Nguồn tin: Báo Bình Thuận, 01/04/2019
Ngày cập nhật:
3/4/2019
Những năm gần đây, vùng biển ven bờ của Bình Thuận luôn là điểm nóng của các hoạt động khai thác trái phép, trong đó nổi cộm là hoạt động khai thác hải sản non, sai tuyến, sử dụng kích thước mắt lưới nhỏ của nghề lưới kéo, sử dụng kích điện và chất nổ... Do đó, công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm.
Tái tạo nguồn lợi
Hàng năm, căn cứ vào kết quả khảo sát ngư trường, mật độ phân bố, trữ lượng, kích thước của các loài hải đặc sản khai thác và quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT, địa phương đã triển khai áp dụng việc cấm khai thác có thời hạn một số loài hải đặc sản trên toàn vùng biển của tỉnh, nhằm đảm bảo hài hòa giữa bảo vệ nguồn lợi thủy sản và lợi ích kinh tế của ngư dân.
Thả giống nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Không chỉ chú trọng việc quản lý và phục hồi nguồn lợi thủy sản vùng biển ven bờ, Bình Thuận còn kết hợp việc điều chỉnh cường lực khai thác với sản xuất giống nhân tạo thả bổ sung vào môi trường tự nhiên, giúp duy trì ổn định nguồn lợi nhuyễn thể hai mảnh vỏ trong tỉnh đang bị suy giảm. Những năm qua, Chi cục Thủy sản, Hội Nghề cá tỉnh đã tổ chức thả được 21.212.696 điệp con xuống vùng biển xã Phước Thể và thả bổ sung 112,4 tấn sò lông con xuống vùng biển xã Thuận Quý. Bên cạnh đó, Ban quản lý Khu bảo tồn biển Hòn Cau cũng tổ chức thả hơn 1.000 cá thể hải sâm cát trong phạm vi khu bảo tồn biển, góp phần khôi phục nguồn lợi, tăng mật độ quần thể của các loài thủy sản đã bị khai thác cạn kiệt, đem lại lợi ích thiết thực cho ngư dân và bảo tồn nguồn tài nguyên đa dạng sinh học.
Một trong những điểm nổi bật để tái tạo nguồn lợi thủy sản, là Bình Thuận đã thực hiện các mô hình sản xuất gắn với cộng đồng, như: Xây dựng và thực hiện dự án “Bảo vệ rùa biển phục vụ phát triển du lịch sinh thái tại Khu bảo tồn biển Hòn Cau”. Dự án trên đã bảo vệ được hàng trăm ổ trứng trong Khu bảo tồn và phục hồi được bãi đẻ truyền thống của loài rùa. Bên cạnh đó, Bình Thuận đã phối hợp với nhiều tổ chức cá nhân trong và ngoài nước thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển loài rùa biển. Trong 5 năm qua, Bình Thuận đã tiếp nhận 16 cá thể rùa và tổ chức thả về biển.
Ngoài ra, Bình Thuận còn triển khai 2 mô hình đồng quản lý bảo vệ và phát triển nguồn lợi điệp quạt tại xã Phước Thể, huyện Tuy Phong. Và mô hình đồng quản lý sò lông tại xã Thuận Quý, huyện Hàm Thuận Nam. Sau khi mô hình được triển khai, vai trò của cộng đồng ngư dân tham gia vào công tác quản lý, bảo vệ nguồn lợi thủy sản được nâng cao rõ rệt. Trong 2 năm thực hiện dự án, cộng đồng ngư dân xã Phước Thể đã hỗ trợ Chi cục Thủy sản xử lý hơn 178 vụ vi phạm.
Đặc biệt cộng đồng ngư dân xã Thuận Quý đã huy động đóng góp được 285 triệu đồng phục vụ cho việc thả giống, thả rạn nhân tạo, ngăn chặn vi phạm. Nhờ đó các hoạt động khai thác như sử dụng xung điện, chất nổ và giã cào bay trong vùng dự án giảm đi đáng kể, nguồn lợi đang phục hồi và phát triển khá tốt.
Ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi thủy sản
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh, một trong những hành động ngăn chặn sự suy giảm nguồn lợi hải sản là phải tổ chức lại cơ cấu nghề khai thác hải sản một cách hợp lý, phát triển hài hòa giữa các nghề khai thác phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương và ít gây ảnh hưởng đến nguồn lợi hải sản. Hiểu được điều đó, Bình Thuận đã tiến hành rà soát lại các nghề đang hoạt động và quản lý thông qua việc cấp giấy phép khai thác thủy sản. Một số nghề khai thác có tính hủy hoại môi trường, nguồn lợi cao được phát hiện và ngăn chặn kịp thời ngay từ đầu như nghề cào banh lông, giã cào điện, súng bắn cá sử dụng điện, cào nhám... Công tác cấp giấy phép được thực hiện nghiêm, chặt chẽ đối với nghề lưới kéo (nhất là giã cào bay) và nghề lặn. Bên cạnh việc quản lý chặt chẽ các thuyền nghề, Chi cục Thủy sản đã tập trung phát triển những nghề lợi thế, truyền thống của địa phương như nghề mành chà, câu, rê… Hạn chế các nghề khai thác mang tính hủy diệt nguồn lợi, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, đặc biệt là nghề lưới kéo.
Bên cạnh đó, công tác quản lý tàu công suất nhỏ khai thác ven bờ đã có sự chuyển biến tích cực, từng bước giảm dần số lượng, hạn chế cường lực khai thác ở vùng biển ven bờ. Đến nay đã giảm được 836 chiếc tàu có công suất dưới 20 CV và 1.944 chiếc tàu có công suất dưới 90 CV so với năm 2012. Nghề bẫy bắt tôm hùm con được đưa vào quản lý, hạn chế việc khai thác bừa bãi để bảo vệ nguồn giống ngoài tự nhiên. Ngoài ra, công tác tuần tra và phối hợp xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản cũng đã được thực hiện thường xuyên, liên tục qua đó kịp thời ngăn chặn và xử lý nhiều vụ việc vi phạm về khai thác hải sản như không đúng kích cỡ quy định, sai tuyến, khai thác trong mùa cấm, thời gian cấm, khai thác san hô, khai thác và mua bán rùa biển, sử dụng chất nổ và chất độc,…
Bình Thuận có 3 khu nằm trong quy hoạch hệ thống các khu bảo tồn biển và nội địa được Thủ tướng phê duyệt đến năm 2020 là Hòn Cau (Tuy Phong), Phú Quý và hồ Biển Lạc (Tánh Linh). Hiện nay chỉ có Khu bảo tồn biển Hòn Cau chính thức đi vào hoạt động.
M.Vân
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.