• TIN TỨC
  • KỸ THUẬT
  • SẢN PHẨM
  • DOANH NGHIỆP
  • VIỆC LÀM
  • CNN
  • SVC
  • THỰC PHẨM
  • KHÁM PHÁ
  • ENGLISH
  • 中文
  • English Tiếng Việt

Mở hướng nuôi tôm an toàn, bền vững

Nguồn tin: Báo Bình Định, 19/03/2019
Ngày cập nhật: 21/3/2019

Ðể chủ động phòng, chống dịch bệnh, nâng cao hiệu quả kinh tế trong việc nuôi tôm, các hộ ở thôn Ðông Ðiền, xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) đã liên kết thành tổ cộng đồng nuôi tôm. Cách làm này mang lại hiệu quả thiết thực trên nhiều mặt.

Cách đây hơn 10 năm, người dân ở Đông Điền chủ yếu trồng lúa. Nhưng do đất ruộng bị nhiễm mặn, năng suất thấp, năm 2006, được sự hỗ trợ của tỉnh, huyện, xã Phước Thắng chuyển đổi đất ruộng ở đây thành vùng nuôi tôm, mở hướng phát triển kinh tế cho người dân.

Các hộ nuôi tôm thôn Đông Điền đã dẫn nước vào ao và chuẩn bị thả giống cùng thời điểm theo lịch thời vụ.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Thắng, chia sẻ: “Sau khi hình thành vùng nuôi tôm Đông Điền, xã đã thành lập chi hội nuôi tôm để mọi người giúp nhau sản xuất và được người dân đồng tình ủng hộ. Từ đó, hiệu quả kinh tế tăng lên, đời sống người dân “dễ thở” hẳn”.

Nhưng phải đến năm 2016 - 2017, nhờ Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (CRSD) tác động, ở Đông Điền hình thành cộng đồng nuôi tôm và nghề nuôi tôm ở đây đã thay đổi vượt bậc. Dự án đã hỗ trợ xây dựng, nâng cấp hệ thống kênh cấp nước, thoát nước; xử lý chất thải chung; hệ thống điện phục vụ sản xuất; hỗ trợ 50% tôm giống đảm bảo chất lượng cho các hộ dân trong mô hình thả nuôi vụ 1 năm 2017. Kết quả Dự án, bình quân mỗi hộ đã thu lãi từ 80 - 100 triệu đồng/vụ.

Ông Phạm Văn Chạy, Chi hội trưởng cộng đồng nuôi tôm Đông Điền, cho biết: “Các hộ tham gia nuôi tôm theo mô hình cộng đồng thực hiện theo quy định chặt chẽ, với phương châm “3 cùng”: Cùng cải tạo ao nuôi một lúc, cùng lấy nước vào – thải nước ra, cùng chọn mua con giống đạt chất lượng để thả nuôi cùng thời điểm. Chúng tôi vừa tuân thủ nghiêm ngặt lịch thời vụ, quy trình kỹ thuật được tập huấn, vừa dựa vào tính cộng đồng, giúp đỡ nhau tận tình trong sản xuất”.

Hiệu quả từ cách làm mới đã thuyết phục được nhiều người. Đến nay, cộng đồng nuôi tôm Đông Điền có 43 hộ tham gia với 45 ao nuôi tôm thẻ chân trắng theo hình thức bán thâm canh - an toàn sinh học, tổng diện tích khoảng 23,5 ha.

Ông Lê Thanh Tâm, thành viên cộng đồng, kể: “Dự án không chỉ hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, mà còn hỗ trợ quy trình nuôi theo mật độ thả nuôi 40 con giống/m2, con giống mua tại Công ty CP Việt - Úc Bình Định, đã qua kiểm định, tỉ lệ nuôi thành công rất cao. Dự án đã kết thúc từ cuối năm 2017, không còn được hỗ trợ nhưng người nuôi tôm ở đây vẫn duy trì quy trình nuôi như trước đó, bởi hiệu quả cao trên nhiều mặt”.

