Nguồn tin: Báo Quảng Bình, 01/04/2019
Ngày cập nhật:
3/4/2019
Những ngày này, các hộ nuôi tôm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đã cơ bản hoàn thành công tác cải tạo ao hồ, làm sạch môi trường ao nuôi, đắp lại đê, bờ bao… để sẵn sàng cho vụ nuôi tôm chính của năm 2019. Cùng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng của bà con cho vụ nuôi, các cơ sở sản xuất và dịch vụ con giống trên địa bàn tỉnh cũng đã có những giải pháp tích cực nhằm hỗ trợ cho nông dân có một vụ nuôi đạt hiệu quả cao.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp-PTNT, tổng diện tích nuôi thủy sản mặn lợ toàn tỉnh đến thời điểm hiện tại đạt gần 1.500ha, sản lượng thu hoạch ước đạt 4.600 tấn. Trong đó, diện tích nuôi tôm mặn lợ gần 1.300ha, tập trung chủ yếu tại các huyện Bố Trạch (720ha), TX. Ba Đồn (250ha), huyện Quảng Ninh (128ha), TP. Đồng Hới (gần 90ha)…
Nông dân xã Võ Ninh (Quảng Ninh) cải tạo ao hồ chu đáo, cẩn thận để diệt mầm bệnh trước khi bắt đầu vụ nuôi mới.
Sau sự cố môi trường biển năm 2016, nghề nuôi tôm mặn lợ tỉnh ta đang dần đi vào ổn định và hướng tới phát triển bền vững. Hiện tại, đa số các hộ nuôi tôm đều đã ý thức và chủ động áp dụng các quy sinh công nghệ sinh học, VietGAP… trong sản xuất nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm và thân thiện với môi trường; một số cơ sở nuôi lớn được Bộ Nông nghiệp-PTNT chứng nhận doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, như: Công ty CP Thanh Hương, Công ty CP Đức Thắng...
Bước vào vụ nuôi chính năm 2019, đa số hộ nuôi tại các vùng nuôi tôm trọng điểm, như: Quảng Phúc, Quảng Thuận (TX. Ba Đồn), Đồng Trạch, Hạ Trạch (Bố Trạch), Võ Ninh, Hàm Ninh (Quảng Ninh)…, đã hoàn thành công tác cải tạo ao hồ, kênh mương… để tạo sự thông thoáng, lưu thông nguồn nước nhằm phục vụ sản xuất của địa phương. Một số hộ nuôi sau khi hoàn thành công tác cải tạo ao hồ đã tiến hành thả giống tôm theo lịch thời vụ được Sở Nông nghiệp-PTNT hướng dẫn.
Đối với những vùng nuôi tôm trên cát, như: Bảo Ninh (TP. Đồng Hới), Nhân Trạch, Trung Trạch, Đại Trạch (Bố Trạch), Hải Ninh (Quảng Ninh), Hồng Thủy (Lệ Thủy)…, do có đặc thù nuôi 3-4 vụ/năm, nên các hộ nuôi sau mỗi vụ thu hoạch tôm đã dành thời gian khoảng 20 ngày để cải tạo ao hồ nhằm hạn chế lây lan mầm bệnh từ vụ trước sang vụ sau.
Theo ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT, trên cơ sở tình hình nuôi trồng thủy sản tại các địa phương, nhằm giúp bà con chủ động trong sản xuất bảo đảm hiệu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, Sở Nông nghiệp-PTNT đã có hướng dẫn về mùa vụ thả giống tôm và kỹ thuật nuôi.
Theo đó, đối với vụ nuôi năm 2019, thời gian thả giống tôm thẻ chân trắng chính vụ từ tháng 3 đến tháng 8; những vùng nuôi có cơ sở hạ tầng tốt, môi trường nước ổn định có thể nuôi tôm vụ đông thì thả giống từ giữa tháng 9 đến hết tháng 10.
Đối với tôm sú thả giống từ tháng 4 đến tháng 6. Riêng những cơ sở nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, có cơ sở hạ tầng bảo đảm và chủ động kiểm soát hoàn toàn các yếu tố môi trường, dịch bệnh thì có thể thả giống quanh năm.
Để đáp ứng nhu cầu về con giống thả nuôi, các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống thủy sản trên địa bàn tỉnh đã chủ động sản xuất và dịch vụ giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng bảo đảm chất lượng cho các hộ nuôi. Năm 2018, 2 cơ sở sản xuất giống là Công ty Cổ phần CP Việt Nam và Trung tâm Giống Thủy sản đã sản xuất được gần 1.865 triệu con tôm giống PL12-15 (trong đó tôm thẻ chân trắng ước đạt 1.850 triệu con).
Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có 5 cơ sở ương dưỡng tôm giống; 4 cơ sở kinh doanh, dịch vụ cá giống các loại; 7 cơ sở sản xuất, kinh doanh thức ăn, sản phẩm xử lý môi trường thủy sản và 3 cơ sở kinh doanh thuốc thú y thủy sản đã cơ bản đáp ứng được nhu cầu của người nuôi thủy sản trong tỉnh…
Ông Phan Duy Thành, Giám đốc Trung tâm Giống Thủy sản chia sẻ, bà con nuôi tôm bây giờ rất chú trọng đến nguồn cung cấp tôm giống và chỉ mua giống tại các cơ sở có uy tín, có thương hiệu nhằm bảo đảm chất lượng tôm giống. Năm 2019, Trại giống thủy sản mặn lợ của Trung tâm sẽ chủ động sản xuất 15 triệu con giống tôm sú, 35 triệu con giống tôm thẻ chân trắng để cung cấp cho bà con nuôi tôm trong tỉnh.
Người nuôi tôm trong tỉnh đã quan tâm đến việc lựa chọn tôm giống có nguồn gốc do Trung tâm giống thủy sản cung cấp.
Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển nông nghiệp của tỉnh, đơn vị cũng đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ giá cho trên 9,2 triệu con giống tôm thẻ chân trắng (mức hỗ trợ 40% giá giống) cho người nuôi tại các vùng chuyển đổi nông nghiệp, vùng bị thiên tai, dịch bệnh.
Đánh giá về công tác chuẩn bị cho vụ nuôi tôm năm 2019, ông Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT cho biết, quá trình kiểm tra tại một số vùng nuôi tôm trọng điểm của tỉnh, như: Bố Trạch, Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, cho thấy, đa số các cơ sở nuôi đều tuân thủ quy định có ao chứa lắng tối thiểu chiếm 15% tổng diện tích ao nuôi theo khuyến cáo của Sở Nông nghiệp-PTNT.
Đối với các diện tích nuôi bị nhiễm bệnh trong năm 2018, bà con đã chú ý rút kinh nghiệm từ năm trước nên công tác cải tạo ao hồ được thực hiện rất chu đáo, cẩn thận để diệt mầm bệnh. Các cơ sở nuôi cũng đã quan tâm đến việc mua tôm giống có nguồn gốc, bảo đảm chất lượng và thực hiện phúc kiểm dịch đầy đủ. Đây là tiền đề để người nuôi tôm tỉnh ta chủ động, tự tin bước vào vụ nuôi tôm mới.
Ngọc Lan
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.