Nguồn tin: Báo Phú Thọ, 24/04/2019
Ngày cập nhật:
27/4/2019
Hộ ông Thiều Minh Thế - xã Xuân Lộc, huyện Thanh Thủy ứng dụng công nghệ nuôi cá “sông trong ao” cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.
Việc nuôi thủy sản ứng dụng các quy trình công nghệ mới, công nghệ cao là xu hướng tất yếu để đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn thực phẩm, tăng năng suất trên đơn vị diện tích, đồng thời hướng đến phát triển thủy sản bền vững. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đang triển khai mô hình ứng dụng nuôi cá “sông trong ao” bước đầu mang lại hiệu quả cao.
Trên địa bàn tỉnh có trên 5.300ha chuyên nuôi thủy sản, 3.200ha mặt nước ruộng một vụ, trên 1.800ha mặt nước là hồ chứa. Năm 2018, sản lượng thủy sản toàn tỉnh đạt trên 35.500 tấn. Sản lượng và chất lượng thủy sản có tăng qua các năm, tuy nhiên, việc nuôi thủy sản còn hạn chế do thiếu liên kết trong tiêu thụ sản phẩm; nhiều khu nuôi, trang trại nuôi thủy sản chưa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, việc áp dụng kỹ thuật trong cải tạo môi trường ao nuôi còn hạn chế, còn hiện tượng xả thải chất thải chăn nuôi trực tiếp ra ao nuôi tại các cơ sở chăn nuôi kết hợp thủy sản. Vì vậy, ứng dụng công nghệ mới, nâng cao chất lượng, giá trị thủy sản và đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường đang được khuyến khích hiện nay.
Công nghệ nuôi cá “sông trong ao” giúp bảo vệ tốt cho môi trường nuôi, hạn chế dịch bệnh. Công nghệ này bắt đầu được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh từ năm 2017 với 4 hộ tham gia; đến nay đã nhân rộng lên 8 hộ tại 2 huyện Thanh Thủy và Tam Nông. Công nghệ “sông trong ao” thực chất là việc nuôi cá trong một bể có diện tích khoảng 125m2, bể được xây trong một ao lớn rộng khoảng 1ha. Bể được lắp đặt hệ thống thiết bị kỹ thuật gồm máy nén khí, thiết bị thổi khí, dẫn khí, thiết bị tạo dòng, ống sủi cung cấp oxy, hệ thống hút chất thải đáy... tạo nên dòng chảy liên tục trong ao; bảo đảm điều kiện sống tối ưu cho cá. Ưu điểm của phương pháp nuôi này là hệ thống máy nén giúp giải phóng khí độc, đồng thời khí nén xuống đáy bể cũng tạo ra dòng chảy đẩy các chất thải về một phía, tăng cường hàm lượng ô xy hòa tan trong nước, giúp người nuôi có thể nuôi cá với mật độ cao, nuôi được nhiều vụ trong năm nên năng suất, sản lượng cũng cao gấp 2-3 lần điều kiện nuôi trong ao thường.
Ngoài ra, do có hệ thống hút thức ăn thừa và chất thải ra bên ngoài, giúp môi trường nước luôn được đảm bảo, cá được tăng sức đề kháng, giảm dịch bệnh. Mặt khác, thay vì phải thay nước trong ao nuôi như trước kia, hệ thống này không thay nước và thải nước ra bên ngoài, tránh được lây lan mầm bệnh sang các ao nuôi khác và thuận tiện trong khâu chăm sóc, quản lý, thu hoạch.
Hộ anh Đặng Văn Dũng, khu 6, xã Thượng Nông, huyện Tam Nông là một trong những hộ thành công với mô hình này. Anh cho biết: Trước đây, trên diện tích ao, gia đình tôi nuôi cá theo cách cũ khó quản lý dịch bệnh và môi trường nước nên năng suất, chất lượng không ổn định. Khi ứng dụng công nghệ này, gia đình đã đầu tư gần 150 triệu đồng xây 1 bể trong ao với các thiết bị đi kèm. Trong bể, tôi thả cá trắm và cá chép với mật độ gấp 2 lần so với nuôi trong ao thường; ở ngoài bể vẫn tận dụng để thả các loại cá khác như cá mè, rô phi. Với phương pháp này tạo môi trường nước sạch, tỷ lệ cá sống đạt khoảng 95%, lượng thức ăn sử dụng giảm, tỷ lệ dịch bệnh thấp, cá tăng trọng nhanh, thịt cá săn chắc, chu kỳ nuôi ngắn hơn, năng suất cao hơn khoảng 2 lần so với cách nuôi cá truyền thống. Sau thu hoạch có thể thả con giống mới ngay mà không cần xử lý đáy ao. Gia đình tôi mỗi năm thu nhập trên 100 triệu đồng từ nuôi cá “sông trong ao”.
Đánh giá về công nghệ nuôi cá “sông trong ao”, ông Phan Kim Trọng - Trạm trưởng Trạm khuyến nông huyện Tam Nông cho biết: Qua thực tế một số hộ nuôi trên địa bàn huyện cho thấy mô hình nuôi cá ứng dụng công nghệ “sông trong ao” là một trong những điểm nhấn, định hướng cho phát triển nuôi thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao; giúp giải quyết khó khăn của người dân về ô nhiễm nguồn nước, hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất. Hệ thống nuôi này cũng được ứng dụng linh hoạt, trong đó có thể nuôi nhiều đối tượng với nhiều kích cỡ khác nhau, giúp cho người nuôi chủ động cao trong quá trình sản xuất.
Mô hình nuôi cá “sông trong ao” được đánh giá là hướng đi mới nhằm thay đổi tư duy của người nông dân trong nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh, hướng tới sản xuất tiên tiến, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và đang được khuyến khích nhân rộng.
Nguyễn Huế
- Kỹ thuật nuôi tôm, nuôi cá, phòng trị bệnh tôm, cá và các loại thủy sản khác
Bệnh phân trắng không làm tôm chết nhanh và chết hàng loạt như bệnh đốm trắng hay bệnh gan tụy cấp, nhưng nếu không khống chế sẽ gây ra những thiệt hại to lớn cho người nuôi tôm...
Thông tin nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, nuôi trồng, kỹ thuật, chế biến, nông sản, trồng trọt, chăn nuôi, thị trường, nuôi tôm, nuôi cá, gia súc, gia cầm, việc làm, mua bán, vật tư thiết bị, môi trường, phân bón, thuốc bảo bệ thực vật, thuốc trừ sâu, thức ăn thủy sản, thức ăn chăn nuôi, cây ăn quả, cây công nghiệp, cây hoa màu, cây lương thực, cây hoa cảnh, cây thuốc, dược liệu, sinh vật cảnh, phong lan, nông thôn, nông dân, giải trí. All of aquaculture, agriculture, seafood and aquarium: technology, market, services, information and news.