Nguồn tin: Báo Lạng Sơn, 16/04/2019
Ngày cập nhật:
17/4/2019
Hiện nay, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt gần 1.300 ha. Để nuôi trồng đạt hiệu quả, cơ quan chuyên môn, người dân chủ động các biện pháp phòng trừ bệnh dịch gây hại.
Chúng tôi đến Hợp tác xã (HTX) thủy sản Thác Xăng – Bắc La, xã Bắc La (huyện Văn Lãng) những ngày đầu tháng 4 này, ông Luân Văn Bảy, Giám đốc HTX đang kiểm tra rất tỉ mỷ đàn cá nuôi trong lồng. Theo ông Bảy, hiện nay thời tiết đang chuyển mùa từ xuân sang hè, nhiệt độ chênh lệch lúc giao mùa làm môi trường nước thay đổi khiến cá dễ bị nhiễm bệnh. Vì vậy, thời điểm này phải theo dõi thường xuyên, hằng ngày để phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho đàn cá.
Cán bộ Trung tâm Thủy sản tỉnh kiểm tra đàn cá giống
Ông Bảy cho biết: Để phòng trừ hiệu quả bệnh cho cá, thành viên HTX tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi do cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện tổ chức; học hỏi kinh nghiệm nuôi cá từ các HTX khác trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, chủ động các biện pháp phòng bệnh như: chọn địa điểm đặt lồng ở chỗ nguồn nước sạch, không bị ảnh hưởng bởi các nguồn nước thải; trước khi thả cá, vệ sinh lồng nuôi sạch sẽ; cá giống mua ở các trung tâm sản xuất giống có uy tín, chọn con khỏe mạnh, trước khi thả, dùng thuốc tím (KMnO4) hòa với nước và tắm cho cá để loại bỏ mầm bệnh… Vì vậy, đến nay, đàn cá phát triển tốt, không xảy ra bệnh dịch. Hiện nay, HTX có 43 lồng cá, chủ yếu là cá trắm cỏ và một số ít cá trôi, chép.
Là địa bàn nuôi nhiều cá lồng trong tỉnh, nhiều hộ nuôi cá lồng ở thị trấn Văn Quan, huyện Văn Quan chú trọng các biện pháp phòng bệnh cho cá. Ông Triệu Văn Vượng, Giám đốc HTX chăn nuôi cá lồng Tân Minh, thị trấn Văn Quan cho biết: Hiện nay, HTX có 40 lồng, chủ yếu là cá trắm cỏ. Để đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn cá, trước khi thả cá giống, HTX rắc vôi bột khử trùng toàn bộ khu vực nuôi. Sau khi thả cá được 1 tuần, sẽ tiến hành tiêm phòng, việc tiêm phòng rất quan trọng trong phòng bệnh. Ngoài ra, trong quá trình nuôi, ngoài việc khử trùng môi trường nước định kỳ 1 lần/tháng, nuôi đúng mật độ và cho ăn đủ khẩu phần, tránh dư thừa thức ăn gây ô nhiễm môi trường nước, HTX còn bổ sung thêm VitaminC vào thức ăn theo đúng liều lượng được hướng dẫn để tăng sức đề kháng cho cá. Nhờ vậy, đàn cá của HTX phát triển tốt, trong 3 năm trở lại đây không bị bệnh.
Hiện trên địa bàn huyện Văn Quan có gần 100 ha diện tích nuôi thủy sản, sản lượng đạt gần 140 tấn/năm. Trong đó, nuôi cá lồng chiếm phần lớn với trên 220 lồng. Ông Mã Văn Trưởng, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Văn Quan cho biết: Để phòng chống bệnh cho thủy sản trên địa bàn, hằng năm, trung tâm phối hợp với Trung tâm Thủy sản tổ chức tập huấn kỹ thuật về nuôi trồng, phòng, điều trị bệnh cho cá; giám sát và khuyến cáo định kỳ theo tháng, giai đoạn phát triển của cá để người nuôi trồng chủ động phòng bệnh. Ngay trong đầu tháng 4 này, trung tâm mở 1 lớp tập huấn nuôi trồng, chăm sóc và phòng trừ dịch bệnh thủy sản cho các hộ tại thị trấn Văn Quan. Trong 5 năm trở lại đây, thủy sản trên địa bàn phát triển ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra.
Hiện nay, diện tích nuôi trồng thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt gần 1.300 ha, sản lượng đạt gần 2.000 tấn/năm. Trong đó, nuôi cá lồng ngày càng phát triển, hiện toàn tỉnh có 399 lồng cá, tập trung ở các huyện: Văn Quan, Bắc Sơn, Tràng Định, Văn Lãng, Lộc Bình.
Ông Dương Doãn Doanh, Phó Giám đốc Trung tâm thủy sản tỉnh cho biết: Để phòng chống bệnh dịch thủy sản, trung tâm phối hợp với phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn, trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố tuyên truyền, tập huấn về phát triển thủy sản, các biện pháp phòng, trị bệnh cho cá… Từ đầu năm 2018 đến nay, trung tâm tổ chức tập huấn được 4 cuộc, cấp phát trên 120 cuốn tài liệu về kỹ thuật nuôi thủy sản cho các hộ, HTX thủy sản trên địa bàn. Đặc biệt, ngay trong đầu tháng 3/2019, trung tâm gửi văn bản hướng dẫn về kỹ thuật phòng, chống dịch bệnh cho một số loài thủy sản nuôi cho trung tâm dịch vụ nông nghiệp các huyện, thành phố để hướng dẫn, tuyên truyền cho người nuôi. Hiện nay, thủy sản trên địa bàn phát triển ổn định, không xảy ra bệnh dịch, môi trường nước không bị ô nhiễm.
Theo khuyến cáo của Trung tâm Thủy sản tỉnh, hiện nay thời tiết đang chuyển mùa, để phòng và trị bệnh trên cá cần đảm bảo nguồn nước không bị ô nhiễm, cho cá ăn đủ cả về chất và lượng thức ăn, bổ sung oxy cho ao nuôi, thường xuyên theo dõi để phát hiện và xử lý kịp thời khi bệnh dịch xảy ra.
ĐỖ HOẠT
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.