Nguồn tin: Báo Quảng Trị, 16/04/2019
Ngày cập nhật:
18/4/2019
Quảng Trị có tiềm năng lớn để phát triển nuôi tôm và con tôm cũng đã được tỉnh xác định là một trong “sáu cây, hai con” chủ lực có lợi thế cạnh tranh để thúc đẩy sản xuất nông nghiệp địa phương phát triển bền vững (gồm hồ tiêu, lúa chất lượng cao, dược liệu, cao su, cà phê, gỗ nguyên liệu rừng trồng và con tôm, con bò). Tuy vậy, nuôi tôm trên địa bàn vẫn phát triển chưa được như kì vọng do đang gặp phải không ít rào cản và thực tế này cần được các ngành chức năng và các địa phương quan tâm tháo gỡ.
Người nuôi tôm vẫn đang đối mặt với nhiều rủi ro
Phát triển nuôi tôm chưa tương xứng vì thiếu đầu tư
Toàn tỉnh Quảng Trị hiện có diện tích nuôi tôm 933 ha tập trung ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng; trong đó tôm sú 450 ha, tôm thẻ chân trắng 483 ha, sản lượng năm 2018 ước đạt 4.532 tấn, giá trị sản xuất đạt khoảng 680 tỉ đồng và con tôm đang đóng góp 12% vào tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm hiện nay ở không ít địa phương vẫn đang trong tình trạng nhỏ lẻ, bấp bênh, vụ được vụ mất và số người có thu nhập cao, làm giàu bền vững nhờ con tôm là không nhiều vì thiếu đầu tư.
Đã có một thời nhiều hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ven sông Bến Hải sát với Cửa Tùng thuộc xã Trung Giang, huyện Gio Linh có thu nhập rất tốt. Vậy nhưng mấy năm trở lại đây, cả vùng nuôi tôm rộng lớn đã trở nên tiêu điều, vắng vẻ bởi nông dân không còn mặn mà với con tôm do tôm thường xuyên nhiễm bệnh rồi chết hàng loạt gây thiệt hại rất lớn về kinh tế. Dẫn chúng tôi đi thực tế hồ nuôi tôm thẻ chân trắng nay đã chuyển sang nuôi quảng canh các loại cá, cua, tôm của mình, ông Nguyễn Văn Giáo ở thôn Nam Sơn cho biết: “Tất cả những người nuôi tôm ở đây đều không dám đầu tư nuôi tôm thâm canh như trước đây bởi rủi ro quá lớn và nếu duy trì thì cũng nuôi theo kiểu như tôi để làm kế sinh nhai qua ngày. Tôm ở đây thường chết chỉ sau khoảng 25 - 40 ngày nuôi được chính quyền kết luận là do việc kiểm soát chất lượng nguồn giống chưa tốt và xử lí môi trường hồ nuôi, kĩ thuật nuôi không đúng quy trình. Người dân đúc kết lại cũng thấy đúng vì giống tôm rất nhiều loại và chủ yếu được mua ở các tỉnh phía Nam, có khi là mua loại có nguồn gốc không rõ ràng và giá rẻ. Rồi việc cấp nước, xử lí nước thải không được đầu tư bài bản, mỗi người làm một cách nhưng đều lấy trực tiếp ở sông và khi cần cũng xả thẳng ra đó”. Cách đó không xa, vùng nuôi tôm sú ở xã Vĩnh Thành, huyện Vĩnh Linh cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Từ năm 2015 đến nay, khá nhiều hộ nông dân trắng tay, lâm vào cảnh nợ nần do tôm chết hàng loạt vì nhiễm bệnh.
Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thành Vũ Xuân Dương thông tin: “Địa phương có 69 ha nuôi tôm sú. Mấy năm trước đây người nuôi tôm còn có được thu nhập nhưng ba năm nay thì hầu hết nông dân “dính” vào đây đều bị thua lỗ. Như năm 2018 toàn xã có trên 100 hồ nuôi thì đã có đến 95 hồ tôm chết toàn bộ. Bước vào vụ nuôi năm nay, nhiều hộ cũng xuống giống nhưng có thành công hay không thì vẫn chưa thể biết được do tôm có thể bị nhiễm bệnh bất cứ lúc nào. Hạ tầng phục vụ nuôi tôm thiếu, nguồn cung giống không chủ động, chất lượng chưa rõ ràng và người dân chủ yếu nuôi theo kinh nghiệm, không áp dụng đầy đủ các quy trình kĩ thuật là rào cản lớn nhất đối với nghề nuôi tôm trên địa bàn”…Thực tế này cũng đang diễn ra ở hầu hết các vùng nuôi tôm trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Theo dõi tình hình nuôi tôm những năm gần đây cho thấy, dịch bệnh trên tôm nuôi chủ yếu là bệnh hoại tử gan tụy cấp tính và đốm trắng xảy ra liên tục và rất khó phòng trừ, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người nuôi tôm cũng như tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế nông nghiệp địa phương. Đơn cử như vào đầu năm 2016 toàn tỉnh có 210 ha tôm nuôi trong tổng số trên 900 ha diện tích nuôi tôm bị nhiễm bệnh, đến giữa năm 2017 có 102 ha tôm cũng lâm vào tình trạng này và trong những tháng đầu năm 2018 dịch bệnh trên tôm lại xuất hiện trên diện rộng với 98 ha…
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Võ Văn Hưng cho biết: “Nuôi tôm đang đóng góp quan trọng vào giá trị sản xuất nông nghiệp của tỉnh và thời gian gần đây đã có 10 mô hình nuôi tôm hai giai đoạn ứng dụng công nghệ Biofloc, nuôi theo quy trình VietGAP và nuôi theo hình thức thâm canh sử dụng chế phẩm sinh học được triển khai mang lại hiệu quả cao cả về kinh tế và môi trường sinh thái, nhưng cần phải thấy rằng lĩnh vực này đang gặp phải không ít khó khăn vì thiếu đầu tư trên nhiều mặt”. Ông Võ Văn Hưng dẫn chứng, nhu cầu về giống tôm sú của nông dân hằng năm là 100 triệu con, giống tôm thẻ chân trắng khoảng 1,5 tỉ con nhưng năng lực sản xuất của Trung tâm Giống thủy sản trực thuộc sở mới chỉ cung ứng được 5 triệu con tôm sú giống, đáp ứng được 5% nhu cầu. Toàn bộ số tôm giống còn lại được nhập từ các tỉnh phía Nam như Bình Định, Ninh Thuận và Bình Thuận, trong đó nguồn giống chất lượng được cung ứng bởi các doanh nghiệp có uy tín, khẳng định được thương hiệu trên thị trường là không nhiều. Điều này đã dẫn đến việc kiểm soát chất lượng giống, dịch bệnh gặp rất nhiều khó khăn, cùng với đó là việc xử lí môi trường nước, thực hiện đầy đủ các quy trình kĩ thuật chưa được người nuôi tôm chú trọng nên dễ xảy ra dịch bệnh và khi phát sinh dịch bệnh lại rất khó xử lí, lây lan nhanh gây thiệt hại lớn về kinh tế cũng như ảnh hưởng đến môi trường sinh thái. Trang thiết bị phục vụ kiểm tra chất lượng giống tôm, phát hiện, kiểm soát dịch bệnh trên tôm của cơ quan chức năng và hạ tầng phục vụ nuôi tôm ở các vùng nuôi tôm trọng điểm nhiều năm qua thiếu sự đầu tư của nhà nước. Hầu hết người nuôi tôm chưa quan tâm đầu tư hệ thống hồ nuôi, hệ thống cấp và thoát nước phù hợp với tiêu chuẩn; quá trình nuôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật còn nhiều hạn chế cùng với đó là tính liên kết, trách nhiệm cộng đồng của người nuôi tôm chưa cao dẫn đến tình trạng khi tôm nhiễm bệnh thì không thông báo, tự xử lí và xả nước thải trực tiếp ra môi trường làm lây lan nguồn bệnh. Cơ quan chức năng và người nuôi tôm chưa làm tốt việc kết nối, liên kết với các doanh nghiệp trong tiêu thụ sản phẩm nên người nuôi tôm vẫn đang “tự bơi” trong việc tìm kiếm thị trường dẫn đến tình trạng không chỉ giá cả thiếu ổn định mà có khi còn bị thương lái ép giá… Ông Võ Văn Hưng cho biết thêm: “Toàn tỉnh hiện nay có 7 doanh nghiệp tham gia đầu tư nuôi tôm với diện tích 143 ha nhưng trên thực tế mới chỉ sử dụng 56 ha, đạt 39% tổng diện tích được giao. Thực trạng này cùng với việc một số địa phương quy hoạch, quản lí vùng nuôi tôm còn chồng chéo, thiếu khoa học nên việc mở rộng diện tích, phát triển nuôi tôm bền vững trên vùng cát còn hạn chế”.
