Nguồn tin: Báo An Giang, 28/03/2019
Ngày cập nhật:
29/3/2019
Chưa bao giờ tình hình thời sự về con cá tra lại sôi động như hiện nay, khi giá cá tra nguyên liệu từ 35.000-36.000 đồng/kg rớt xuống mức 23.000 - 23.500 đồng/kg. Thị trường giao dịch cá nguyên liệu trở nên trầm lắng.
Từ thị trường xuất khẩu…
Những ngày qua, giá cá tra trên thị trường rớt xuống mức thấp, làm cho cả gia đình ngư dân Nguyễn Văn Tựa (xã Phú Bình, Phú Tân, tỉnh An Giang) như ngồi trên “đống lửa”. Bởi, chỉ còn 20 ngày nữa, cá hầm nhà ông thu hoạch nhưng với mức giá 23.500 đồng/kg, ông lỗ ít nhất 2,5 tỷ đồng. “Thời điểm tháng 10-2018, giá cá tra trên thị trường 36.000 đồng/kg. Lúc đó, tôi xuất được 300 tấn. Bình quân mỗi kg cá, tôi lời trên 10.000 đồng. Thấy giá cá đang lên nên ngay sau khi thu hoạch, tôi đã tập trung nguồn lực, mở rộng diện tích nuôi lên gần 8ha. Lúc này, cá tra giống thiếu hụt nên đợt thả giống vào hầm lần đó, tôi mua cá giống đến 65.000 đồng/kg (cá giống loại 30 con/kg). Giá cá giống thả vào hầm cao, giá thức ăn trong giai đoạn này giảm không đáng kể, giá bán xuống thấp nên vụ này cầm chắc thua lỗ…” - ông Tựa phân tích.
Thời gian qua, giá cá tra nguyên liệu ở mức cao, không chỉ có gia đình ông Tựa mở rộng diện tích nuôi mà có rất nhiều hộ, nhiều thành phần trong xã hội tham gia nuôi cá tra. Từ người bán vật liệu xây dựng, bán vàng, cán bộ, công chức đến nhân viên ngành ngân hàng cũng “nhảy vào”, từ đó đẩy thị trường con giống lên mức đỉnh. Có thời điểm, ngư dân phải thả con giống vào hầm ở mức 72.000 đồng/kg, giá con giống cao nhưng tỷ lệ hao hụt rất lớn (bởi thời tiết, khí hậu), từ đó làm cho giá thành nuôi không thể ở mức thấp. Đây là một trong những nguyên nhân làm nhiều người đang trong trạng thái “ăn ngủ không yên” khi giá cá nguyên liệu trở về điểm “hòa vốn”.
Lý giải về tình trạng giá cá tra nguyên liệu giảm những ngày qua, ông Doãn Tới, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Nam Việt cho biết, Mỹ là một trong những thị trường tiêu thụ cá tra lớn nhất của Việt Nam. Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu vào thị trường này đạt 549,45 triệu USD (tăng 59,5% so với năm 2017). Năm rồi, thị trường này nhập nhiều hàng nên những tháng đầu năm 2019, các nhà nhập khẩu mua ít lại. Thị trường Trung Quốc và Hồng Kông mua hàng chậm lại. Nếu những năm trước, cá tra xuất khẩu qua đường tiểu ngạch nhiều, hiện nay tất cả phải xuất đường chính ngạch. Năm 2018, thị trường này nhập khẩu 528,657 triệu USD (tăng 28,7% so với năm 2017). Riêng thị trường Liên minh Châu Âu (EU) giữ vị trí số 3. Năm 2018 đạt 243,958 triệu USD (tăng 20,2% so với năm 2017), tuy nhiên thị trường này đang gặp khó.
Giá cá tra giảm, tình hình tiêu thụ cá nguyên liệu trầm lắng
…đến việc tổ chức sản xuất
Thị trường xuất khẩu gặp khó, trong khi sản lượng nuôi tăng dẫn đến cung - cầu bị “lệch pha”. Hiện các nhà nhập khẩu hạn chế nhập hàng. ngư dân cần bình tĩnh, chờ tín hiệu của thị trường. Ngay lúc này, bà con lại bán tháo, từ đó khiến tình hình trở nên phức tạp. Nếu năm 2006 và 2007, toàn vùng ĐBSCL có sản lượng nuôi cá tra cao nhất 1,2 triệu tấn/năm. Đến năm 2018, sản lượng lên 1,42 triệu tấn/năm. Diện tích thả nuôi cá tra đến 5.400ha. Sản xuất nhiều nhưng thị trường mở ra không kịp, từ đó dẫn đến rủi ro khó lường. “Phải nhìn nhận rằng, hơn 20 năm phát triển, ngành công nghiệp cá tra đạt được những kết quả rất đáng tự hào nhưng nếu nhìn ngành hàng này ở góc độ khác vẫn còn nhiều chuyện phải làm. Cụ thể, ngoài con giống chất lượng, ngành này còn phải tiếp tục vận động 20% hộ nuôi tự do đi vào chuỗi liên kết. Hiện nay, khi giá cá nguyên liệu rớt xuống thấp, bà con đã bán cá, điều đó làm cho thị trường càng trở nên phức tạp” - bà Trần Thị Lệ Thu (xã Đa Phước, An Phú) nhận xét.
Mới đây, tại hội nghị triển khai kế hoạch sản xuất và xuất khẩu của ngành hàng cá tra năm 2019 (tổ chức tại An Giang vào ngày 18-2) đã đề ra mục tiêu, kim ngạch xuất khẩu sẽ đạt 2,4 tỷ USD, tăng 12% so năm 2018. Song, trong bối cảnh giá cá nguyên liệu trở về điểm “hòa vốn” như hiện nay, mục tiêu này sẽ khó đạt được. “Để ngành hàng cá tra phát triển bền vững, không nên mở thêm các nhà máy chế biến cá tra. Các địa phương không mở rộng diện tích nuôi, kiểm soát tốt sản lượng để tránh hiện tượng “cung vượt cầu”. Doanh nghiệp tập trung nâng chất lượng sản phẩm; tìm kiếm và mở rộng thị trường, chú ý khôi phục thị trường truyền thống như Nam Mỹ. Có như vậy ngành cá tra mới có thể vượt qua khó khăn…” - ông Tới đề xuất.
“Doanh nghiệp, chính quyền các tỉnh cần rà soát lại vùng nguyên liệu, rà soát lại 20% diện tích nuôi cá tra tự phát (chưa liên kết với doanh nghiệp trong bao tiêu sản phẩm) nhằm vận động người nuôi vào chuỗi liên kết. Cần tạo dựng thị trường hiện đại bằng sản phẩm chất lượng, hệ thống phân phối hiện đại, phải chú ý thị trường xuất khẩu lẫn trong nước, đặc biệt là thị trường 20 triệu khách du lịch trên thế giới hàng năm đến Việt Nam…” - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường lưu ý.
MINH HIỂN
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.