Cùng chung niềm vui, ông Đặng Tấn Hùng, một hộ nuôi tôm ở đây, hồ hởi: “Lúc trước, vùng này chỉ có một mương vừa cấp vừa thoát nước, vì thế khi dịch bệnh phát sinh là lây lan trên diện rộng. Năm không có dịch mỗi hộ nuôi tôm lãi từ 10 - 20 triệu đồng/năm, có hộ lỗ nặng. Từ khi có CRSD, mỗi năm một hộ thu lợi nhiều hơn trước gấp 8 - 10 lần. Cộng đồng dân cư vì thế càng thêm gắn kết”.

Mô hình cộng đồng nuôi tôm không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn mở ra một hướng đi mới trong phát triển nghề nuôi trồng thủy sản an toàn, bền vững - nhìn từ điển hình của mô hình cộng đồng nuôi tôm Đông Điền. Theo ông Phạm Quang Ân, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước, từ thành công của Đông Điền, huyện đang khuyến khích các địa phương khác có nghề nuôi tôm, như Vinh Quang (xã Phước Sơn), Kim Đông (Phước Hòa) áp dụng theo.

Ông Phạm Thanh Nhân, Trưởng phòng Nuôi trồng Thủy sản - Chi cục Thủy sản (Sở NN&PTNT), cho hay: “Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được nhiều mô hình cộng đồng nuôi tôm ở Hoài Mỹ, Hoài Hải (huyện Hoài Nhơn); Mỹ Chánh (huyện Phù Mỹ)... góp phần tăng hiệu quả sản xuất, giảm nguy cơ dịch bệnh, ổn định đời sống cho người dân. Chi cục sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phối hợp cùng chính quyền các địa phương tiếp tục nhân rộng mô hình này trong thời gian tới”.

Dự án Nguồn lợi ven biển vì sự phát triển bền vững (Coastal Resources For Sustainable Development Project - CRSD) là dự án do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ, gồm 4 hợp phần: Tăng cường năng lực thể chế cho quản lý nghề cá bền vững (5,3 triệu USD); Thực hành tốt trong nuôi trồng thủy sản bền vững (48,1 triệu USD); Quản lý bền vững khai thác thủy sản ven bờ (52,2 triệu USD); Quản lý, theo dõi và đánh giá Dự án (12,3 triệu USD).

Việc hình thành cộng đồng nuôi tôm ở Ðông Ðiền thuộc hợp phần thứ hai. Mục tiêu của hợp phần là hỗ trợ việc xúc tiến và phát triển thực hành tốt trong nuôi trồng thủy sản ven biển và nuôi biển bền vững, có trách nhiệm tại các vùng được lựa chọn, tập trung vào hình thức nuôi quảng canh, nhờ cải thiện tính bền vững, quản lý chất lượng và rủi ro.

ĐOÀN NGỌC NHUẬN

Các tin mới

 

Nhấn vào đây để xem các tin trước

Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...

DNTN VIỆT LINH
Địa chỉ: 71/14 Trần Phú, Phường 4, Quận 5, TP. Hồ Chí Minh
Skype: vietlinhsaigon Messenger: vietlinhsaigon
Zalo/viber: 0902580018 Facebook: VietLinh
Email: vietlinh[vietlinh.vn], vietlinhsaigon[gmail.com]
TRANG TIN ĐIỆN TỬ VIỆT LINH - ĐI CÙNG NHÀ NÔNG
vietlinh.com.vn Giấy phép số 52/GP-BC do Cục Báo chí Bộ Văn Hoá Thông Tin cấp ngày 29/4/2005
vietlinh.vn Giấy phép số 541/GP-CBC do Cục Báo chí Bộ Thông Tin và Truyền thông cấp ngày 30/11/2007
® Viet Linh giữ bản quyền, © Copyright 2000 vietlinh.vn

Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.

Về đầu trang