Cần những giải pháp căn cơ
Theo mục tiêu đã được Sở NN&PTNT xác định, đến năm 2020 tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh đạt 1.500 ha, trong đó diện tích nuôi tôm sú là 500 ha còn lại là tôm thẻ chân trắng, tổng sản lượng đạt 6.500 tấn, giá trị sản xuất đạt khoảng 1.000 tỉ đồng. Giai đoạn sau năm 2020 - 2025 giữ ổn định diện tích và hình thành một số vùng sản xuất tôm công nghệ cao, vùng nuôi tôm hữu cơ áp dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật để nâng cao năng suất, giá trị sản phẩm… Để đạt được những mục tiêu này, rất cần những giải pháp căn cơ và kịp thời của các ngành chức năng cũng như các địa phương. Để tháo gỡ khó khăn về giống tôm, ngành nông nghiệp có phương án nâng cao năng lực sản xuất giống tôm sú đạt từ 20 - 25 triệu con/năm, đáp ứng khoảng 20 - 25% nhu cầu, số còn lại dự kiến sẽ liên kết với các doanh nghiệp cung ứng đảm bảo chất lượng cho nông dân. Đối với giống tôm thẻ chân trắng, ngành sẽ đề xuất UBND tỉnh các chính sách giúp Công ty Uni - President tháo gỡ khó khăn để đưa trại sản xuất tôm giống ở xã Trung Giang, huyện Gio Linh hoạt động trở lại, đồng thời thu hút thêm một số doanh nghiệp đầu tư và lĩnh vực này. Ông Nguyễn Hữu Vinh, Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản, Sở NN&PTNT cho biết: “Hạ tầng và trang thiết bị sản xuất giống tôm sú của đơn vị được đầu tư từ năm 2001 đến nay đã xuống cấp. Muốn mở rộng quy mô sản xuất giống tôm sú cũng như hướng tới sản xuất giống tôm thẻ chân trắng thì cần phải có nguồn lực đầu tư tương đối lớn. Đơn vị đã đề xuất với cấp trên và việc này cần được quan tâm giải quyết sớm với ưu tiên trước mắt là phấn đấu từng bước đáp ứng đủ nhu cầu giống tôm sú đảm bảo chất lượng cho người nuôi tôm trong tỉnh cũng như tính đến phương án liên kết với một số doanh nghiệp để sản xuất giống tôm thẻ chân trắng”. Theo Giám đốc Sở NN&PTNT Võ Văn Hưng, để phát triển nuôi tôm hiệu quả, ngành đề xuất UBND tỉnh phương án đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, điện ở các vùng nuôi tôm tập trung. Tăng cường nghiên cứu, hướng dẫn thực hiện các giải pháp kĩ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ vào các khâu nuôi, thu hoạch, vận chuyển, chế biến để nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị kinh tế của con tôm. Phối hợp với UBND các huyện tổ chức rà soát quy hoạch và xây dựng các vùng nuôi tôm theo hướng ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo đảm môi trường sinh thái. Đồng thời nghiên cứu chuyển đổi một số diện tích đất nông nghiệp ở vùng thấp, trũng sản xuất kém hiệu quả sang nuôi tôm. “Ngành nông nghiệp cũng sẽ tăng cường hướng dẫn xây dựng các tổ hợp tác, câu lạc bộ nuôi tôm theo hướng VietGAP, các mô hình “Cộng đồng nuôi tôm có trách nhiệm” gồm các hộ nuôi tôm liền kề nhau sử dụng chung hệ thống cấp thoát nước, giúp đỡ, chia sẻ với nhau về kinh nghiệm sản xuất để nuôi tôm an toàn, hiệu quả. Tổ chức đánh giá, tổng kết các mô hình nuôi tôm mới thành công trên nhiều mặt để tiếp tục nhân rộng. Quan tâm đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ làm công tác nghiên cứu và quản lí phát triển nuôi tôm cũng như đổi mới, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kĩ thuật cho người nuôi tôm…”, ông Võ Văn Hưng thông tin thêm.
