Nguồn tin: Báo Vĩnh Phúc, 01/04/2019
Ngày cập nhật:
4/4/2019
Tích cực chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, thời gian qua, nuôi cá lồng trên sông Phó Đáy được đánh giá là mô hình phát triển mạnh mẽ trên địa bàn xã Thái Hòa (Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc). Mô hình này không những thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương mà còn giải quyết việc làm, cải thiệnđời sống của người dân.
8 lồng bè nuôi cá của gia đình anh Nguyễn Quang Lợi, thôn Đại Lượng, xã Thái Hòa (Lập Thạch) cho thu lãi 200 triệu đồng/vụ
Cá nhiễm kim loại nặng do nuôi trong môi trường ô nhiễm, cá tồn dư kháng sinh, cá không ngọt và thơm thịt vì lạm dụng cám công nghiệp… là những nỗi lo thường trực của người tiêu dùng. Tuy nhiên, nỗi lo này có thể vơi bớt phần nào khi vài năm trở lại đây, nhiều người dân trên địa bàn xã Thái Hòa phát triển mô hình nuôi cá lồng nhờ tận dụng lợi thế dòng chảy của sông Phó Đáy.
8 lồng bè nuôi đủ các loại cá của gia đình anh Nguyễn Quang Lợi, thôn Đại Lượng đặt giữa lòng sông Phó Đáy được đánh giá là một trong những mô hình có hiệu quả kinh tế nổi trội. Để đầu tư nuôi cá lồng trên sông, ban đầu anh Lợi tiến hành khảo sát khu vực nuôi, đo kiểm tra độ pH phù hợp, độ trong của nước. Đây là khâu rất quan trọng vì khu vực nuôi quyết định đến an toàn lồng nuôi cũng như hiệu quả trong suốt quá trình nuôi. Năm 2016, anh Lợi bắt tay vào dựng lồng, bè, thả giống với tổng vốn đầu tư lên tới 800 triệu đồng, thả nuôi 3 loại cá: Trắm giòn (1.000 con/lồng), chép giòn (1.000 con/lồng), rô phi (5.000 con/lồng).
Mặc dù chưa có nhiều kinh nghiệm, vốn kiến thức về nuôi trồng thủy sản còn khiêm tốn, nhưng anh Lợi lại có đam mê khởi nghiệp và nuôi ý chí làm giàu trên chính mảnh đất quê hương. Chính điều này đã giúp anh thêm vững tin xây dựng một vùng nuôi cá lồng khoa học và quy mô. Tuy nhiên, khi bắt tay vào nuôi cá lồng, anh Lợi gặp không ít khó khăn và thất bại. Quyết tâm bám trụ với nghề, anh đã dày công tự học trên sách, báo; tham quan học hỏi mô hình nuôi cá lồng tại các địa phương, như: Hải Dương, Hoà Bình... Đến nay, mô hình nuôi cá lồng của anh Lợi đang dần tạo dựng được uy tín, nhiều thương lái tìm đến đặt hàng. Trung bình, sản lượng thu hoạch cá rô phi đạt 20 tấn/năm, chép giòn từ 5 – 6 tấn/năm, trắm giòn khoảng 15 tấn/năm. Với giá thu mua hiện ở mức 30 – 32 nghìn đồng/kg cá rô phi, 100 – 120 nghìn đồng/kg trắm giòn và chép giòn, trung bình mỗi vụ anh Lợi thu lãi khoảng 200 triệu đồng.
Ngoài thức ăn tự nhiên là cỏ voi, anh Lợi còn sử dụng các loại cám viên, đây là loại thức ăn giàu dinh dưỡng, phù hợp với nhiều loại cá. Chia sẻ với chúng tôi, anh Lợi cho biết: Khác với cách nuôi cá trong ao, nuôi cá lồng trên sông tận dụng được nhiều lợi thế về mặt nước do dòng chảy liên tục nên nước ít bị ô nhiễm. Về mùa mưa, lượng bùn bã hữu cơ đổ về lòng sông nhiều, làm nước đục, môi trường nuôi trồng biến động, cá không thích ứng kịp nên dễ bị nhiễm bệnh, nguy cơ hao hụt đàn rất cao.
Bởi thế, nuôi cá lồng quan trọng nhất là khâu phòng bệnh cho cá, người nuôi phải thường xuyên vệ sinh lưới, giúp cá không bị thiếu ô xy cũng như hạn chế việc phát sinh mầm bệnh; treo túi vôi ở góc lồng để khử trùng môi trường nước, sạch mầm bệnh. Đặc biệt, thường xuyên sử dụng tỏi say nhuyễn cho cá ăn liên tục trong vòng từ 7 – 10 ngày/tháng với định lượng phù hợp để tăng sức đề kháng. Thường xuyên theo dõi tốc độ sinh trưởng, kiểm soát nguồn thức ăn… đảm bảo cho vật nuôi phát triển tốt. Để đáp ứng nhu cầu ngày một tăng của thị trường tiêu thụ, thời gian tới, anh Lợi tiếp tục đầu tư thêm từ 3 - 4 lồng nuôi và gia cố phầm nổi của bè nuôi để tiện lợi cho việc đi lại.
Mạnh dạn đầu tư vào mô hình nuôi cá lồng với quy mô lớn, chị Phạm Thị Nhung, thôn Chùa chia sẻ: "Năm 2017, gia đình tôi đầu tư hơn 1 tỷ đồng nuôi các loại cá truyền thống như: Rô phi, chép, trắm ở 4 lồng nuôi, kết hợp trồng 4 mẫu cỏ voi làm nguyên liệu cho cá ăn. Theo tính toán, chi phí mua thức ăn cho cá trong quá trình nuôi hết khoảng 50 triệu đồng/tháng nhưng vào giai đoạn chuẩn bị thu hoạch, chi phí này có thể lên tới 120 triệu đồng/tháng do phải bổ sung nguồn dinh dưỡng để cá tăng trưởng mạnh, đạt trọng lượng theo yêu cầu".
Đặc biệt, trong quá trình nuôi, chị Nhung thường xuyên bổ sung thêm vitamin C vào thức ăn hàng ngày với liều lượng phù hợp nhằm tăng sức đề kháng cho cá. Với cách thức này, đàn cá nhanh lớn và khỏe mạnh hơn hẳn so với cách nuôi thông thường. Nhờ vậy, nhiều thương lái ở Bắc Ninh, Hà Nội, Bắc Giang,… thường xuyên tìm đến đặt mua cá của gia đình chị. Với sự đầu tư mạnh về nguồn thức ăn, trọng lượng cá cá rô phi khi xuất bán đạt khoảng 1,5kg/con; cá trắm và chép từ 3kg/con trở lên; doanh thu mỗi lồng khi xuất bán khoảng 330 triệu đồng; trừ chi phí, mỗi năm gia đình chị thu lãi khoảng 400 triệu đồng.
Nói về triển vọng nuôi cá lồng trên sông, đồng chí Nguyễn Anh Chiến, Chủ tịch UBND xã Thái Hòa cho biết: Để khắc phục hạn chế quy mô nuôi cá lồng trên sông manh mún, năng suất, giá trị nuôi trồng thấp, chính quyền địa phương tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, nhân rộng các giống con nuôi thủy sản có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao như: Trắm giòn, chép giòn, cá lăng… để phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa. Từ đó, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ, phát triển nuôi trồng các loại cá đặc sản tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.
Bài, ảnh Bảo Anh
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.