. Ngoài ra, Hội LHPN xã đã làm việc với các ngân hàng về việc tín chấp cho các thành viên trong tổ vay vốn nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. Thời gian tới, hội tiếp tục vận động thêm hội viên tham gia tổ và thành lập các tổ nhằm góp phần phát triển các vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp; đặc biệt là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản theo quy hoạch”, bà Hà nói.
CẨM VÂN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.