Đề cập đến giải pháp huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng phục vụ nuôi tôm, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Huy cho hay, đơn vị sẽ phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng nghiên cứu, đề xuất UBND tỉnh bố trí kinh phí thực hiện từ nguồn vốn của các chương trình phát triển kinh tế thủy sản bền vững, xây dựng nông thôn, tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư. Phó Chủ tịch UBND huyện Triệu Phong Phan Quang Giải nêu thực tế: “Huyện có trên 300 ha nuôi tôm, hiện nay người nuôi tôm địa phương đang rất coi trọng việc ứng dụng tiến bộ khoa học kĩ thuật nên không chỉ hạn chế được tình trạng tôm nhiễm bệnh mà năng suất, chất lượng cũng được cải thiện đáng kể. Nếu phát triển thêm diện tích nuôi tôm thì địa phương có thể đáp ứng khoảng 100 ha, tập trung chủ yếu ở xã Triệu Lăng nhưng vấn đề là các ngành cần quan tâm phối hợp với huyện mời gọi được các doanh nghiệp đầu tư nuôi, liên kết nuôi tập trung theo hướng ứng dụng công nghệ cao và thu mua sản phẩm bởi phát triển tôm theo hướng này mới đem lại hiệu quả cao trên nhiều mặt”. Cùng quan điểm này, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thị Khởi cho rằng, huyện có 300 ha nuôi tôm nhưng diện tích nuôi theo hướng công nghiệp chưa nhiều và việc tiêu thụ sản phẩm vẫn đang do thương lái chi phối. Do vậy, ngoài việc đầu tư cho hạ tầng vùng nuôi tôm ở xã Vĩnh Sơn và Vĩnh Thành thì địa phương đang rất cần các doanh nghiệp hợp tác phát triển nuôi tôm theo hướng quy mô, ứng dụng công nghệ cao ở xã Vĩnh Thái và bao tiêu sản phẩm tôm của nông dân trên địa bàn huyện. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng, một trong những rào cản chính đối với phát triển nuôi tôm hiện nay của địa phương là thiếu các doanh nghiệp sản xuất giống, nuôi và thu mua, chế biến tôm hoặc liên kết với nông dân để thực hiện những công việc này. Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm tới thực tế trên và đang triển khai nhiều giải pháp để từng bước tháo gỡ. Việc mới đây lãnh đạo hai doanh nghiệp lớn, có thương hiệu mạnh trong sản xuất giống, nuôi và chế biến tôm là Công ty cổ phần Camimex Group và Công ty TNHH Đắc Lộc đến tìm hiểu cơ hội đầu tư và kí kết biên bản ghi nhớ với UBND tỉnh về hợp tác triển khai các dự án lớn trong lĩnh vực này là tín hiệu rất tích cực…
Để phát triển nuôi tôm hiệu quả và bền vững, con tôm khẳng định tốt hơn vị thế là một trong hai con nuôi chủ lực của tỉnh, cùng với những vấn đề trên, theo chúng tôi, các ngành chức năng cần rà soát quản lí quy hoạch sử dụng đất, đặc biệt là đất cát ven biển để quy hoạch phát triển các vùng nuôi tôm tập trung đảm bảo tránh chồng chéo với các quy hoạch khác, nhất là quy hoạch về phát triển du lịch, phát triển Khu kinh tế Đông Nam. Quản lí chặt chẽ không để phát sinh thêm các điểm nuôi tôm tự phát của người dân. Có cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các ngành trong việc kiểm soát môi trường các vùng nuôi tôm, phòng ngừa và kiểm soát, xử lí dịch bệnh trên tôm. Tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các quy định, quy hoạch về nuôi tôm.
Huy Nam
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.